⠀
Khái quát về các hệ thống pháp luật trên thế giới
Nhìn một cách tổng thể, hầu hết các hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều thuộc một trong ba hệ thống sau: hệ thống Luật thông lệ, hệ thống Luật thành văn và hệ thống Luật hồi giáo.
Bài viết của tác giả Lê Hồng Hải, phó Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa
Với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể nói, thế giới hiện nay thể hiện tính đa dạng cao về văn hóa và sắc tộc. Điều này cũng được thể hiện rõ nét trong hệ thống pháp luật của các quốc gia với sự khác biệt về chế độ chính trị, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể dưới phương diện truyền thống pháp luật và các phương pháp pháp lý, hầu hết các hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều thuộc một trong ba hệ thống sau: hệ thống Luật thông lệ (Comman Law) hay Thông Luật, hệ thống Luật thành văn (Civil Law) hay Dân Luật và hệ thống Luật hồi giáo (Islamic Law). Bên cạnh đó, ở một số quốc gia lại có sự pha trộn, đan xen đa dạng giữa các hệ thống pháp luật nêu trên trong hệ thống pháp luật của quốc gia mình. Bài viết này xin được giới thiệu đôi nét về nguồn gốc, quá trình phát triển và đặc điểm của các hệ thống pháp luật này.
1. Hệ thống luật thông lệ
Truyền thống luật thông lệ khởi nguồn từ nước Anh khi người Normans xâm chiếm Anh quốc vào năm 1006. Tuy nhiên điều này cũng không đồng nghĩa với việc pháp luật thông lệ đã hình thành vào năm 1006, cho đến lúc này mặc dù đã hoàn tất công cuộc chinh phục nhưng Hoàng đế William The Conqueror (thủ lĩnh của người Normans) đã không hủy bỏ các tập quán và hệ thống tòa án địa phương mà vẫn cho phép những tòa án này áp dụng các thông lệ từ trước của họ. Tuy nhiên, Hoàng đế lại tiến hành thành lập hệ thống tòa án hoàng gia nhằm tập trung quyền lực vào tay triều đình. Thẩm quyền của hệ thống tòa án hoàng gia ngày càng được mở rộng và dần dần khiến thẩm quyền của các tòa án địa phương bị thu hẹp đáng kể và gần như bị mất tác dụng. Cho đến lúc này, thuật ngữ luật chung (Comman Law) mới xuất hiện do quan điểm cho rằng hệ thống tòa án do nhà vua lập ra có quyền áp dụng các tập quán chung (Comman Custom) cho toàn bộ vương quốc kể cả trong trường nội dung của nó trái với tập tục, luật pháp ở địa phương hay tòa án ở các điền trang, thái ấp phong kiến. Kể từ đó các quyền định của hệ thống tòa án hoàng gia trở thành luật chung áp dụng cho cả vương quốc và được gọi là luật thông lệ.
Do luật thông lệ được bắt nguồn từ các quyết định của tòa án nên nguồn của luật thông lệ là các án lệ chứ không phải từ các văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Đây cũng là đặc điểm căn bản của hệ thống luật chung để giúp phân biệt với hệ thống luật thành văn. Sự phụ thuộc vào các án lệ một cách cứng nhắc được thể hiện thông qua việc nhà vua sẽ thành lập một tòa án mới khi nội dung của luật thông lệ không còn phù hợp nữa mà không lựa chọn việc thay đổi bằng cách chấn chỉnh về mặt nội dung. Các nguyên tắc bền vững của luật chung được thiết lập bởi ba tòa án do Vua Henri (1133 -1189) thành lập. Đó là: Tòa án Tài Chính (Court of Exchequer) để xét xử các tranh chấp về thuế, Tòa án Thỉnh cầu phổ thông (Court of Comman Please) để xét xử những vấn đề không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhà vua và hoàng gia và Tòa án Hoàng Đế (Court of the King’s Bench) để xét xử những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hoàng gia mà trong đó chủ yếu là xem xét hành vi lạm quyền của các chức sắc trong triều đình. Chính từ chức năng này của Tòa án Hoàng đế đã hình thành nên một nguyên tắc căn bản của luật chung, đó là sự “Tối thượng của pháp luật”.
Hạn chế cơ bản của hệ thống thông luật là tính cứng nhắc, kém linh hoạt. Do quá trình áp dụng pháp luật chủ yếu là dựa vào các quyết định mang tính tiền lệ nên sự thích nghi đối với những tình huống mới chưa từng có trong tiền lệ là không cao. Để khắc phục tình trạng này, toà án được phép điều chỉnh sự phán xử theo luật thông lệ trước đó. Điều này đã tạo ra một loại luật gọi là luật công bình dựa trên nguyên tắc công bình và bình đẳng (In equity). Kể từ đó, luật công bình và luật thông lệ được xác định là những thành phần không thể thiếu của truyền thống luật thông lệ nói chung.
Đế quốc Anh đã mang luật thông lệ đến tất cả các thuộc địa và luật thông lệ đã được tiếp nhận ở nhiều nước. Tuy nhiên, luật thông lệ tạo được dấu ấn rõ nét nhất là ở các quốc gia mà người nhập cư Châu Âu chiếm số đông do có sự áp đặt luật lệ đối với người bản địa mặc dù vẫn có sự điều chỉnh cho phù hợp với tập tục ở địa phương. Điều này được minh chứng một cách rõ nét ở các quốc gia như Australia, Canada, Newzealand, Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ là nước đông dân nhất áp dụng hệ thống luật thông lệ. Tại Mỹ, hệ thông luật thông lệ được áp dụng ở hầu hết các bang (trừ bang Louisiana vì đã có luật thành văn trước khi chính thức trở thành một bang của Hoa Kỳ). Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp đặt nhiều phần của luật thông lệ đối với những lãnh thổ ủy trị mới như Philipin, Guam… Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế và chính trị của nước Mỹ đã tạo điều kiện cho hệ thống luật thông lệ ngày càng mở rộng trên thế giới.
2. Hệ thống luật thành văn
Đây là hệ thống pháp luật có lịch sử hình thành lâu đời nhất và có sự ảnh hưởng sâu rộng đến các hệ thống pháp luật trên thế giới. Theo các nhà sử học, khởi nguồn của hệ thống luật thành văn là Luật 12 bảng của Cộng hoà La Mã được ban hành vào khoảng thế kỷ thứ V TCN. Thuật ngữ Civil Law (Luật thành văn) tiếng Latinh là ius civilis có nghĩa là luật của công dân La Mã. Sự kiện đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của luật La Mã là khi Hoàng đế La Mã Justinian (483 – 565) tiến hành công tác pháp điển hóa tất cả các quy định của luật pháp La Mã trong một bộ luật thống nhất được mang tên Bộ Dân Luật La Mã (Corpus Iuris Civilis – 534), đây được coi là một trong những văn bản pháp luật thành văn quan trọng nhất của lịch sử loài người. Khi những bộ tộc Đức xâm lăng phía tây Châu Âu, họ mang pháp luật của họ đến La Mã và nhanh chóng tạo ra ảnh hưởng đối với hệ thống pháp luật La Mã. Hệ thống pháp luật La Mã dần dần trở thành sự hỗn hợp giữa luật La Mã và Luật Đức và khiến cho nội dung của nó khác xa với luật La Mã cổ điển, loại luật này về sau được coi là luật La Mã bị tầm thường hóa. Giáo hội công giáo La Mã đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo tồn nguyên bản luật La Mã cổ điển bằng việc xây dựng luật của giáo hội (luật được dùng trong các tòa án của giáo hội) trên nền tảng của luật La Mã cổ điển.
