Kinh nghiệm quản lý rác thải của Nhật Bản: Bài học cho các nước châu Á

Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở châu Á kéo theo một hệ lụy: tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng ở các đô thị lớn, nơi các núi rác ngày càng được chất cao. Song các nước châu Á có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý rác thải của Nhật Bản để giải quyết cuộc khủng hoảng rác tại các thành phố của họ, theo tờ Nikkei Asian Review.

Kinh nghiệm quản lý rác thải của Nhật Bản: Bài học cho các nước châu Á

Trong khi hầu hết các nước phương Tây, rác được thu gom và xử lý một cách vệ sinh và khoa học thì điều này là giấc mơ còn xa vời ở nhiều nền kinh tế châu Á. Tại các nước nghèo như Pakistan hay Campuchia, tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ thu gom rác chỉ vào khoảng 20%.

Điều tệ hại hơn nữa, rất nhiều thành phố ở châu Á vứt bỏ phần lớn rác thải ở những đống rác lộ thiên khổng lồ. Hậu quả của kiểu thu gom rác như vậy là nạn ô nhiễm môi trường, bệnh tật lây lan và gây ngập lụt đô thị do rác làm tắc nghẽn cống thoát nước.

Những núi rác cũng là nguồn phát ra khí thải nhà kính. Bãi rác khổng lồ Deonar ở TP Mumbai (Ấn Độ) là nơi tập trung khí methane thường bắt lửa và gây hỏa hoạn.

Các hệ thống thu gom và xử lý rác hiện đại đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư nhưng các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước châu Á lại không chú trọng đến công tác thu gom rác thải, đặc biệt là việc xử lý rác một cách hiệu quả và an toàn với môi trường. Hầu hết các nước châu Á chỉ tập trung đầu tư cho các vấn đề cấp khác gồm y tế và giao thông.

Những kinh nghiệm trong thu gom và xử lý rác thải ở Nhật Bản có thể cung cấp những bài học quan trọng cho các nước châu Á khác để tạo ra một hệ thống quản lý rác thải hiệu quả.

Những bài học này rất thích hợp với các nước ở châu Á vì Nhật Bản cũng có nhiều nét tương đồng giống các nước châu Á khác, chẳng hạn có nhiều thành phố đông đúc dân cư.

Nhật Bản cũng gặp phải một vấn đề phổ biến ở châu Á trong quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế đó là các núi rác khổng lồ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ở các thành phố.

Phải phân loại rác trước khi vứt bỏ

Sau năm 1950, Nhật Bản phát triển nhanh chóng nhưng lại phớt lờ vấn đề môi trường trong nhiều thập kỷ. Năm 1971, Bộ Môi trường Nhật Bản được thành lập để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước do rác thải gây ra, một tình trạng mà Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines) ngày nay đang đối mặt.

Nhật Bản bắt đầu xử lý rác thải đô thị bằng cách đốt rác vào năm 1960 nhưng quy trình này lại thải ra lượng khí độc hại lớn.

Vào thập niên 1990, hàm lượng chất dioxin trong không khí ở một số nơi tại Nhật Bản lên cao mức kỷ lục do hoạt động đốt rác. Trong khi đó, nhiều người dân vứt rác bừa bãi ở các bãi rác tự phát.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1993 khi Nhật Bản ban hành Luật Môi trường cơ bản. Sau đó, nhiều luật khác cũng được thông qua để giúp tạo ra một khung tổng thể cho một hệ thống quản lý rác thải mới nhưng cách triển khai cụ thể hệ thống này được giao cho các chính quyền  địa phương.

Rác là một vấn đề mang tính địa phương và các giải pháp cần phải phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương.

Câu chuyện thành công của hệ thống quản lý rác thải của Nhật Bản bắt đầu với việc thu gom rác từ các hộ gia đình ở các thành phố. Đường phố ở các thành phố lớn Nhật Bản đều có các bảng dựng ven đường ghi chi tiết kế hoạch thu gom rác hàng tuần cũng như các biểu tượng nhiều màu sắc để minh họa cho các quy định phải thực hiện trong vấn đề rác thải.

