Khi kỳ nghỉ của học sinh không còn là kỳ nghỉ

Có chắc rằng, việc học trước giáo trình sẽ mang lại kết quả cao hơn khi vào năm học, việc học thêm các môn sẽ khiến trẻ trở thành những cô cậu bé đa tài.  

Có lần, tôi viết trên một tạp chí câu chuyện về những đứa trẻ mà tôi cho là bất thường vì bình thường.

Đại ý bây giờ trẻ em hầu như chỉ còn được nghỉ hai tháng hè (tháng 8 là đi học lại rồi, dù tháng 9 mới khai giảng). Trong hai tháng nghỉ đó, lại có một tháng học thêm, nào nhạc nào họa nào ngoại ngữ. Hầu hết trẻ em thành phố đều kín mít lịch học các môn gọi là “năng khiếu” vào dịp hè, đến mức mà những cháu không theo xu hướng chung ấy trở thành bất thường. Bất thường vì chỉ muốn bình thường, không phải “siêu nhân tinh thông mọi thứ”.

Bài viết đăng lên, được rất nhiều phụ huynh hưởng ứng. Một số người chia sẻ rằng họ cảm thấy bài viết của tôi an ủi họ, vì họ chính là những người chọn cho con cái nghỉ hè trọn vẹn, không học thêm gì, chỉ chơi. Nhưng lựa chọn ấy khiến họ cảm thấy lạc lõng với số đông và có lúc thấy hoang mang không dám chắc mình đúng.

Một số khác thì phản đối. Các phụ-huynh-thị-dân chỉ ra rằng họ phải đi làm từ sáng đến tối, con trẻ chỉ cần nghỉ một tuần đã loay hoay rồi. Nếu cho các con nghỉ trọn 2- 3 tháng hè, thì không biết làm gì với chúng. Vậy nên lựa chọn cho đi học thêm, học trước chương trình, hoặc học các môn năng khiếu, là một công đôi việc: vừa giúp các con có thêm hiểu biết, vừa đỡ đau đầu về việc quản lý chúng.

Trong các luồng ý kiến ấy, có những phụ huynh mỉm cười mà rằng: Tôi ở nông thôn, con tôi không gặp các vấn đề như con các anh chị. Nông thôn, như thường lệ, đưa ra giải pháp một cách bình dị và hiệu quả cho những vấn đề chật hẹp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của thị thành.

Nhưng rồi tôi lại muốn phản biện thêm một lần nữa, với những vị phụ huynh không biết làm gì với mùa hè của con em mình. Chúng ta rất bận, quỹ thời gian eo hẹp, nhà neo người và điều kiện kinh tế còn chưa dư dả. Tuy nhiên, có chắc rằng bọn trẻ đòi hỏi nhiều đến thế không?

Có chắc rằng, nghỉ hè với trẻ nhỏ sẽ phải là một chuyến đi biển, ở resort vài triệu đồng một đêm. Hay thực ra chỉ đơn giản là đưa chúng đến bể bơi vào mỗi cuối tuần.

Có chắc rằng, con trẻ muốn đi Singapore xem nhạc nước, đi châu Âu ngắm cảnh, hay chỉ đơn giản là được về quê nội quê ngoại, nhìn thấy con trâu, biết thế nào là bờ ao, cái giếng.

Có chắc rằng, việc học trước giáo trình sẽ mang lại kết quả cao hơn khi vào năm học, việc học thêm các môn sẽ khiến trẻ trở thành những cô cậu bé đa tài. Hay thực ra, nếu cho bọn trẻ được lựa chọn, chúng sẽ chọn chơi với đám bạn cùng phố, hay cùng làm một dự án nho nhỏ với bạn cùng lớp.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vào việc, hãy trò chuyện với con trẻ để biết các em thực sự muốn gì. Có những bậc phụ huynh gạt đi, họ nói rằng trẻ con thì biết gì, không thể tự biết điều gì tốt nhất cho chúng. Dưới bài viết gần đây trên chính chuyên mục này, về quyền lựa chọn trong giáo dục đại học của trẻ, đã có nhiều tuyên bố tương tự. Để trẻ con chọn lựa là nguy hiểm cho bản thân chúng.

Vậy có chắc chắn rằng phụ huynh biết điều gì là tốt nhất cho con mình không, khi mà chúng ta luôn quyết định mọi thứ thay chúng?

Cũng có những bậc phụ huynh quả quyết rằng, phải nghiêm khắc, thậm chí hơi “đày đọa” con cái một chút thì chúng mới cứng rắn trưởng thành. Đấy là lý do những “trại hè quân ngũ” mọc lên như nấm vào mỗi mùa hè – một loại hình dịch vụ nhắm đúng nhu cầu. Những đứa trẻ, bé nhất có khi dưới 10 tuổi, phải ăn ngủ tập trung và tuân theo kỷ luật nghiêm khắc chưa từng có trong đời. Kết quả thường được ban tổ chức và phụ huynh cho là tốt. Nhưng sự sợ hãi của những đứa trẻ rất nhỏ, với sự thay đổi môi trường đột ngột, với sự trấn áp, với sự cạnh tranh thi đua… là quá phiêu lưu. Ở lứa tuổi đó, chỉ một cú sốc tâm lý, có thể để lại những di chứng khó lường về lâu dài. Vậy đó, nuông chiều, hay cứng rắn, thì nhiều phụ huynh vẫn xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của mình, chứ không quan tâm đến suy nghĩ và mong muốn của con em.

Ba tháng hè, có thể xem là một kỳ tập dượt. Nhìn vào cách cha mẹ ứng xử với những ngày nghỉ của con, sẽ suy ra được cách mà họ sẽ làm với những ngày chúng bận rộn trường lớp.

Lắng nghe con trẻ, để biết chúng thực sự muốn gì và cần gì cho một kỳ nghỉ hè – nếu chỉ điều đơn giản đó mà chúng ta cũng không làm được, thì dễ hiểu vì sao khi chúng lớn hơn một chút, hàng loạt phụ huynh sẽ đổ lỗi cho xã hội và giáo dục nhà trường về sự trượt ngã của con cái mình.

“Nền giáo dục” tất nhiên không chỉ bao gồm giáo dục nhà trường, mà còn là ở mỗi gia đình. Tôi không nói lựa chọn nào là đúng hay sai, có thể có những đứa trẻ thích đi nghỉ mát ở khách sạn hơn là về quê với trâu bò. Nhưng tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu người thực sự tư duy sâu về kỳ nghỉ hè, một quãng thời gian mà nếu nhân lên, bằng 16% tổng thời gian hàm thụ giáo dục phổ thông của con mình.

Theo GIA HIỀN / VNEXPRESS (2017)

Tags: