⠀
Hiệu ứng Domino và bí quyết tạo chuỗi thói quen tích cực trong cuộc sống
Hiệu ứng Domino được hiểu như sau: Việc thay đổi một hành vi, thói quen nào đó sẽ khởi động chuỗi phản ứng và thay đổi hành vi, thói quen trong nhiều việc khác.
Các hành vi của con người đều có mối liên hệ tương tác lẫn nhau.
Hãy lấy ví dụ về trường hợp của Jennifer Lee Dukes. Sau hơn 2 thập kỷ, từ khi tốt nghiệp đại học cho đến khi ngoài 40, cô không hề biết đến việc dọn giường là gì, trừ khi có mẹ hay khách khứa đến thăm nhà.
Một lần Jennifer quyết định dọn giường sạch sẽ và cố gắng làm việc này 4 ngày liên tiếp. Điều này nghe có vẻ như là một chiến tích không mấy lấy lừng thế nhưng đến ngày thứ tư, sau khi dọn giường xong, cô lại nhặt hết đống tất và gấp lại những bộ quần áo vứt lộn xộn quanh giường.
Tiếp đó, Jennifer lại vào bếp dọn dẹp, lấy hết đống bát đĩa bẩn trong bồn bỏ vào máy rửa bát rồi sắp xếp lại chiếc tủ chén, đặt một vài chú lợn xinh xắn lên kệ bếp làm đồ trang trí.
Cô giải thích: “Hành động dọn giường của tôi đã khởi động một loạt những hành động dọn dẹp nhà cửa khác…Tôi cảm thấy mình trở thành một người trường thành – hạnh phúc, thực sự trưởng thành qua việc dọn sạch giường, giữ bồn bếp, tủ chén gọn gàng sạch sẽ, đặt đồ trang trí lên kệ bếp. Tôi thấy mình là một phụ nữ có thể vượt qua được chuỗi việc nhà đầy khó chịu một cách kỳ diệu.
Jennifer Lee Dukes đang trải qua hiệu ứng Domino.
Hiệu ứng Domino là gì?
Hiệu ứng Domino được hiểu như sau: Việc thay đổi một hành vi, thói quen nào đó sẽ khởi động chuỗi phản ứng và thay đổi hành vi, thói quen trong nhiều việc khác.
Một nghiên cứu từ được thực hiện bởi Đại học Northwestern (Mỹ) năm 2012 cho thấy khi mọi người giảm thiểu thời lượng rảnh rỗi ngồi một chỗ hàng ngày, họ cũng sẽ giảm lượng chất béo thu nạp vào mỗi ngày. Những người tham gia nghiên cứu không hề được yêu cầu phải cắt giảm chất béo trong khẩu phần ăn nhưng thói quen dinh dưỡng của họ cũng tự nhiên được nâng cao đáng kể bởi họ cũng đồng thời cắt giảm luôn thời gian nằm dài xem TV hay ăn uống thiếu kiểm soát. Cứ như vậy, thói quen này dẫn đến thói quen khác, chuỗi Domino đã được họ đánh đổ.
Nếu để ý bạn sẽ thấy sự hiện diện của hiệu ứng Domino trong cuộc sống của chính bạn. Ví dụ như khi tôi luôn thực hiện thói quen đến phòng tập gym, tôi chợt nhận ra khả năng tập trung khi làm việc cũng như giấc ngủ của mình của mình đã được cải thiện đáng kể, mặc dù tôi không hề có kế hoạch thay đổi hai thói quen sau.
Hiệu ứng Domino cũng xảy ra với những thói quen xấu. Bạn có thể thấy thói quen thường xuyên lôi điện thoại ra check sẽ dẫn đến việc bạn liên tục vào xem thông báo trên mạng xã hội, tiếp đó lại lướt News Feed liên tục một cách vô thức, cuối cùng là chậm trễ trong việc hoàn thành những thứ quan trọng hơn.
Giáo sư Stanford BJ Fogg cũng từng viết rằng: “Bạn không bao giờ có thể thay đổi một hành vi duy nhất. Tất cả các hành vi của chúng ta đều liên kết chặt chẽ với nhau nên khi bạn thay đổi một hành vi, những hành vi khác cũng sẽ thay đổi theo.”
Vì sao nó xảy ra?
Hiệu ứng Domino diễn ra vì 2 lý do:
Thứ nhất, cuộc sống của chúng ta được hình thành bởi nhiều các thói quen liên tiếp nhau. Trên thực tế, có một mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa cuộc sống và hành vi của mỗi người. Mối liên hệ này là lý do chính khiến cho sự lựa chọn ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của bạn sẽ ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến những khía cạnh khác, cho dù bạn có dự tính trước ra sao.
Thứ hai, hiệu ứng Domino tận dụng một trong những nguyên lý cốt lõi về hành vi con người: sự cam kết và nhất quán. Hiện tượng này được giải thích trong cuốn sách kinh điển Influence của Robert Cialdini rằng nếu mọi người cam kết gắn chặt bản thân với một ý tưởng hay mục tiêu nào đó, ngay cả có ít đến mức nào, họ cũng sẽ có xu hướng trân trọng sự cam kết đó bởi đã coi ý tưởng hay mục tiêu này gắn chặt với hình ảnh bản thân.
Quay lại câu chuyện đầu bài về Jennifer Lee Dukes, khi cô bắt đầu dọn giường hàng ngày, Jennifer đã bắt đầu gắn kết với ý tưởng “Tôi là người có thể giữ nhà cửa sạch đẹp.” Vài ngày sau, cô bắt đầu cam kết với hình ảnh mới này và gắn nó với mọi yếu tố khác trong nhà.
Đây chính là sản phẩm phụ của hiệu ứng Domino. Nó không chỉ tạo ra hẳn một tầng lớp các thói quen mới mà còn giúp chuyển dịch niềm tin cá nhân của mỗi người. Mỗi khi một quân cờ Domino đổ xuống, bạn sẽ bắt đầu tin vào những điều mới mẻ về bản thân và bắt đầu xây dựng những thói quen dựa trên niềm tin mới này.
Ba nguyên tắc áp dụng hiệu quả hiệu ứng Domino
Hiệu ứng Domino không đơn thuần chỉ là một hiện tượng xảy đến với bạn mà còn là một thứ bạn có thể tự tạo ra cho mình. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra một chuỗi các thói quen tích cực bằng cách khởi động từ thói quen đầu tiên và để thứ này dẫn đến thứ khác.
Dưới đây là 3 quy tắc ứng dụng hiệu ứng Domino vào cuộc sống:
1. Bắt đầu bằng những thứ bạn có hứng làm nhất. Hãy bắt đầu từ một hành vi nhỏ và thực hiện nó một cách kiên trì. Điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn chính bạn và mở ra cho chính bạn về hình mẫu tích cực bạn có thể trở thành. Việc cả chuỗi Domino sau đó có đổ hay không cũng không quan trọng bằng quân cờ Domino đầu tiên ngả xuống.
2. Hãy giữ guồng quay đó, ngay lập tức chuyển sang những hoạt động khác mà bạn thấy hứng thú. Hãy để cảm hứng hoàn thành một công việc chuyển giao bạn sang một việc khác. Mỗi lần lặp lại điều này bạn sẽ trở nên gắn kết hơn nữa với hình ảnh bản thân đã hình dung ra ngay từ khi bạn quyết định thay đổi.
3. Mỗi lúc nghi ngờ bản thân, hãy chia công việc ra thành nhiều phần nhỏ dễ thực hiện hơn. Khi muốn thay đổi một thói quen, bạn hãy tập trung vào việc duy trì chúng trong tầm kiểm soát của mình. Hiệu ứng Dominio quan trọng quá trình tiến triển của bạn chứ không quan trọng kết quả. Đơn giản là hãy cố gắng giữ guồng “đổ” của các con bài Domino. Hãy để chu trình đó tự động diễn ra, từ cái này đến cái khác.
Khi hành vi này không dẫn đến hành vi khác, thường lý do cũng nằm ở việc bạn không thực hiện được một trong ba nguyên tắc trên. Có nhiều chiều hướng Domino có thể đổ, tất nhiên là cả những hướng tiêu cực. Bạn hãy tập trung vào hướng tích cực nhất mà bạn muốn xảy ra và để nó thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình.
Theo GENK
Tags: Tâm lý học