Hiện trạng xung đột dân tộc, tôn giáo trên thế giới

Trong những năm qua, ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã xảy ra những cuộc xung đột, trong đó có một số cuộc xung đột liên quan đến dân tộc, tôn giáo hoặc xen lẫn cả dân tộc và tôn giáo.

Như: xung đột giữa những cộng đồng Hồi giáo theo dòng Sunni và Shiite hay các dòng khác nhau ở trong một quốc gia như: Syria, Iraq; giữa một số quốc gia Ả-rập, Hồi giáo với nhau và với Israel (Do Thái giáo); giữa Hồi giáo và Công giáo ở Philippines, Indonesia; giữa Hồi giáo và Phật giáo ở miền Nam Thái Lan, Myanmar,…

Ngoài ra, một số tổ chức đang có xu hướng lợi dụng dân tộc, tôn giáo để thực hiện mưu đồ chính trị. Các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo thường rất phức tạp, kéo dài và khó giải quyết do liên quan đến lịch sử, dân tộc, đạo đức, truyền thống tôn giáo,… có khi ở một vùng miền, một quốc gia hay liên quan đến nhiều quốc gia; mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo ngày càng tăng, trở thành nhân tố gây mất ổn định ở nhiều nơi.

Dù là cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc hay đan xen luôn là mối quan tâm, lo lắng của mọi người và làm cho lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế cũng như quốc gia trên thế giới đau đầu. Tất cả các cuộc xung đột từ trước đến nay đều để lại những hậu quả rất nặng nề, thậm chí biến thành những cuộc chiến tranh kinh hoàng kéo dài nhiều năm. Biết bao dân thường vô tội ở nhiều nơi luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Để giải quyết xung đột, việc tìm ra những nguyên nhân nhằm có giải pháp đúng đắn nhất, giải quyết có hiệu quả nhất là nhiệm vụ quan trọng. Trong số các nguyên nhân thì đáng chú ý đến nguyên nhân về sắc tộc, tôn giáo, như: một bộ phận người thiểu số theo một tôn giáo với số ít tín đồ trong một quốc gia mà đa số người theo một tôn giáo khác lại nắm quyền cai trị nên gây ra sự bất bình của cộng đồng sắc tộc, tôn giáo đối lập. Cũng có trường hợp do không chịu sự thống trị của chính quyền đương thời nên đã gây ra những cuộc đấu tranh đòi ly khai,… đều là những nguyên nhân gây nên xung đột. Hãy điểm qua một số cuộc xung đột.

Indonesia có khoảng 250 triệu dân, trong đó có 87% dân số theo Hồi giáo và 8% theo Công giáo. Xung đột căng thẳng giữa người Công giáo với người Hồi giáo đã kéo dài ở nhiều nơi. Xung đột giữa người Công giáo và người Hồi giáo ở quần đảo Maluku với dân số khoảng 3 triệu người, trong đó người theo đạo Hồi chiếm 55%, theo đạo Công giáo chiếm 44%. Xuất phát từ tâm lý bị phân biệt đối xử nên đã hình thành những bất đồng giữa hai cộng đồng tôn giáo này và những mâu thuẫn âm ỉ trở thành xung đột lớn. Những người Hồi giáo đã thành lập các đơn vị bán quân sự được trang bị vũ khí sẵn sàng tiến hành cuộc “Thánh chiến” để bảo vệ người Hồi giáo. Xung đột ở Aceh, một tỉnh có khoảng 5 triệu dân với 98% dân số là người Hồi giáo và là một trong những tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên của Indonesia với nhiều dầu, khí đốt, vàng, bạc, cao su. Ngày 18/11/2009, tại Banda Aceh (thủ phủ Aceh) đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn đã làm khoảng 5.000 người thiệt mạng.

Philippines có khoảng gần 100 triệu dân, trong đó có 85% người theo Công giáo, 5% tín đồ Hồi giáo,… Cuộc xung đột giữa người Công giáo với người Hồi giáo do tổ chức Hồi giáo Abu Sayyaf gây ra ở quần đảo Mindanao (hòn đảo lớn thứ hai của Philippines), phía Nam Philippines với khoảng 20% người dân trên đảo theo đạo Hồi. Do tình trạng nghèo đói và sự khác biệt về tôn giáo, đảo đã trở thành cái nôi của phong trào ly khai với sự ra đời của Tổ chức Mặt trận Hồi giáo giải phóng Moro (MILF) và Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro (MNLF). Cả MILF và MNLF đều chủ trương thành lập nhà nước riêng ở đảo này. Trong những thập niên qua, khoảng 120.000 người thiệt mạng vì xung đột giữa hai tổ chức này với quân Chính phủ. Tổ chức Abu Sayyaf đã gây ra nhiều vụ bắt cóc, cướp của, giết người. Năm 1986, (MILF) tách khỏi MNLF tuyển mộ 40.000 tay súng và đòi thành lập Nhà nước độc lập gồm 4 tỉnh có đa số dân Hồi giáo ở Mindanao. Từ đó đến nay, xung đột, bắt cóc, giết người thường xuyên xảy ra giữa người Công giáo và các nhóm Hồi giáo tại đây.