Vào thế kỷ XI và XII, nội dung của luật La Mã được nghiên cứu và truyền bá rộng khắp các nước châu Âu. Nơi nổi tiếng nhất trong việc nghiên cứu và truyền bá luật La Mã là các trường đại học ở vùng Đông Bắc nước Ý mà trong đó tiêu biểu là trường đại học Bologna. Vào thế kỷ thứ XI, trường đại học Bologna bắt đầu đưa vào giảng dạy luật La Mã, việc này đánh dấu sự khởi đầu của một trào lưu mà sau này được coi là sự hồi sinh của luật La Mã. Từ trường đại học Bologna, luật La Mã được các môn sinh truyền bá rộng khắp các nước châu Âu. Họ mở các trường luật ở Paris, Oxford, Prague, Heidelburg, Copenhague, một số người làm luật sư cho giáo hội, cho các vua chúa ở khắp các vùng lãnh thổ ở châu Âu, họ trở thành những luật gia tiên phong trong việc đặt nền móng cho hệ thống dân luật ở châu Âu dựa trên nền tảng của chung của luật La Mã. Vào giai đoạn đầu của thời kỳ phục hưng, người ta sử dụng thuật ngữ Jus common (luật chung) để nói đến hệ thống luật pháp của các nước châu Âu lục địa vì có cùng chung nền tảng là luật La Mã. Trên thực tế ở châu Âu lục địa, luật La Mã chỉ được tiếp nhận hạn chế trong lĩnh vực dân sự hay còn gọi là luật tư (private law) mà phổ biến là trong các lĩnh vực liên quan đến bồi thường thiệt hại, tài sản, nhân thân.
Đến thế kỷ XVI và XVII, trung tâm luật học của châu Âu được chuyển đến Pháp và Hà Lan và giới luật học ở châu Âu lục địa đã có nhiều nỗ lực để xây dựng nền luật pháp quốc gia dựa trên tinh thần của luật La Mã cổ điển mà theo họ không phải do một quyền lực cao siêu nào đặt ra mà chỉ là những lẽ phải tự nhiên (Universal law of nature). Hai bộ dân luật có giá trị tiêu biểu trong thời kỳ này là Bộ Dân Luật Pháp 1804 và Bộ Dân Luật của Đức 1896. Hai bộ luật này được coi là khuôn mẫu chính của luật thành văn. Khuôn mẫu của dân luật Pháp có ảnh hưởng sâu rộng ở các nước mà Hoàng đế Napoleong mang quân đi chinh phạt và sau này được phát triển rộng khắp ở rất nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, ngoài ra một số nước theo hệ chữ Latin ở châu Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi khuôn mẫu này như Trung và Nam Mỹ, bang Louisiana của Mỹ, bang Quebec ở Canada… Khuôn mẫu dân luật của Đức thì có ảnh hưởng đối với luật của Áo, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và các nước Đông Âu thời kỳ Xô Viết.
3. Hệ thống luật hồi giáo
Hệ thống pháp luật Hồi giáo, được gọi là Shari’a theo tiếng Ả rập có nghĩa là pháp luật. Nội dung của luật Hồi giáo được hình thành từ 04 nguồn là kinh Koran, những lời dạy của đấng tiên tri Muhammad (Sunnah), những bài thuyết giảng của các học giả Hồi giáo về các quy định trong kinh Koran và Sunnah và các điều được cộng đồng thừa nhận về mặt pháp lí.
Ba thế kỷ sau khi đạo Hồi ra đời (thế kỷ thứ X), giới luật gia Hồi giáo cho rằng không có cách gì để có thế giải thích về những điều luật thiêng liêng của Hồi giáo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc là cho đến tận bây giờ, giới luật gia Hồi giáo vẫn duy trì việc phán xử theo đúng những gì đã được ghi nhận trong luật pháp từ 1000 năm trước đây mà không hề có sự thay đổi, bổ sung hay giải thích mở rộng nào cả. Chính vì vậy, những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật Hồi giáo ngày càng xuất hiện nhiều do các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng và phong phú trong khi đó các quy định trong hệ thống pháp luật lại gần như không có sự thay đổi nào cả.
Điểm nổi bật của hệ thống luật Hồi giáo là các quy định thường mang nặng tính chất đạo đức, thường được ẩn chứa dưới những lời răn dạy của đấng tối cao và gắn bó chặt chẽ với các tín điều tôn giáo. Hệ thống pháp luật Hồi giáo có ảnh hưởng rộng khắp ở các quốc gia Hồi giáo trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Theo HVCSND.EDU.VN
Tags: Luật pháp