Hãy sống chậm lại vì sức khỏe của chính mình

Ăn thức ăn nhanh, chạy xe phân khối cao, đi chợ qua điện thoại, kết bạn sau một cái nhấn chuột… Sống nhanh đang là mốt của thời hiện đại, nhưng…

Hãy sống chậm lại vì sức khỏe của chính mình

“Quả”… đắng

Tạm cho là quỹ thời gian của mỗi người như nhau thì người sống nhanh có lợi hơn vì làm được nhiều việc, dễ dàng thành công hơn. Nhưng, thực tế không phải như vậy, gấp gáp, tiết kiệm từng chút thời gian, dẫn đến nhiều hệ lụy mà ít người nhận ra. Thứ nhất là sự vội vã, tính toán quá sức dẫn đến căng thẳng thần kinh. Sự mệt mỏi của tinh thần là cầu nối dẫn đến sự mỏi mệt của thể xác và bệnh tật. Điều này đã được nhiều bác sĩ chứng minh trong điều trị bệnh ung thư. Nếu bệnh nhân tự tin, vui vẻ, yêu đời thì nội tiết tố hưng phấn sẽ làm việc triệt để, đánh thức kháng thể làm việc cật lực, nhờ vậy khối u không có cơ hội lấn sân.

Thứ nhì, trong quá trình làm việc gấp gáp, luôn kèm theo sự lo lắng với hàng loạt thứ mang tên “không”: không kịp tiến độ, không kịp hợp đồng, không xin được cho con vào trường điểm… dẫn đến tâm lý lo lắng. Sự lo lắng làm tư duy bế tắc, đi vào ngõ cụt, thậm chí tính toán “sai một ly đi một dặm”… Chưa hết, tâm trí bấn loạn vì suy tính còn dẫn tới mất ngủ. Ngủ thiếu, cơ thể đã mệt càng mệt hơn nên công việc dù nhẹ cũng cảm thấy khó khăn, phải nỗ lực mới vượt qua, rồi rơi vào vòng luẩn quẩn: hết mệt đến mất ngủ.

Sống nhanh, gấp gáp buộc cơ thể phải vận động nhanh. Nơi mệt nhất là tim, vì một lúc phải làm nhiều việc: bơm máu đến não để tư duy, xử lý công việc, bơm máu đến cơ để vận động, bơm máu đến hệ tiêu hóa để “xử” các món ăn nhanh và đôi khi còn phải “gồng mình” đập liên hồi, bơm thật nhanh máu đến miệng và não để cự cãi, tranh cho được phần thắng… Điều đáng ngại là tim làm việc siêng năng và chịu đựng, dù mệt cũng không lên tiếng. Đã có không ít người sau thời gian sống vội đã phải bỏ tiền ra điều trị bệnh tim mạch, đến lúc này họ mới hiểu mình đang đi vào con đường một chiều: tiền bỏ ra liên tục nhưng không mua được sức khỏe.

Ăn uống nhanh gọn với các loại thức ăn làm sẵn là cách tiết kiệm thời gian để nhanh chóng làm việc. Có người còn vừa ăn vừa giải quyết công việc. Nhưng, cách kết hợp ăn và làm này nếu trở thành thói quen hàng ngày thì chủ thể đang “xử tử” hệ tiêu hóa. Ở đây không bàn đến hóa chất, chất bảo quản, chất béo, ngọt có trong thực phẩm mà chỉ nói đến quá trình tiêu hóa. Vừa ăn vừa làm chẳng chóng thì chày cũng dẫn tới đau dạ dày. Ngồi hàng giờ bên máy vi tính thì “cửa hậu” bị dồn ép, dễ bị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại…

Bí quyết gieo… “nhân”

Sống chậm không có nghĩa là buông trôi mọi thứ, cứ ù lì mặc cho ngày mai muốn ra sao thì ra. Sống chậm ở đây là cân bằng sức khỏe, là tìm nhịp nghỉ cho cơ thể để làm việc hiệu quả, sáng tạo hơn, tránh được một phần bệnh tật viếng thăm lúc tuổi cao. Làm sao sống chậm khi xung quanh đang lao với tốc độ tàu cao tốc? BS Nguyễn Thị Kim Hưng – Trung tâm Làm giàu thế giới nội tâm TP.HCM hướng dẫn:

– Sống chậm là sống hiệu quả hơn và giảm lãng phí. Phần lớn chúng ta lãng phí suy nghĩ. Theo thống kê của các nhà khoa học thì có đến 96% là suy nghĩ tiêu cực và lãng phí. Cụ thể: suy nghĩ về quá khứ là lãng phí. Chuyện đã xảy ra dù chỉ mới một phút cũng không thể thay đổi, vì thế những gì đã qua nên cho qua, điều cần làm là rút ra bài học kinh nghiệm. Lo lắng về tương lai cũng là suy nghĩ lãng phí, vì tương lai là kết quả của hiện tại. Nói cách khác, tương lai là “quả” mà hiện tại là “nhân”. Làm việc điềm tĩnh, chính xác, có tính toán thì kết quả bao giờ cũng tốt. Như vậy, sống chậm là sống trong hiện tại, suy nghĩ cho hiện tại.

Muốn sống chậm, phải làm chủ suy nghĩ. Chỉ cần một phút căng thẳng, giận dữ, lo lắng… là cơ thể phải mất 10 ngày mới thải hết độc tố do suy nghĩ tiêu cực tạo ra. Sự giận dữ, buồn phiền… là “mồi lửa” làm cho tuyến yên kích hoạt hàng loạt các phản ứng khác trong cơ thể, cảm nhận bên ngoài dễ nhận thấy là: tim đập nhanh, tăng huyết áp, tăng cholesterol, đau thắt dạ dày, mất ngủ… Nếu những cảm xúc này lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày thì cơ thể khó lòng thải hết độc tố. “Dư nợ” ngày càng nhiều, “nhân” như vậy thì “quả” của tương lai sẽ là bệnh tật: béo phì, trầm cảm, viêm loét dạ dày, mất ngủ, trĩ, bệnh ngoài da…

Như vậy, để cơ thể không bị đầu độc bởi suy nghĩ tiêu cực, cần có nghệ thuật làm chủ bản thân, quản lý suy nghĩ. Muốn vậy, hãy “quan sát suy nghĩ” của mình, phân loại những suy nghĩ dẫn đến điều bất lợi cho cơ thể để tìm cách hướng tới tư duy tích cực, khắc phục tâm lý đố kỵ, xóa bỏ sự lo lắng và sợ hãi.

Theo SỨC KHỎE & THỜI ĐẠI

Tags: ,