Khi Sài Gòn là một tính từ

Sài Gòn không chỉ là danh từ, mà còn là tính từ. Trước hết, tính từ đó chỉ một trạng thái thay đổi thay liên tục.

Trên thực tế, điều này thể hiện qua hệ thống cửa nhà, đường sá, hạ tầng nói chung không ngừng cung cấp cho người ta những cảm quan mới về sự phát triển.

Những bổ sung, thay đổi trong biểu tượng văn hoá cũng nói lên điều đó. Chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, nhà thờ Đức Bà hay nhà hát Thành phố… những biểu tượng hôm qua đang được “bảo tàng hoá” trước một Bitexco Financial Tower 262m, hình búp sen (nhưng ở một góc độ nào đó, nó lại khiến ta liên tưởng đến ngón tay trỏ chỉ thẳng lên trời). Bitexco lọt vào danh sách 20 cao ốc biểu tượng thế giới, là công trình giúp nhận diện một Sài Gòn hiện đại. Một Bitexco không đơn độc, hướng tầm nhìn ra sông Sài Gòn lộng lẫy, cho thấy sự xoay chiều trong nhãn quan nhưng lại trung thành với một tinh thần “hướng giang” của đô thị này.

Cũng thế, với thân phận những cây cầu trong thành phố. Một thời nào đó, cầu Sài Gòn từng tượng trưng cho giá trị cửa ngõ hiện đại, cầu Bình Lợi, Tân Thuận gợi nên chiều sâu, sự cổ kính thì nay, những hình ảnh đó chỉ còn làm hậu cảnh cho những bức ảnh cưới của các đôi uyên ương tín đồ của thời trang vintage, thay vào, là cây cầu Ánh Sao lãng mạn kiểu phim Hàn ở khu Phú Mỹ Hưng, hay về mặt cường tráng thì phải là cầu dây văng Phú Mỹ ở quận 7. Trong đời sống bộn bề, những cây cầu mới ngoài tiếp tục cung cấp cảm xúc bay bổng thư thái mà sông mang lại cho phố, còn cung cấp những tầm nhìn về phát triển trên nền tảng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sự lưu thông với bên ngoài.

Cuộc đổ bộ của các công trình hôm qua vào thế giới bảo tàng diễn ra thật nhanh chóng. Những di sản hôm qua từng soi bóng trong lịch sử đô thị đang bị phung phí. Chỉ số ít được con người tìm cách đóng gói bán cho lữ khách nuông chiều hoài niệm. Việc cập nhật những trào lưu kiến trúc mới cần được tư duy một cách logic hơn: chúng không chỉ đem lại diện mạo, hơi thở hiện đại cho hôm nay mà còn góp phần làm giàu cho những… bảo tàng di sản của ngày mai. Tất nhiên, điều còn lại là đừng để di sản ngày mai ăn hiếp, hạ độc những di sản hôm qua.

Sự nhanh chóng phai mờ của những biểu tượng kiến trúc cũ và thay thế bằng những biểu tượng kiến trúc mới cũng ghi nhận đặc điểm tâm tính của một thành phố nhạy cảm với cái mới. Ở đây, Sài Gòn lại có thể xem như một tính từ khác để chỉ trạng thái cởi mở, sẵn sàng chấp nhận cái khác biệt. Điều này không chỉ được nhìn từ hiện tại, mà có thể nói, là một truyền thống, được thiết lập từ ngay trang đầu tiên của lịch sử thành phố. Thuở sơ khai, khi quan đốc chiến triều Nguyễn – Nguyễn Cửu Đàm – vung mác phát đám lau sậy rậm rì để xây Bán Bích cổ luỹ để hình thành một đời sống thương cảng đô thị (1772), ta nhận ra, dưới mỗi nét phác lên mặt đất là một biểu hiện của tinh thần quy hoạch mở cho tương lai Sài Gòn mãi về sau. Sức sống thương cảng hiện hữu từ thuở đó. Sự phóng khoáng của người di dân khẩn hoang lập ấp được thể hiện từ trong ban sơ của cái gọi là đô thị.

Đến năm 1859, người Pháp đến Sài Gòn và thổi vào đó tinh thần duy lý trong quy hoạch xây dựng, đưa ra nhiều quy định, chuẩn mực cho cơ sở hạ tầng. Chỉ năm năm sau, những toà nhà lớn bắt đầu mọc lên ở bến cảng sông Sài Gòn và dọc theo rạch Bến Nghé, đời sống giao thương tấp nập nhộn nhịp, không khí buôn bán trao đổi sản vật, lương thực, hàng hoá với các vùng miền trong nước, các quốc gia diễn ra thật sầm uất(1).

Ngay cả khi có sự can thiệp lý tính trong quy hoạch cao nhất, thì cái “mã gen Sài Gòn” – tinh thần thương cảng, hướng giang – vẫn là thứ được tuân thủ xuyên suốt. Như một sự cân bằng hết sức tuyệt vời: trong cái chi li của tay thước mét mực có cái phóng khoáng của tầm nhìn, trong vô số cái quy phạm nghiêm ngặt chuẩn mực, có sự cởi mở hấp dẫn những giá trị mới, lại luôn sẵn “chế độ chờ” để tiếp nhận sự đổi thay. Nhìn xuyên qua những xáo trộn lịch sử chính trị trước năm 1975, bước qua những thành kiến hậu quả của sự tuyên truyền hồ đồ, có thể thấy rõ nhất diện mạo phong thái của một Sài Gòn văn minh, chững chạc và tinh thần rộng mở, không ngừng tiếp nhận các giá trị khác biệt vào mình. Chính ở đây, tính mở làm nên sự đô hội, sự đô hội làm nên tư duy đa thể, vượt qua mọi thiên kiến, khống chế trở lại những can thiệp thô bạo, duy ý chí.

Sức mạnh của tính cách Sài Gòn xuyên qua bể dâu thời cuộc. Điều này được minh chứng bằng việc lịch sử là những bước chân rộn ràng của cuộc Nam tiến, song nề nếp/tâm tính/tinh thần đô thị hoá thực sự tốt đẹp, văn minh lại là những cuộc Bắc tiến, mà khởi nguồn, là Sài Gòn. Sài Gòn không chỉ Sài Gòn hoá mạnh mẽ nơi chính những thị dân nhập cư của mình, mà còn có sức lan toả những giá trị của mình một cách sâu xa và âm thầm nơi những cư dân đô thị hiện đại khác.

Cần trở lại với một cội nguồn, là đời sống, tinh thần thương cảng của Hòn Ngọc Viễn Đông, một trung tâm mở để thấy việc mở rộng kích thước không ngừng trên bản đồ là một tiến trình hợp lý. Một khi sức lan toả và hấp dẫn của sự phóng khoáng, tự do, văn minh nội tại của nó đã được lan toả, mang đến những thành phố ở những vùng miền văn hoá rất xa trên đất nước.

Thử lấy làm tiêu biểu. Một trong những đơn cử mang tính đặc thù khi bàn về cấu trúc đô thị Sài Gòn thường được nhắc đến đó chính là đời sống hẻm. Hẻm Sài Gòn không chỉ đóng vai trò như một quãng lùi, xương nhánh về mặt lưu thông mà còn mang trong nó câu chuyện của lịch sử quy hoạch và lịch sử cộng đồng. Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, thành viên trong ban chủ biên cuốn Văn hoá hẻm phố Sài Gòn – TP.HCM, cho rằng: “Xét trong cái động và tĩnh của một đô thị thì hẻm chính là thành phố tĩnh, đó là nơi con người ẩn mình, sống cho riêng mình và nếu có làm việc, thì chủ yếu cũng dành cho một cộng đồng nhỏ chung quanh. Khi người ta sống trong hẻm, người ta mở cửa nhiều hơn, hẻm càng đẹp, người ta càng mở cửa (ngoại trừ một số hẻm công chức, nhà đối mặt nhà, đóng cửa là chính). Hẻm lớn có cả đường cho xe hơi, có những cửa hiệu, tiệm may, hàng quán xôn xao, còn hẻm nhỏ thì chẻ nhiều nhánh, ngoằn ngoèo, có nơi ẩm thấp chật chội… Và đặc biệt, hẻm là nơi cư trú của phần lớn người nhập cư, vì vậy mà rất nhiều bản sắc văn hoá ở đây được chia sẻ”.(2)

Có thể nói gọn nhất: chính đời sống nhập cư làm nên văn hoá hẻm. Chính đời sống hẻm bảo bọc trong nó một thế giới hoà bình, nơi những thị dân luôn thấy rõ tiểu sử của mình trong tiểu sử của kẻ đến sau.

*

Trên cái mã gen của một đô thị thương cảng, trung tâm giao lưu đã được thiết lập từ những ngày đầu và bồi đắp qua tiến trình lịch sử, làm nên tập tính lấy giao lưu làm trọng của một vùng văn hoá hội nhập. Sự rộng lòng với người – khác đã cho phép nó tránh được cơ nguy cục bộ, bảo thủ, nhiệt tình với cái mới, dung dưỡng và quan trọng là luôn sẵn không gian cho cái khác biệt cùng tồn tại sống động, hài hoà.

Điều này thể hiện qua cấu trúc đô thị, từ trong đời sống văn hoá hẻm, và lớn hơn, từ trong sự thay phiên đổi gác của những biểu tượng kiến trúc. Dĩ nhiên, ngược lại, chính những dịch biến thuộc về cấu trúc đô thị quy định trở lại không gian, tập quán, lối sống và tính cách con người.

Đến đây, Sài Gòn còn là một tính từ, chỉ sự rộng lòng với cái mới, cái khác.

Vì là một tính từ xuất phát từ nội tại, văn hoá Sài Gòn luôn đủ chống lại những áp đặt quyền lực mang tính nhất thời.

———————————–

Chú thích:

(1). Đoạn này có tham khảo công trình Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của Trần Hữu Quang, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2012.
(2). Hồn phố thị trong hẻm nhỏ, trả lời phỏng vấn, Sài Gòn Tiếp Thị, số ra ngày 30.4.2012.

 Theo NGUYỄN VĨNH NGUYÊN / SÀI GÒN TIẾP THỊ

Tags: , ,