Các thành phố thường phát hành các cuốn cẩm nang về xử lý rác thải có thể dài đến 30 trang. Các hộ gia đình và các công ty được yêu cầu phải phân loại rác theo nhiều nhóm rác khác nhau, chẳng hạn rác có thể đốt như giấy vụn, rác nhà bếp… và rác không được đốt vì phát ra khí độc hại như pin, đồ điện tử và rác có thể tái chế như chai nhựa, báo chí…

Tất cả các nhóm rác này được thu gom theo lịch trình cụ thể và được vận chuyển đến những nơi khác nhau. Các quy định về phân loại rác có thể khác nhau tùy mỗi chính quyền địa phương.

70% rác thải được sử dụng để sản xuất điện

Nếu như ở hầu hết các nước châu Á, ngân sách chỉ tập trung cho hoạt động thu gom rác thì tại Nhật Bản, quy trình xử lý rác cũng được chú trọng đầu tư.

Cách đây 30 năm, đa số rác thải ở Nhật Bản được vận chuyển đến các bãi rác hoặc bị vứt bỏ ở những bãi rác tự phát. Chỉ có 5% rác thải ở các thành phố Nhật Bản được tái chế.

Hiện nay, chỉ 1,2% lượng rác thải đô thị ở Nhật Bản được đưa đến các bãi rác.

Nhật Bản tái chế 20% lượng rác thải, không quá cao so với tiêu chuẩn ở các nước phát triển như Đức, Áo, nơi hơn 50% rác thải được tái chế nhưng cao hơn so với nhiều nước khác ở châu Á.

Đa số rác thải của Nhật Bản, khoảng 70%, được đốt để sản xuất điện. Đây là mức cực kỳ cao nếu so với con số 13% rác thải được đốt để sản xuất năng lượng ở Mỹ.

Nhật Bản bắt đầu đốt rác vào thập niên 1960 nhưng quy trình này phát ra một lượng khí thải độc hại khổng lồ, khiến người dân phản đối các nhà máy đốt rác. Các chính quyền địa phương khắc phục vấn đề này bằng cách khuyến khích các công nghệ đốt rác sạch hơn, chẳng hạn đốt rác ở nhiệt độ trên 850 độ C.

Đến năm 2015, hàm lượng dioxin trong không khí ở Nhật Bản chỉ tương đương 1/50 so với mức năm 1998.

Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính chi phí quản lý rác thải của Nhật Bản vào khoảng 15.300 yen (138 đô la Mỹ) /đầu người mỗi năm. Con số này cao hơn nhiều nước ở châu Á, chẳng hạn chính phủ Thái Lan chỉ chi khoảng 2 đô la /đầu người mỗi năm cho hoạt động quản lý rác thải ở các thành phố. Tuy nhiên, thiệt hại do ô nhiễm môi trường và các cơ hội bị bỏ lỡ trong hoạt động tái chế rác thải ở Thái Lan là rất lớn.

Biến bãi rác thành đảo nhân tạo để trồng rừng

Nhật Bản cũng tìm cách tận dụng các bãi rác một cách hiệu quả. Chẳng hạn, từ năm 1973 đến 1987, 12,3 triệu tấn rác của thủ đô Tokyo được tập kết ở các bãi rác khép kín trên vịnh Tokyo. Dần dần, các bãi rác này biến thành các cụm đảo nhân tạo.

Năm 2007, những người tình nguyện bắt đầu trồng cây trên các đảo rác nhân tạo rộng 88 hecta này bằng cách sử dụng đất ủ từ lá cây thu gom từ các công viên và các cành cây gãy đổ ở các đường phố.

Giờ đây, một cánh rừng có tên gọi Sea Forest mọc lên tươi tốt trên các đảo rác nhân tạo ở vịnh Tokyo. Xà bần từ các công trình xây dựng được tận dụng để xây các lối đi giữa các hàng cây.

Kiến trúc sư Tadao Ando, người thiết kế dự án Sea Forest, cho biết khu rừng này có tác dụng như một “máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên” khổng lồ, làm mát làn không khí biển thổi vào đô thị Tokyo.

Một kênh biển chạy xuyên qua Sea Forest sẽ là nơi thi đấu chèo ca-nô của Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN 

Tags: ,