Hãy soi gương nếu bạn muốn biết loài vật nào nguy hiểm nhất hành tinh

Có một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nói lên mối quan hệ giữa con người và động vật hoang dã mà tôi rất tâm đắc là “Cuộc Đời Của Pi” của cây bút kì ảo Yann Martel.

Hãy soi gương nếu bạn muốn biết loài vật nào nguy hiểm nhất hành tinh

Ông kể cho chúng ta nghe, “có những khách thăm vườn thú tìm cách thỏa mãn thú vui độc ác của họ bằng cách cho rái cá ăn lưỡi câu, cho gấu ăn dao cạo, cho voi ăn táo có đinh nhọn ở trong,… một con hải cẩu đực chảy máu nội tạng sau khi có kẻ cho nó ăn một chai bia vỡ; một con cò mỏ hình giãy chết vì choáng khi mỏ của nó bị búa đập giập nát; một con tuần lộc bị một kẻ dùng dao lột bộ râu kéo theo một mảng da thịt rồi sau đó nó bị chết vì đầu độc; một con khỉ bị bẻ gẫy tay chỉ vì thò tay ra khỏi chuồng nhận một hột lạc dử cho ăn; một con hươu bị cưa mất sừng; một con ngựa vằn bị đâm bằng kiếm; bọn cuồng dâm với súc vật thì cưỡng hiếp khỉ, ngựa non, chim; một kẻ cuồng tín chặt đầu một con rắn…”

Không giấu được sự ghê tởm những kẻ độc ác ấy, nhưng tác giả vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng kể lại một chi tiết đầy chất bi hài:

“Ngay sau quầy bán vé, cha tôi cho kẻ một dòng chữ sơn đỏ lên tường: “Đố quý vị biết con vật nào trong vườn thú là nguy hiểm nhất?”. Một mũi tên chỉ về phía một tấm rèm nhỏ. Đã biết bao nhiêu bàn tay tò mò háo hức kéo tấm rèm đó, đến nỗi chúng tôi phải thường xuyên thay cái mới. Đằng sau nó là một tấm gương”. Vâng, vén tấm rèm đó lên, nhìn vào gương ta sẽ thấy chính mình: con vật nguy hiểm nhất trong vườn thú!

“… con vật nguy hiểm nhất trong một vườn thú là người… giống loài chúng ta đã biến toàn thể hành tinh này thành một con mồi của loài người”, Yann Martel viết. (Khi làm bộ phim cùng tên, đạo diễn Lý An (Ang Lee) đã không nỡ đưa những chi tiết ghê rợn lên màn ảnh).

Những tác động kinh khủng của con người đến động vật hoang dã là không thể chối cãi. Hậu quả của hành động này đã nhìn thấy được trước mắt.

Hiện nay, ước tính có khoảng 1.556 loài được xác định là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Các khu rừng nhiệt đới – nơi trú ẩn của một nửa số sinh vật hiện tồn tại trên trái đất cũng đang bị thu hẹp hàng trăm nghìn ha mỗi năm. Vô số loài đã biến mất khi môi trường sống của chúng bị phá hủy. Việc bảo tồn sự đa dạng của các loài động thực vật trong tự nhiên đang là vấn đề cấp bách. Sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã không phải đơn thuần do môi trường sống bị mất mà là chính bàn tay của con người gây trực tiếp gây ra. Các hành động săn bắn, bẫy thú đã làm số lượng động vật hoang dã giảm xuống đến tốc độ chóng mặt.

Riêng ở Việt Nam, thực trạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng là nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã và đang bị săn bắt, buôn bán, xuất khẩu trái phép, thậm chí giết mổ làm món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn, phục vụ thói quen tiêu xài lãng phí của một số người. Do dễ dàng tiêu thụ với thu nhập cao đã tạo ra việc làm rất nguy hại và kích thích một số người săn bắt, buôn bán trái phép loại hàng này bất chấp các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, quý hiếm. Áp lực đối với sự sống còn của loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm ngày càng lớn. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan tại nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập.

“Việt Nam là một quốc gia chuyển tiếp. Nhiều nhóm buôn lậu chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển vào các thị trường khác như Trung Quốc. Và, Việt Nam cũng là nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.” Đơn cử, việc sử dụng và mua bán sừng tê giác là tội hình sự ở Việt Nam, nhưng nhu cầu tiêu thụ sừng tê rất lớn vì nhiều người xưa nay tin vào công dụng trường thọ của loại sừng quý hiếm này, khó khăn nhất của Việt Nam là việc xử phạt loại tội phạm này chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, một vấn đề nóng đang được bàn luận hiện nay là: gây nuôi thương mại động vật hoang dã.

Có ý kiến cho rằng, gây nuôi thương mại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm không chỉ giúp phát triển kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn các loài này. Thực tế hoàn toàn không phải vậy, đặc biệt là tình hinh hiện nay ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào, ngày càng có nhiều cá thể động vật hoang dã bị săn bắt trong tự nhiên để đưa về các cơ sở gây nuôi. Cho dù những cơ sở này có thành công trong việc nuôi động vật hoang dã, nhưng chi phí săn bắt ngoài tự nhiên vẫn thấp hơn nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi chúng đủ lớn để có thể đem bán. Điều này gây áp lực lớn đối với các quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên. Mặt khác, việc cho phép tự do thương mại động vật hoang dã trên thị trường dẫn đến những khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phân biệt giữa cá thể được gây nuôi hợp pháp với cá thể bị săn bắt trái phép ngoài tự nhiên.

Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp, các quy chế bảo vệ chặt chẽ, ngành công nghiệp gây nuôi động vật hoang dã sẽ tiếp tục gây ra những áp lực đối với quần thể tự nhiên và rất khó để có thể bảo vệ chúng.

Theo QUÁCH NGỌC THIỆN

Tags: