Khi tín ngưỡng trở thành hiện tượng phản văn hóa

Trong tín ngưỡng mà trục lợi thì không còn là tín ngưỡng. Nhưng đó là thực trạng của nhiều lễ hội năm nay.

Khi tín ngưỡng trở thành hiện tượng phản văn hóa

Bài viết của GS Ngô Đức Thịnh.

Năm nào cũng vậy, vào mùa lễ hội dịp đầu xuân là nảy sinh biết bao hiện tượng tiêu cực, từ bạo lực đến nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, đánh nhau hỗn loạn để tranh cướp ấn cướp lộc… Một trong những nguyên nhân của thực trạng nhiễu loạn ấy là do lễ hội hiện nay đang nhuốm màu trục lợi.

Không dễ từ bỏ mối lợi hàng chục tỉ đồng

Tính vụ lợi trong lễ hội hiện nay đến từ cả hai phía là người tổ chức và người tham dự lễ hội. Hiện tượng này phổ biến trên khắp đất nước. Vào mùa lễ hội hay thậm chí là quanh năm, các đền, phủ luôn cố gắng phải “thu hoạch” được càng nhiều càng tốt.

Các két sắt công đức (bây giờ không còn là hòm công đức nữa mà hầu như đã được thay bằng két sắt công đức) được dựng khắp nơi. Các cơ sở tổ chức lễ hội tìm đủ mọi cách để móc túi người dân, trong khi họ lại không tổ chức được cách tiếp nhận tiền công đức của người dân một cách trân trọng.

Cả người tổ chức và người đến dự lễ hội đều coi thường, rẻ rúng, sẵn sàng chà đạp lên những đồng tiền lẻ.

Tôi đã có lần làm việc với đền Sòng và được biết một năm sau khi thanh toán tất cả các khoản chi phí, nhà đền còn nộp cho ngân sách của huyện Bỉm Sơn (Thanh Hóa) 12 tỉ đồng. Nhưng nếu so sánh thì đền Sòng vẫn chưa bằng hội Phủ Dầy và đền Trần Nam Định.

Trở lại câu chuyện tranh cướp hỗn loạn để mua ấn ở đền Trần đã được nói rất nhiều trong những năm qua, bản thân tôi là một người Nam Định rất xấu hổ về chuyện đó và luôn hi vọng người dân cùng cơ quan quản lý nhà nước sẽ khắc phục được.

Xưa kia, đây là lễ hội tôn vinh, tái hiện một thời kỳ rất huy hoàng trong lịch sử dân tộc chúng ta là thời đại nhà Trần, nhưng bây giờ chúng ta đã biến thành một lễ hội mà ai cũng biết là để “mua – bán ấn”. Lễ hội nhuốm màu của trục lợi từ hành vi cơ bản đó.

Trong đó cả người tổ chức, quản lý và người tham dự lễ hội đều quá chú trọng đến việc bán và xin ấn. Người dân trong vùng cũng vụ lợi từ số tiền thu được bằng những dịch vụ ăn theo.

Nếu được hỏi sẽ không ai bảo đó là “mua – bán ấn”, nhưng thực tế chắc chắn không có ai lấy được một tờ ấn mà không phải trả một số tiền nhất định.

Có năm, lãnh đạo TP Nam Định cho biết riêng lễ hội đền Trần đã thu được 14 tỉ đồng. Sau đó, số tiền ấy được sử dụng như thế nào tôi không biết, nhưng nó biến lễ hội đó thành một lễ hội trục lợi. Và đương nhiên không ai dễ từ bỏ một mối lợi hàng chục tỉ đồng như vậy.

“Đút lót” cả thần linh

Đời sống tâm linh là sự phản ánh đời sống xã hội. Xã hội ra sao thì đời sống tín ngưỡng cũng như vậy. Ở ngoài xã hội thì người dân có thói quen đưa tiền hối lộ tận tay những người giúp đỡ họ.

Nên khi đến đền, chùa họ mang theo quan niệm ấy và phải nhét tiền tận tay thần linh chứ không bỏ tiền vào hòm công đức, có lẽ vì bây giờ họ không tin số tiền họ bỏ vào hòm công đức sẽ đến được với thần linh.

Nếu nói theo ngôn ngữ trần tục thì đó là “đút lót” thần linh, cũng như ngoài xã hội họ “đút lót” cho cán bộ, công chức.

Hành động này không chỉ vô văn hóa, phản tín ngưỡng mà còn rất phản cảm về tư cách công dân không lành mạnh. Đồng tiền của đất nước mình dù mệnh giá nhỏ nhưng cũng rất thiêng liêng. Vậy mà cả người đi lễ hội và người tổ chức lễ hội đều không e ngại chà đạp lên những đồng tiền của quốc gia.

Khi không gian lễ hội không còn tính thiêng nữa thì tính bạo lực trong lễ hội gia tăng là điều tất yếu. Điển hình là việc các thanh niên cầm gậy đánh nhau tại hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Bây giờ, người Việt Nam “lao vào đời sống tín ngưỡng” như con thiêu thân.

Nhưng bi kịch là họ không biết đến chỗ nào để xin cái gì, thậm chí không tìm hiểu xem nơi đó thờ ai, có ý nghĩa, lịch sử như thế nào. Trong đời sống tín ngưỡng, ngoài tâm thế thanh sạch còn phải có kiến thức.

Tình trạng lễ hội hỗn loạn hiện nay còn có nguyên nhân do lịch sử để lại, đó là có một thời kỳ dài chúng ta không thừa nhận tín ngưỡng, đã xóa sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa kia mà ông cha để lại.

Sự đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người Việt đã để lại hậu quả đến tận bây giờ là người Việt Nam rất thiếu kiến thức về tín ngưỡng, nên mới gây ra sự hỗn loạn và xung đột trong lễ hội. Không chỉ người dân mà ngay cả một số quan chức văn hóa hiện nay cũng không có kiến thức về tín ngưỡng.

Để giải quyết bài toán khó này, Bộ VH-TT&DL phải có một chiến lược lâu dài, có thể 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn để tuyên truyền, giáo dục, đưa lại cho người dân những hiểu biết về tín ngưỡng. Khi người dân có kiến thức về tín ngưỡng thì họ sẽ tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lề lối.

Đồng thời, chính quyền cần phải trả lễ hội về cho người dân tự tổ chức, quản lý. Đây là nguyên tắc về văn hóa đã được UNESCO thừa nhận, vì người dân chính là chủ thể văn hóa.

Nhưng do người dân bao nhiêu năm đã đánh mất những kiến thức tín ngưỡng họ đã có, nên các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa phải có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp kiến thức tín ngưỡng cho họ.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE (2015)

 

Tags: , ,