Hiểm họa tự việc buông lỏng ‘hàng xách tay’ qua đường hàng không

Vụ tạm giữ bốn tiếp viên hàng không một lần nữa làm lộ phần nổi của “tảng băng ngầm” về hoạt động lưu thông, kinh doanh hàng lậu qua con đường xách tay ở Việt Nam.

HIểm họa tự việc buông lỏng ‘hàng xách tay’ qua đường hàng không

Tác giả: Võ Nhật Vinh hiện, Chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp).

Có con nhỏ nên mỗi lần bay về Việt Nam, gia đình tôi luôn lựa chọn những mức cước cho phép mang nhiều hành lý.

Không ít lần, chúng tôi thừa một lượng hành lý trống. Nhiều người quen gợi ý tôi “bán cân” để thu hồi một ít chi phí, bù cho giá vé máy bay. Không muốn nhức đầu hay mệt mỏi thêm khi đi cùng gia đình, tôi luôn từ chối.

“Bán cân” là cụm từ phổ biến trên các diễn đàn của người Việt tại nước ngoài, chỉ việc nhận mang hành lý có thu phí về Việt Nam hay ngược lại. Đây là hoạt động tự phát của các cá nhân, khác với hoạt động của các công ty giao nhận chuyên nghiệp. Hàng hóa theo diện này sau đó được rao bán với tên gọi “hàng xách tay”.

Khái niệm “hàng xách tay” chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, được hiểu thông thường là các mặt hàng đem trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Trung gian vận chuyển thường là du học sinh, người đi du lịch, công tác, khám bệnh ở nước ngoài, phi công – tiếp viên hàng không, hoặc các công ty đứng ra làm dịch vụ.

Không phải mọi hàng hóa xách tay đều bất hợp pháp. Tuy nhiên, mặt hàng này nếu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan sẽ bị coi là hàng nhập lậu theo Khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Theo lời khai ban đầu, trường hợp bốn cô tiếp viên bị phát hiện mang ma túy trong hành lý khi bay từ Pháp về TP HCM hôm 16/3 là một ví dụ của hoạt động xách tay hàng hóa.

Đến nay, không ai biết bao nhiêu hàng hóa không giấy tờ, không kê khai thuế đã được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam. Thực trạng này được Cục Hải quan TP HCM khẳng định trong một phát biểu sau vụ tạm giữ bốn tiếp viên. Họ cho biết đang trong kế hoạch tập trung cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế. “Trước đây, những người có nghi vấn thường là người có mối quan hệ phức tạp, khách nước ngoài, khách du lịch… nhưng giờ xuất hiện nhóm mới, trong đó có tiếp viên hàng không”, đại diện Cục Hải quan TP HCM cho biết.

Thực tế thì hàng chục năm nay, thị trường hàng xách tay đã hình thành những địa bàn quy mô lớn nằm ở phố Nguyễn Sơn – còn gọi là “phố hàng không” – ở quận Long Biên, Hà Nội, và tại đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP HCM.

Vụ tạm giữ bốn tiếp viên hàng không một lần nữa làm lộ phần nổi của “tảng băng ngầm” về hoạt động lưu thông, kinh doanh hàng lậu qua con đường xách tay ở Việt Nam, gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Nhà nước có thể thất thu lớn về thuế, các doanh nghiệp thiệt hại vì sản phẩm khó cạnh tranh với hàng trốn thuế. Tuy nhiên, mối nguy sẽ không chỉ dừng ở đó.

Để đối phó với tình trạng này, Nghị định 98 có hiệu lực từ tháng 10/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm đã tăng mức phạt lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với các tổ chức kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tuy nhiên, sau hai năm áp dụng, giới kinh doanh hàng xách tay dường như đã “nhờn luật” do chế tài quá yếu. Cục Quản lý thị trường từng không ít lần thừa nhận “khó kiểm soát” hoạt động kinh doanh hàng xách tay.

Khó kiểm soát vì hàng hóa xách tay bất hợp pháp chủ yếu tiêu thụ qua kênh bán hàng online, lưu trữ trong các cơ sở tại nhà – tức những đơn vị buôn bán nhỏ lẻ. Lực lượng quản lý thị trường, dù tăng nhân sự lên đến bao nhiêu, cũng khó có thể theo dõi và giám sát đầy đủ.

Để giải quyết tốt hơn tình trạng này, không thể phó mặc cho quản lý thị trường mà cần sự phối hợp của các bên liên quan. Hải quan là cửa ngõ, chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn hàng nhập cảnh Việt Nam. Ở mắt xích này, cần giám sát chặt hơn để tránh tình trạng thông đồng giữa nhân viên hải quan và đối tượng tiêu thụ hàng lậu. Đây là mắt xích quan trọng và quyết định nhất.

Mức phạt hành chính tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, kèm một số hình phạt bổ sung… là không đáng kể so với lợi nhuận mà hoạt động buôn bán này mang lại. Vì vậy, việc sửa Nghị định 98 theo hướng bổ sung các chế tài tăng nặng là điều cần thiết nhằm thanh lọc khâu trung gian phân phối hàng lậu xách tay.

Một mắt xích quan trọng nữa là người tiêu dùng – nhóm cần được điều chỉnh hành vi thông qua thay đổi nhận thức về việc tiêu thụ hàng xách tay. Không phải người mua nào cũng biết việc tiêu thụ hàng hóa không chứng từ là hành vi tiếp tay cho hàng lậu.

Chỉ dừng lại ở biện pháp phạt hành chính theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay, cái giá phải trả sẽ quá đắt: ngoài thiệt hại kinh tế còn là tác động khủng khiếp đến đời sống xã hội, nếu ma túy cũng được “xách tay”.

Theo VNEXPRESS

Tags: