⠀
Kền kền chờ đợi – bi kịch phía sau một bức ảnh
Chỉ vài tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh gây sốc cả thế giới mang tên “Kền kền chờ đợi”, Kevin Carter – phóng viên ảnh người Nam Phi đã tự sát, để lại nhiều câu hỏi về những điều phía sau tấm ảnh.
Kevin Carter được cảnh sát tìm thấy chết vì ngộ độc khí gas trong xe hơi của mình hôm 27/7/1994, khi anh mới 33 tuổi. Bức thư tuyệt mệnh của anh viết: “Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ… Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau… về những đứa trẻ chết đói… về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình…”.
Carter bắt đầu sự nghiệp bằng phóng viên ảnh thể thao vào năm 1983, nhưng nhanh chóng sau đó anh chuyển ra mặt trận chiến trường Nam Phi, ghi lại hình ảnh về sự đàn áp, các cuộc nổi loạn chống lại chế độ phân biệt chủng tộc apartheid và nạn bạo lực trong gia đình.
Vài ngày sau khi Carter đoạt giải Pulitzer vào tháng 4/1994, Ken Oosterbroek – một trong những đồng nghiệp và cũng là người bạn thân nhất của anh – bị bắn chết lúc đang chụp ảnh cuộc nổ súng ở thị trấn Tokoza gần Johannesburg. Trong bức thư tuyệt mệnh của mình, Carter cũng nhắc đến Ken: “Tôi cần phải theo chân Ken, nếu mình đủ may mắn…”.
Bạn bè cho biết Carter là một người có cuộc sống tình cảm phức tạp, anh mang niềm đam mê của mình vào công việc nhưng luôn tự đẩy mình đến những thái cực của sự hưng phấn và trầm cảm. Một năm trước khi chết, anh tuyên bố mình cần thoát ra khỏi sự hỗn loạn ở Nam Phi.
Carter gây được sự chú ý lần đầu khi là người đầu tiên chụp ảnh cảnh hành hình “thắt cổ” trước công chúng tại Nam Phi, vào giữa những năm 1980. Đó là hình thức giết người bằng cách đốt lửa một vòng dây tẩm dầu quấn quanh cổ của nạn nhân. Bức ảnh đã gây nên sự phẫn nộ khủng khiếp và làm tăng làn sóng phản đối chủ nghĩa apartheid trên toàn cầu.
Sau này, Carter phát biểu về tác phẩm này: “Tôi thấy kinh hoàng trước những gì họ đang làm. Tôi kinh hoàng trước việc mình đang làm. Nhưng sau đó mọi người bắt đầu bàn tán về những bức hình này… và tôi thấy có lẽ hành động của mình không hẳn đã xấu. Việc chứng kiến một điều man rợ không hẳn là một việc làm tồi tệ”.
Nhưng bức ảnh gây chú ý nhất của Carter không phải chụp ở Nam Phi mà ở miền nam Sudan, nơi anh ghi lại cảnh chết đói hàng loạt do cuộc nội chiến gây ra. Tháng 3/1993, anh xin nghỉ phép ở tòa báo đang làm việc, vay mượn tiền để mua vé máy bay đến Sudan nhằm chụp ảnh về cuộc nội chiến và sự nghèo đói chết chóc ở đó, nơi mà anh cho rằng thế giới đang bỏ qua.
Tại một cánh đồng khô cằn chết chóc, sau khi đã mệt với cảnh tượng hàng loạt người chờ chết đói, Carter bỏ ra một chỗ trống và nghe được những tiếng rên khe khẽ, rồi anh bắt gặp một cảnh tượng kinh hoàng: một bé gái gần như sắp chết đang cố lê mình tới một trung tâm cứu trợ. Khi anh chuẩn bị chụp ảnh em bé, một con kền kền hạ cánh xuống gần đó và nó có mặt trong khuôn hình.
Bức ảnh “Kền kền chờ đợi” được đăng đầu tiên trên tờ The New York Times vào ngày 26/3/1993. Ngay lập tức, hàng trăm người gọi điện tới tòa soạn hỏi thăm về số phận đứa trẻ. Phản ứng của độc giả dữ dội đến mức tờ báo này phải làm một điều ngoại lệ là đăng thông báo về số phận của bé gái đó. Theo chú thích, đứa bé đã đến được trạm cứu dưỡng và Carter đã đuổi con diều hâu đi. Tuy nhiên, số phận sau cùng của bé gái thì đến nay vẫn không ai biết rõ.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Carter nói rằng anh đã ngồi chờ 20 phút hy vọng rằng con kền kền sẽ bay đi. Nhưng nó vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Carter quyết định chụp lại bức hình đầy ám ảnh đó và rồi đuổi con diều hâu đi. Tuy nhiên, anh vẫn phải chịu chỉ trích nặng nề về việc chỉ chụp hình mà không giúp bé gái.
Carter còn tiết lộ anh đã ngồi dưới một gốc cây nhiều giờ đồng hồ, chỉ hút thuốc và khóc. Về sau, cha anh, Jimmy Carter, cũng cho biết: “Kevin luôn mang theo nỗi thống khổ về những tác phẩm mà mình đã tạo ra”.
Tuy nhiên, trong cuốn sách The Boy who Became a Postcard của nhà văn Nhật Bản Akio Fujiwara, ghi lại cuộc phỏng vấn với phóng viên ảnh Joao Silva – người đồng hành với Carter đến Sudan, một câu chuyện khác đã được kể lại.
Theo Silva, anh và Carter đã tới Sudan cùng tổ chức Liên Hợp Quốc và hạ cánh tại miền nam Sudan vào ngày 11/3/1993. Tổ chức cứu trợ cho biết họ sẽ cất cánh sau 30 phút – thời gian để phân phát thực phẩm, nên các phóng viên ảnh đã đổ ra đi chụp ảnh. Phụ nữ và trẻ em từ các ngôi làng cũng ùa ra để nhận lương thực cứu trợ.
Theo Silva, Carter cực kỳ sốc khi lần đầu nhìn thấy cảnh chết đói tàn khốc và đã chụp rất nhiều hình ảnh về những đứa trẻ đói khổ. Khi đó, cha mẹ của các em bé mải nhận thức ăn từ máy bay nên bỏ lại các con ở giữa cánh đồng. Đó là tình huống của bé gái trong ảnh mà Carter chụp được. Một con kền kền hạ xuống ngay sau đứa bé. Carter đã phải di chuyển rất chậm để con kền kền không hoảng sợ bay đi, và chụp bức hình từ khoảng cách 10 m. Anh chụp thêm vài kiểu hình nữa và sau đó con kền kền bỏ đi.
Vào ngày 2/4/1994, Carter đã giành giải thưởng cao quý nhất trong giới nhiếp ảnh – giải Pulitzer cho bức “Kền kền chờ đợi”. Giải thưởng phần nào chứng tỏ tác phẩm của anh cũng có giá trị, nhưng nó vẫn không đủ xoa dịu nỗi ám ảnh thống khổ trong con người Carter và khiến anh phải tự chấm dứt cuộc đời ở độ tuổi vẫn còn sung mãn.
Theo VNEXPRESS
Tags: Nhiếp ảnh, Truyền thông - Báo chí