Không thể để những người ngay thẳng phải cô độc và sống trong sợ hãi

Cái khó nhất của đấu tranh chống tham nhũng là biết mười mươi mà không dám nói, cán bộ, công chức lại càng không dám, vì họ sợ trù dập, sợ mất chức, mất quyền, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cũng như thành tích chung của tập thể.

Ngày 2/11/2023, báo chí, truyền thông đưa tin, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có quy định mới về việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mức chi trả tối đa 10 triệu đồng mỗi tin. Đây là hình thức khuyến khích nhân dân thông tin tố giác tham nhũng, tiêu cực, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Ngay sau khi thông tin này được công bố đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Việc mua tin tố giác tham nhũng, tiêu cực không phải là mới. Chúng ta hẳn còn nhớ, sau 1 năm tái lập, tháng 12/2013, Ban Nội chính Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy xây dựng quy định, kế hoạch, kinh phí về việc mua tin tố giác tham nhũng. Ngày 26/3/2015, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ ký, ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV, Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Theo đó, người nào giúp thu hồi cho nhà nước tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể được thưởng tối đa 3,4 tỷ đồng. Những thông tin này đã được báo chí, truyền thông đưa tin rộng rãi và dư luận cũng nóng lên với hy vọng sẽ có nhiều cá nhân tích cực tố giác hành vi tham nhũng và chắc hẳn rằng sẽ có nhiều kẻ đang cảm thấy như “ngồi trên đống lửa” khi nghe thấy quy định này.

Thế nhưng sau một thời gian dài gần như không thấy có cơ quan báo chí, truyền thông nào đưa tin về việc đã mua được những thông tin có giá trị phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì sao lại vậy? Vì sao có cầu mà không có cung?… Trong khi ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đều có những thông tin liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đang len lỏi ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vậy tại sao lại không có ai đi “săn” tham nhũng để kiếm tiền? Vì sao người dân vẫn thờ ơ, không mặn mà gì với mức tiền thưởng rất lớn này?

Lý giải về nguyên nhân, đa số người dân và cán bộ, công chức, viên chức có câu trả lời thường là “đấu tranh rồi tránh đâu” phản ánh một sự thật là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đã có những người hăng hái, những nhân tố tích cực bị những kẻ lạm quyền trù dập, thậm chí có người bị sát hại.

Mặc dù đã có các quy định rất chặt chẽ về nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin, bảo đảm bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và an ninh, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng việc giữ bí mật danh tính của người tố cáo không hề dễ dàng.

Về phía các cơ quan chức năng, để đưa được những kẻ tham nhũng ra trước ánh sáng của pháp luật là một quãng đường dài, với muôn ngàn khó khăn, gian khổ vì tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ; hành vi phạm tội kéo dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Do vậy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng phải nghiên cứu, vận dụng nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến việc điều tra có khi tới vài ba năm mới đưa ra xét xử được. Với quá trình kéo dài này, rất khó để giữ được bí mật tuyệt đối nội dung tố cáo, cũng như danh tính của người tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Và khi đó, người tố cáo sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, đồng nghĩa với việc rất khó có thể tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Đã có những bằng chứng cho thấy, một số cơ quan, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn đứng đằng sau các vụ trả thù người tố cáo các hành vi tham nhũng; sử dụng cơ chế hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, đoàn thể để cô lập, vô hiệu hóa những người dám lên tiếng, rồi sử dụng cả lực lượng “xã hội đen” để đàn áp, khủng bố, thậm chí thủ tiêu người dám đấu tranh,… nhằm kéo dài thời gian để bóp nhỏ vụ việc, “bẻ ghi, nắn dòng” tiêu hủy tang chứng, chạy tội, đánh chìm xuồng vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ năm 2018, ông Phạm Tấn Lực ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn tố cáo những vấn đề sai phạm của nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc trong gói thầu A3 thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Sau đó, một số kẻ lạ mặt đã kéo đến gia đình ông Lực đe dọa sẽ “xử ngọt”.

Còn vào ngày 18/6/2020, anh Vũ Văn Pho – cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình – có buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Bình về đơn tố cáo sai phạm của một số lãnh đạo phường Lê Hồng Phong. Chiều cùng ngày, anh Pho bị đánh bất tỉnh khi đang đón 2 con nhỏ từ trường về.

Công an thành phố Thái Bình nhanh chóng vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can về tội cố ý gây thương tích. Trong đó, bị can Hoàng Thị Ánh Nguyệt là vợ ông Đặng Xuân Hậu – nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Lê Hồng Phong – khai nhận đã thuê 4 người chặn đường đánh anh Vũ Văn Pho vì anh này đã có đơn tố cáo chồng mình.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ người chống tham nhũng có vị trí đặc biệt, là mắt xích quan trọng, nhưng thực tế lại là khâu yếu nhất. Người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trước hết là người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực là nhân tố khởi đầu và ở vị trí then chốt có tính chất quyết định thắng lợi. Có vai trò và vị trí quan trọng như vậy, nhưng họ chưa nhận được nhiều sự đồng thuận, ủng hộ, bảo vệ, cổ vũ, động viên của xã hội.

Việc một số đối tượng “xã hội đen” nhắn tin đe dọa, rồi trực tiếp đến tận gia đình những người dám đấu tranh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực để khủng bố, đánh dằn mặt trong thời gian qua đã làm nhụt chí những người chính trực, đồng thời vô hình trung tạo nên “chỗ ẩn nấp” cho lương tâm những người tốt đỡ cắn rứt khi buộc phải “ngậm miệng” trước những hành vi, việc làm xấu xa.

Từ những cái giá đắt đã phải trả của bản thân và của người khác từ việc chống tham nhũng, tiêu cực, từ sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào vụ việc người dám tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không được tôn vinh và bảo vệ,… đã khiến không ít người phải im lặng và dần hình thành suy nghĩ: không muốn chống tham nhũng, không dám chống tham nhũng và không thể chống tham nhũng.

Có lẽ cái khó nhất của đấu tranh chống tham nhũng là biết mười mươi mà không dám nói, cán bộ, công chức lại càng không dám, vì họ sợ trù dập, sợ mất chức, mất quyền, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cũng như thành tích chung của tập thể. Thực tế đã có nhiều trường hợp, trước bằng chứng rõ ràng của người tố cáo buộc các cơ quan chức năng, người được giao thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố cáo phải giải quyết theo quy định của pháp luật, thì khi có sự tác động, can thiệp, dưới các sức ép của quyền lực, kinh tế, họ có thể thờ ơ, không xem xét, không đề xuất, không kiểm tra, giám sát, chuyển đơn lòng vòng; không trả lời những tố cáo chính đáng của người dân, để vụ việc dần chìm vào quên lãng hoặc có phải xử lý thì theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” hay “giơ cao, đánh khẽ”…

Tệ hơn nữa, trước những tài liệu, chứng cứ mà người tố cáo tham nhũng, tiêu cực đưa ra, trách nhiệm làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự thuộc về các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Nhưng trong nhiều vụ việc, người có trách nhiệm xử lý thông tin tố cáo đã tìm những điểm chưa cụ thể, chưa rõ ràng, tính pháp lý yếu trong các tài liệu, chứng cứ mà người tố cáo cung cấp để dọa dẫm, phủ nhận, quy chụp người tố cáo vào tội vu cáo, bôi nhọ, cho họ là phần tử quá khích, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ.

Những việc làm này làm nản lòng người tố cáo tham nhũng, tiêu cực, làm mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo nên sự bức xúc cho xã hội. Đây là rào cản lớn nhất ngăn cản những hành động, triệt tiêu động lực tiếp theo của người tố cáo, dám đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.

Phải chăng những người chống tham nhũng chấp nhận nhiều khó khăn đến vậy là vì mức tiền thưởng cao? Câu trả lời là không! Điều họ mong muốn là niềm tin vào một xã hội vẫn tồn tại sự công bằng, minh bạch; niềm tin mãnh liệt vào công lý mà ở đó lời nói thẳng, nói thật của họ được trân trọng và bảo vệ.

Những người có trách nhiệm trong xử lý, giải quyết tố cáo, tin báo tố giác tham nhũng, tiêu cực phải đặt mình vào vị thế người đi tố cáo để thấu hiểu được nỗi lòng của họ, từ đó mới có cách giải quyết vừa đúng luật pháp, vừa thấu tình đạt lý. Phải hiểu cho đúng, người dám nói tiếng nói đấu tranh với những tham nhũng, tiêu cực, với những điều bất công của xã hội không phải vì tiền, vì lợi lộc mà vì công lý.

Trong trường hợp đấu tranh chống tham nhũng thắng lợi, việc động viên, khen thưởng xứng đáng với những người tố cáo cũng còn gặp muôn vàn khó khăn. Lý do là thời gian xử lý vụ việc, vụ án dài nên tài sản tham nhũng đã được che giấu, chuyển hóa hoặc đứng tên người khác nên rất khó thu hồi, khâu giám định mất thời gian nên tài sản bị hư hao và không còn nhiều giá trị…

Những người hùng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ phải đợi đến khi thu hồi được 100% số tài sản tham nhũng thì mới được nhận tiền thưởng, hay họ sẽ được nhận ngay sau khi bản án có hiệu lực? Chưa có một quy định nào cụ thể về việc này, vậy họ sẽ phải đợi đến bao giờ?

Có khoảng cách xa giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tế, không ít cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội và người đứng đầu có nhận thức hạn chế và hành động yếu kém trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn thân thể, tinh thần, đời sống của bản thân và gia đình những người dám đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, cũng như việc tôn vinh chưa tương xứng với công trạng của những người anh hùng mới, chưa đủ sức cổ vũ mọi người, tạo nên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng, tiêu cực.

Để cán bộ, công chức và người dân thực sự chủ động hơn, tham gia tích cực vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng, thời gian tới các cơ quan chức năng, tất cả tổ chức Ðảng và chính quyền các cấp, đoàn thể quần chúng đều nhiệt thành ủng hộ, có các giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng, tiêu cực và các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo…

Không để những người ngay thẳng phải cô độc và “sống trong sợ hãi”. Từ đó, người cung cấp thông tin, người tố cáo tin tưởng hơn vào công lý, vào sự công tâm và quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh đầy cam go này và như vậy sẽ tạo được sự đoàn kết hơn, an tâm hơn trong việc tham gia cung cấp nhiều thông tin tố giác để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thực chất.

Còn ngược lại, khi việc tố cáo các hành vi tham nhũng không được xem xét, lại đùn đẩy, lại kính chuyển và không được xử lý nghiêm thì dù có thưởng cao đến bao nhiêu và cam kết bảo vệ an toàn thân thể, tinh thần, đời sống của bản thân và gia đình người dám tố cáo, dám đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng có mạnh mẽ đến mấy cũng khó được người dân ủng hộ.

Theo CÙ TẤT DŨNG / HỒ SƠ SỰ KIỆN

Tags: