Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về áp dụng thị trường chất lượng nước

Thị trường chất lượng nước (WQT) được sử dụng như một công cụ kinh tế để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. WQT đã được áp dụng ở một số quốc gia như Australia, Canada, Mỹ, New Zealand và đang được nghiên cứu tại một số nước khác như Phần Lan, Thụy Điển.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về áp dụng thị trường chất lượng nước

Tác giả: ThS. Hàn Trần Việt & ThS. Trần Bích Hồng, Viện Khoa học Môi trường.

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2017.

Một số nội dung về WQT

Về lý thuyết, nguyên tắc củaWQT là xác định tổng lượng chất thải được phép xả thải nhằm đạt mục tiêu chất lượng nước. Các cơ sở xả thải sẽ được phân bổ số lượng giấy phép xả thải tương ứng với lượng chất ô nhiễm cố định được xả vào nguồn nước. Các cơ sở xả thải có thể mua hoặc bán giấy phép xả thải từ người khác nhưng phải đảm bảo chất lượng nước tổng thể vẫn được đáp ứng. Bằng cách này, các biện pháp sẽ được tiến hành với hiệu quả về chi phí – lợi ích, giúp đẩy nhanh các mục tiêu quản lý chất lượng nước.

Có hai dạng mô hình cơ bản của WQT đó là thị trường đóng và mở. Trong đó, thị trường đóng sẽ giới hạn số lượng đối tượng tham gia để trao đổi giấy phép xả thải vào nguồn tiếp nhận. Hệ thống này phù hợp để áp dụng đối với trường hợp xác định cụ thể được nguồn thải như nhà máy, khu công nghiệp.

Nếu là thị trường mở, người gây ô nhiễm có thể lựa chọn phương án giảm lượng xả thải bằng cách “đền bù” cho các nguồn gây ô nhiễm khác không nằm trong khu vực thực hiện. Mô hình này phù hợp với trường hợp chất ô nhiễm từ các nguồn không điểm như nước thải nông nghiệp hay nước thải đô thị.

Có thể nói, WQT phù hợp với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, giúp giảm chi phí xã hội trong việc xử lý chất thải. Đặc biệt, WQT khuyến khích nghiên cứu và áp dụng các công cụ, giải pháp kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả, bởi các chủ nguồn thải có thể thu được lợi nhuận từ việc bán giấy phép xả thải được tạo ra.

Kinh nghiệm triển khai WQT ở một số quốc gia trên thế giới

Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện WQT thông qua việc ban hành Luật nước sạch năm 1972 và hệ thống phân loại nguồn thải ô nhiễm quốc gia. Cục Bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) đã hỗ trợ xây dựng khái niệm và tiến hành thử nghiệm thị trường quản lý chất lượng nước trong nhiều năm. Các hoạt động cụ thể gồm dự thảo khung về thị trường dựa trên lưu vực sông được ban hành năm 1996 và hỗ trợ tài chính để thí điểm thực hiện giao dịch trên lưu vực dòng sông Tar Pamlico.

Tháng 1/2003, EPA đã ban hành chính sách thương mại chất lượng nước. Chính sách này cho phép và hỗ trợ việc áp dụng WQT trong cải thiện môi trường. Đặc biệt, chính sách quan tâm tới những chất gây ô nhiễm tại các dòng sông và lưu vực khác.Sau khi được xây dựng, tổng tải trọng cho phép được phân bổ trên các nguồn điểm và nguồn ô nhiễm không điểm. Nguồn ô nhiễm điểm hay còn gọi là các nguồn gây ô nhiễm xác định (như các nhà máy) phải dựa trên giới hạn xả thải cho phép. Điều này tạo động lực để các nhà máy, chủ nguồn thải tìm kiếm nguồn chi phí thấp hơn để xả thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Mỹ là nước đã đạt những thành công trong việc giao dịch, mua bán chất ô nhiễm thông qua hệ thống giấy phép xả thải. Một số chương trình chỉ tập trung vào 1 chất ô nhiễm, một số chương trình khác tập trung vào 2 hay 3 chất ô nhiễm. Các chương trình này khuyến khích thực hiện giao dịch đối với các chất như BOD, amoniac, TSS và phải tuân thủ theo Luật nước sạch và những quy định có liên quan.

Tại Trung Quốc, WQT đã được nghiên cứu và phát triển khoảng 12 năm về trước. Trước năm 1990, hầu hết các nghiên cứu tập trung vào việc xây dựng hệ thống giấy phép. Từ khi tiến hành cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt được kết quả đáng kể trong quản lý ô nhiễm.

Năm 1979, Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, với phương pháp chính để kiểm soát ô nhiễm là dựa trên tiêu chuẩn. Mặc dù việc xả thải ở một số khu vực theo đúng tiêu chuẩn quy định, tuy nhiên, tổng lượng xả thải vẫn tiếp tục tăng và chất lượng môi trường bị suy giảm. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống tổng kiểm soát tải lượng ô nhiễm. Hệ thống xác định số lượng tối đa chất thải được phép xả thải trong khu vực xác định, sau đó việc phân bổ tổng lượng xả thải cho các cá nhân, chủ nguồn thải thông qua hệ thống giấy phép. Hệ thống tổng kiểm soát tải lượng ô nhiễm và hệ thống giấy phép xả thải đã được phát triển ở Trung Quốc từ năm 1980.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thử nghiệm hai hệ thống tổng lượng kiểm soát ô nhiễm và giấy phép xả thải tại một số địa phương.Thượng Hải là TP đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện hệ thống tổng lượng kiểm soát ô nhiễm và hệ thống giấy phép xả thải dọc dòng sông Hoàng Phố. Sau đó, hệ thống được mở rộng tới các TP khác như Thẩm Quyến, Trùng Khánh và đã đạt được những thành công.

Năm 1998, Cơ quan Bảo vệ môi trường Trung Quốc (SEPA) đã ban hành quy định về quản lý hệ thống giấy phép xả thải. Quy định này trao quyền cho SEPA xây dựng kế hoạch tổng lượng xả thải và đề xuất hệ thống giấy phép dựa trên các điều kiện cụ thể ở địa phương.

Kết luận

WQT là công cụ mới và đã được một số nước trên thế giới nghiên cứu và áp dụng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số mô hình thị trường chưa được hoàn thiện hoặc chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số mô hình mới đang trong giai đoạn đầu triển khai và thử nghiệm.

Về cơ bản, công cụ kinh tế được áp dụng trong quản lý chất lượng nước phức tạp hơn so với quản lý khí thải. Ô nhiễm nước thải khó xác định nguồn gây ô nhiễm với những đặc tính ô nhiễm đa dạng, không dễ để kết hợp trong cùng thị trường giao dịch vì các nguồn này là nguồn phân tán và không quan sát được. Chính vì vậy, đối với nước thải, việc áp dụng loại hình giấy phép là phù hợp trong quản lý, cũng như trao đổi, mua bán giấy phép trong phạm vi 1 vùng, khu vực, tỉnh/TP cùng xả thải nước thải ra môi trường tiếp nhận. Công cụ này giúp quản lý hiệu quả tổng lưu lượng nước thải có chứa các chất ô nhiễm thải ra lưu vực tiếp nhận, trong giới hạn sức chịu tải của lưu vực đó.

Triển khai thực hiện công cụ quản lý môi trường nước thông qua công cụ thị trường mang lại lợi ích tổng thể về kinh tế – xã hội và môi trường. Ngoài ra, công cụ này còn tạo động lực để các chủ nguồn thải tìm phương án xử lý với chi phí xả thải thấp hơn. Tuy nhiên, qua việc phân tích thị trường mua bán chất lượng nước ở một số quốc gia có thể thấy, đây là một công cụ quản lý tương đối mới, đang trong giai đoạn bước đầu triển khai thực hiện.

Một trong những điều kiện cho việc phát triển chất lượng nước là xác định được chất ô nhiễm có thể kiểm soát, đo lường và giao dịch. Đây là nội dung quan trọng, quyết định tới sự thành công của chương trình. Nguồn gây ô nhiễm nước đa dạng, gồm nhiều loại chất ô nhiễm khác nhau, do đó, việc xác định được chất ô nhiễm để tham gia vào thị trường mua bán hạn ngạch đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng tham gia thị trường là rất quan trọng. Để thực hiện thị trường này, phải xác định được tổng lượng xả thải của khu vực tiếp nhận, trong phạm vị quy định.

Đặc biệt, trước khi tiến hành xây dựng thị trường hạn ngạch phát thải, cơ quan quản lý cần phát triển hệ thống giấy phép xả thải. Đây là đối tượng chính trong thị trường chất lượng nước.

Về cách thức triển khai mua, bán, giao dịch giấy phép xả thải, trong giai đoạn đầu thực hiện, thị trường sẽ phân bổ miễn phí cho các đối tượng tham gia, sau đó việc mua, bán, trao đổi giấy phép sẽ được triển khai thông qua cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý việc mua bán, trao đổi giấy phép có thể là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, một hiệp hội hay một tổ chức phi chính phủ (ví dụ ở Trung Quốc, SEPA ban hành quy định về quản lý hệ thống giấy phép xả thải, tại Mỹ, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ là cơ quan quản lý giao dịch giấy phép và phí giao dịch…).

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG

Tags: