Khoe mẽ, chửi bới, tung tin nhảm…: Sự bệnh hoạn của cái tôi trên mạng

Trong quãng thời gian dịch COVID-19 hoành hành ở Việt Nam, công an liên tục triệu tập rất nhiều người tung tin giả về chuyện chỗ này “toang”, chỗ kia “chết đói”.

Khoe mẽ, chửi bới, tung tin nhảm…: Sự bệnh hoạn của cái tôi trên mạng

Phải thể hiện mình nhanh chóng

Levi Jed Murphy tạo dáng trước camera. Đó sẽ là một bức ảnh trị giá 30 ngàn bảng: đôi mắt xanh biếc, gò má cao, đôi môi đầy đặn và cằm V-line. Murphy là một người dẫn dắt trên mạng xã hội (KOL: Key Opinion Leader) đến từ Manchester (Anh), với lượng người theo dõi khổng lồ. Về phương pháp ‘cày’ người theo dõi (follower) của mình, anh ta tiết lộ rằng nếu một bức ảnh không nhận được số lượt thích (like) trong một thời gian nhất định, thì nó sẽ bị xóa.

Anh ta phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản là để được công nhận nhanh chóng: “Ngoại hình đẹp là điều quan trọng trên mạng xã hội, bởi vì tôi muốn thu hút công chúng”. Nỗi ám ảnh này của Murphy với mạng xã hội là một trong những mối lo âu nổi bật được triết gia người Pháp Guy Debord đề cập trong tác phẩm “Xã hội và Cảnh huống” (1976): cuộc sống đã chuyển từ “có gì” sang “trông như thế nào”. Tức là việc bạn có gì thật sự không quan trọng bằng việc bạn gây ấn tượng ngay lập tức, bằng vẻ bề ngoài, và những hành động ồn ào bề ngoài.

Ngày nay, mạng xã hội có liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe tâm thần. Một báo cáo từ Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia (Anh) vào năm 2017 đã chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể dẫn đến các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và nghiện internet. Một số người nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội thậm chí đã chọn cách rời bỏ nó. Một số nền tảng, ví dụ Facebook, đang thử nghiệm chỉnh sửa các thiết kế nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người dùng, như giới hạn khả năng hiển thị lượt Thích (like) trên một bài đăng, chẳng hạn.

Điều gì tạo ra mối đe dọa với sức khỏe tâm thần của đa số người sử dụng mạng xã hội? Truyền thông xã hội là một phương pháp hiệu quả bẻ cong các mô hình tư duy của chúng ta. Nó tạo ra sự quá tải, với những bằng chứng xấu xa về thế giới xung quanh lẫn con người của chính chúng ta. Khoảng trống giữa con người hiện hữu (vốn tồn tại toàn vẹn trong thế giới thực) và con người diện mạo (trên mạng xã hội) nhiều khả năng là rất lớn: chỉ với một vài thao tác vuốt chuột, chúng ta đã có thể thay đổi đáng kể diện mạo của mình, hoặc chụp cùng 1 bức ảnh 20 lần cho đến khi khuôn mặt đạt được dáng vẻ chúng ta mong muốn.

Sự khác biệt này tạo ra những thông tin tưởng tượng về thế giới bạn đang sống, tràn ngập những điều không chính xác, cho chúng ta biết rằng thế giới đầy những người hạnh phúc và xinh đẹp không thể tưởng tượng nổi, đang sống cuộc sống xa hoa và nhàn nhã. Thông thường trong thế giới ngoại tuyến, các thông tin tiếp cận chúng ta bằng môi trường tức thời và trung thực hơn, không qua những bộ lọc bẻ cong như mạng xã hội.

Những hành động có vẻ cực đoan của Murphy, KOL đã nói ở đầu bài viết, là một trong những chiến lược để phản ứng với thế giới bị bẻ cong mà mạng xã hội đã cung cấp cho anh ta. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn một nửa số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã được các khách hàng yêu cầu cải thiện khuôn mặt để chụp ảnh “ảo” hơn trên các nền tảng mạng xã hội và các bệnh viện cũng có ứng dụng cho phép khách hàng có thể xem trước khuôn mặt của họ sau khi chỉnh sửa.

Một số khác, không có khả năng bỏ ra 30 ngàn bảng để cầu viện bác sĩ thẩm mỹ, sẽ chọn những cách cực đoan dễ dàng hơn: nói nhảm trên internet, bao gồm tung tin sai sự thật, phát ngôn cực đoan nhắm vào người khác, hoặc đơn thuần là chửi bới. Trong quãng thời gian dịch COVID-19 hoành hành ở Việt Nam, công an liên tục triệu tập rất nhiều người tung tin giả về chuyện chỗ này “toang”, chỗ kia “chết đói”.

Mỗi lần đội tuyển Việt Nam đá, trọng tài đội bạn sẽ là mục tiêu công kích và thóa mạ vô lý. Khi Bill Gates ly hôn bà Melinda Gates, Facebook của ông bỗng tràn ngập các bình luận của người… Việt Nam, tán nhảm và thể hiện về hôn nhân. Mạng xã hội trở thành thùng rác của các loại quan điểm cực đoan và những lời thóa mạ, có thể nằm trong tâm lý chung này: việc thể hiện ngay lập tức quan trọng hơn là việc bạn thực sự có cái gì đó.

Khi hai thế giới “vênh” nhau

Hãy tưởng tượng cuộc sống thực của bạn: nếu muốn được nhiều người thừa nhận, bạn cần học tập, trau dồi kiến thức, vượt qua những kỳ sát hạch nghiêm ngặt, có thật. Muốn được trở nên xinh đẹp thật sự ngoài đời, bạn phải tập luyện, ăn uống có kỷ luật, và sinh hoạt theo thời gian biểu khoa học. Muốn gây ấn tượng trong một cuộc gặp mặt, bạn thật sự phải là một người duyên dáng, có khiếu ăn nói và ngôn ngữ cử chỉ tốt.

Mạng xã hội cung cấp cho những ai từ chối những nỗ lực rèn luyện một lối tắt (short cut) để giành lấy sức chú ý: một KOL có thể phẫu thuật thẩm mỹ và sử dụng những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh để được nhiều like. Một người có thể chẳng cần hiểu biết lắm, cóp nhặt thông tin và chửi theo “thị hiếu”, để câu like. Hoặc đơn giản hơn, “trẻ trâu” nhảy vào tường nhà những người nổi tiếng thế giới nhân một vụ việc ầm ĩ, chỉ để có người nhìn thấy ảnh đại diện của chúng.

Một nghiên cứu tâm lý khác cho thấy rằng chúng ta dễ dàng “xuất bản” những lời công kích và chửi bới trên mạng, nhưng lại rất dễ làm hòa nếu gặp nhau ngoài đời thật. Đáng kinh ngạc hơn, có rất nhiều người cho biết họ chưa từng gặp đối tượng công kích ngoài đời, chỉ đơn giản là theo dõi và “ngứa mắt” trên mạng xã hội. Có một khoảng trống lớn giữa thế giới ảo và đời thực, mà nhiều người đã năng nổ lấp đầy nó bằng các biểu hiện nông cạn.

Tất nhiên, có một cách rõ ràng hơn để giảm bớt những thể hiện khuếch đại cực đoan này: dành ít thời gian trực tuyến hơn. Đối với nhiều người trong số chúng ta, điều này nói dễ hơn làm, vì những bằng chứng cho thấy mạng xã hội có thể gây nghiện như bất kỳ loại ma túy nào. Một đánh giá toàn diện vào năm 2015 cho thấy chứng nghiện mạng xã hội không được quan tâm đầy đủ, cho dù có 10% những người dùng internet có biểu hiện nghiện nặng. Điều thú vị là tỷ lệ này tương đương với tập mẫu là những người nghiện rượu, nhưng tác dụng của nghiện rượu thì đã được hiểu tương đối rõ ràng, còn mạng xã hội thì không.

Không có gì ngạc nhiên khi một báo cáo khoa học vào năm 2019 cho thấy thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ hiện dành hơn bảy tiếng đồng hồ mỗi ngày để nhìn vào màn hình các thiết bị thông minh. Thông qua phương tiện truyền thông xã hội, các “đồ chơi” kỹ thuật số đang tổ chức lại mô hình cuộc sống và tái cơ cấu các thói quen của chúng ta: đa số mọi người thức dậy và với lấy điện thoại của mình đầu tiên, không bao giờ rời khỏi nhà mà không cầm theo chúng, và liên tục cảm thấy bị thu hút bởi chúng ngay cả khi ở cùng bạn bè.

Tác động quá khích của mạng xã hội không chỉ đến từ khả năng chỉnh sửa nội dung tùy biến nhanh chóng và phản hồi xã hội lớn, mà còn đến từ những thiết kế có chủ ý làm cho những phương tiện truyền thông xã hội mang lại cảm giác rất gần với cờ bạc. Các tương tác xã hội ngoại tuyến cũng khó dự đoán, nhưng các trang mạng xã hội đã thiết kế để phô trương sự khó dự đoán này thông qua việc trò chơi hóa chúng, đánh giá các tương tác xã hội thông qua hệ thống ‘lượt thích’, ‘lượt chia sẻ’, ‘lượt bình luận’.

Các phản hồi này là thước đo trực tiếp về “thành công” của một bài đăng cụ thể, và là phần thưởng được nhận ngay lập tức. Tất nhiên, chúng ta thường sẽ nói về điều này như tính hai mặt của mạng xã hội, rằng ai có tự chủ vẫn sẽ tìm cách thể hiện một cách văn minh trên internet, và các biểu hiện lệch lạc chỉ là số ít, chẳng đại diện được cho ai cả.

Nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn khác: thông tin được sản xuất điên cuồng trên các nền tảng truyền thông xã hội ngày nay hầu hết đều tồn tại dưới dạng quan điểm, theo một chủ đề xu hướng đang nóng nào đó, và có sự kích thích dây chuyền: A lên tiếng, và B bị kích thích phải “xuất bản” ngay một cái gì đó để đáp trả, rồi C “ngứa mắt” với cả hai bên, phê phán tất thảy, trước khi một chủ đề nóng khác lại cuốn họ đi, theo quy trình giống hệt.

Tất cả họ đều nghĩ rằng mình đang đóng góp cho tiến bộ xã hội thông qua những bài đăng đa số vội vã ấy, nhưng sự thực có lẽ không phải thế. Rốt cục, mọi thể hiện nông nổi trên mạng xã hội vẫn chỉ là một lối tắt để giành lấy sức chú ý ngay lập tức, nếu bạn không có tiền để phẫu thuật thẩm mỹ. Một khi bạn cảm thấy cần lên tiếng, hoặc chỉ trích bất kỳ ai trên mạng xã hội, hãy thử chậm lại một chút để nghĩ về điều này. Chúng ta vẫn còn có nhiều cách tốt hơn, để diễn ngôn về bản thân mình.

Theo PHẠM AN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,