Tại Ấn Độ, xung đột giữa người theo đạo Hinđu và người theo Hồi giáo mà đỉnh cao là cuộc khủng bố ở trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ vào ngày 26/11/2008. Ấn Độ có khoảng 1,2 tỉ dân trong đó, người theo đạo Hinđu chiếm khoảng 80% dân số, người Hồi giáo chiếm khoảng 13%. Người Hồi giáo bị coi là hậu duệ của ngoại xâm phương Bắc nên bị phân biệt đối xử và trở thành mục tiêu của những phần tử Hindu cực đoan. Người Hồi giáo là tầng lớp nghèo trong xã hội, chỉ chiếm 3% biên chế trong bộ máy của chính quyền Ấn Độ. Khoảng cách giàu nghèo tại Ấn Độ đan xen với các nhân tố lịch sử, tôn giáo, dân tộc,… đã tạo nên những mối quan hệ phức tạp. Từ những cuộc xung đột lẻ tẻ dần dần đã phát triển thành những cuộc xung đột lớn trên toàn quốc vào năm 1992, kể từ vụ khoảng 150 ngàn phần tử cực đoan Hindu phá hủy một Thánh đường Hồi giáo ở Ayodhya. Sau những cuộc đụng độ trong những năm 1992-1993, từ mối thù dẫn đến những vụ cướp bóc, giết người do cả hai phía gây ra làm hàng vạn người thiệt mạng. Từ sau sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ, những lực lượng Hồi giáo cực đoan quốc tế và khu vực tìm cách lợi dụng, đưa thánh chiến Hồi giáo vào Ấn Độ, kích động mâu thuẫn và thổi bùng sự bất hòa giữa hai cộng đồng này.

Tại Trung Quốc: Xung đột tôn giáo, sắc tộc ở quốc gia này diễn ra rất căng thẳng, phức tạp và nguy hiểm, nhất là xung đột giữa Phật giáo Tây Tạng vào tháng 3/2008 đã khiến 13 người thiệt mạng và gậy thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hơn chín tháng sau đó, nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại Tây Tạng và các vùng lân cận, dẫn đến cuộc xung đột giữa người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo ở Tân Cương với người Hán và chính quyền địa phương vào tháng 7/2009, làm hơn 1.600 người bị thương vong.

Nguyên nhân trực tiếp là vụ xung đột giữa hàng trăm công nhân người Hồi giáo Tân Cương làm việc tại một nhà máy đồ chơi ở Quảng Đông với công nhân người Hán tại đây đã như “giọt nước tràn ly”. Tuy nhiên, theo những nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa là chính sách dân tộc của Trung Quốc làm cho người Hồi giáo cảm thấy văn hoá, tín ngưỡng, ngôn ngữ của họ không được tôn trọng. Vùng đất mà do tổ tiên để lại và mọi hoạt động kinh tế thương mại chính đa phần nằm trong tay người Hán (chiếm tới 75% dân số) ở Tân Cương. Do đó, người dân ở Tân Cương cảm thấy bị thiệt thòi quá nhiều nên một bộ phận người Hồi ở Tân Cương muốn thành lập một khu tự trị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hàng trăm cuộc xung đột ở Trung Quốc trong những năm gần đây và cuộc xung đột mới đây cũng làm cho tình hình tại khu vực này căng thẳng, gây nhiều thương vong.

Tại Thái Lan: Thái Lan một đất nước mà Phật giáo được coi là quốc đạo với 64 triệu dân, trong đó khoảng 95% dân số theo đạo Phật, còn số người theo Hồi giáo chỉ khoảng 2,3 triệu, sống tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh miền Nam Thái Lan là: Pattani, Yala và Narathiwat. Ba tỉnh này vốn là của Malaysia nên hâu hết người dân ở đây là người Mã Lai theo đạo Hồi, trong khi đó người theo Phật giáo thường là người gốc Thái nên đã bị những người Hồi giáo coi không phải là người bản xứ. Những người Hồi giáo tại đây cảm thấy không được chính quyền quan tâm; đa số những chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính được giao cho người theo đạo Phật trong khi người Hồi giáo thấy bị mất đất đai, văn hóa truyền thống,… Từ đó, họ luôn tìm cách chống lại, tạo ra những bất ổn của khu vực miền Nam Thái Lan làm hàng ngàn người thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo với cảnh sát kể từ khi cuộc chiến tranh du kích đòi ly khai bùng phát trở lại vào tháng 01/2004 cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Thực tế cho thấy, dân tộc, tôn giáo thường luôn chứa đựng sự nhạy cảm, phức tạp và đã có nhiều cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến nay, có hàng trăm cuộc xung đột, trong đó 70% các cuộc xung đột liên quan đến sắc tộc, tôn giáo làm ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định chính trị, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và cuộc sống thanh bình của người dân mà những ví dụ ở các nước nêu trên là minh chứng. Do vậy, giải quyết xung đột sắc tộc, tôn giáo là một vấn đề toàn cầu, cần phải có sự chung tay góp sức của cả nhân loại, của tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới. Để giải quyết mâu thuẫn, nhiều quốc gia đã có những giải pháp theo tình hình thực tế của mỗi nước. Tuy nhiên, đối thoại hòa bình để có những bước đi thích hợp đáp ứng những yêu cầu cơ bản của mỗi bên là vấn đề quan trọng. Các tôn giáo cần phải chủ động tăng cường đối thoại để hiểu nhau, tìm ra những điểm tương đồng và khắc phục dị biệt hay những cái nhìn méo mó về các tôn giáo khác. Đồng thời chính phủ các nước cũng phải tiến hành đối thoại hòa bình kịp thời ngay từ khi có dấu hiệu mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc, tôn giáo hay liên quan đến chính quyền và ở một số quốc gia thông qua đối thoại đã thu được kết quả khá tốt hoặc có bước tiến triển, hạn chế sự phức tạp và phá vỡ được bế tắc, mang lại hòa bình cho mọi người.

Ngoài ra, một số nước đã chủ động tìm ra những giải pháp phù hợp, trong đó có việc thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo để có thể hạn chế được phần nào các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo thông qua giải quyết sự bất bình đẳng và bất công, như: xây dựng và cung cấp nhà ở cho người dân với giá rẻ, các hộ gia đình thuộc các dân tộc khác nhau cùng sống trong một khu chung cư với điều kiện, môi trường xã hội như nhau nhằm giúp họ xóa bỏ được những mặc cảm, ngăn cách. Tất cả các học sinh ở độ tuổi đi học đều được đến trường, không phân biệt dân tộc, tôn giáo,… và có những biện pháp hữu hiệu nhằm giúp thế hệ trẻ gần gũi nhau và hòa nhập với nhau hơn…

Một trong những ưu tiên là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc, tôn giáo với nhà nước. Đây là một việc làm rất cần thiết và thường xuyên, trong đó nhà nước phải có chính sách tôn trọng dân tộc, tôn giáo và quan tâm thực sự đến công tác tôn giáo, dân tộc. Trong những năm qua, những cuộc đấu tranh đòi ly khai diễn ra mạnh mẽ mà nguyên nhân chủ yếu đều bắt nguồn từ chính sách dân tộc, tôn giáo của nhà nước, như: việc thực hiện đồng hóa văn hóa để xây dựng quốc gia dân tộc thống nhất ở Philipines, Thái Lan, Indonesia… Việc giải quyết một cách khéo léo mối quan hệ giữa dân tộc, tôn giáo với chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết xung đột. Theo đó, cần thừa nhận sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và tôn trọng bản sắc riêng của mỗi dân tộc trong mỗi quốc gia; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tộc,… và để tất cả thống nhất trong đa dạng.

Tòa thánh Vatican vừa là Trung tâm của Công giáo hoàn vũ vừa là một Nhà nước đã có chủ trương đi đầu trong đối thoại với tất cả các tôn giáo trên thế giới. Đây có thể coi là bước ngoặt trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các tôn giáo. Theo đó, các tôn giáo khác cũng hướng theo xu thế đối thoại hòa bình. Tất cả các quốc gia, dân tộc, tổ chức tôn giáo trên thế giới nếu có những bất đồng nhưng có thiện chí để tìm ra những bước đi phù hợp sẽ góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sự xung đột dân tộc, tôn giáo, mang lại sự bình yên cho nhân loại.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , , , ,