Hàn Quốc: Từ xuất khẩu K-pop đến xuất khẩu vũ khí

Đầu tiên là nhạc Hàn (K-pop) với những vũ điệu hào nhoáng, tiếp theo là những bộ phim tình cảm ướt át và nay, theo Tổng thống Yoon Suk Yeol, đã đến lúc đất nước này cần một trào lưu xuất khẩu khác: vũ khí.

Hàn Quốc: Từ xuất khẩu K-pop đến xuất khẩu vũ khí

Trong một khu công nghiệp bên ngoài thủ đô Seoul có tên là Thung lũng Pangyo Techno, nơi đặt trụ sở của những công ty công nghệ Naver và Kakao, Tổng thống Yoon tạo dáng chụp ảnh bên những động cơ máy bay cỡ lớn. “Một số người coi ngành công nghiệp quốc phòng là ngành công nghiệp chiến tranh và có ý kiến tiêu cực về nó”, ông Yoon nói. “Trên thực tế, công nghiệp quốc phòng là một ngành công nghiệp hòa bình, chia sẻ các giá trị của chúng ta trong hệ thống an ninh toàn cầu đồng thời đảm bảo an toàn cho các đồng minh và những người tôn trọng trật tự quốc tế”.

Những lĩnh vực xuất khẩu chính của Hàn Quốc là chất bán dẫn, ôtô. Nhưng trong những năm gần đây, các công ty quốc phòng nước này, vốn đã được mài giũa kỹ năng trong cuộc đối đầu kéo dài 7 thập kỷ, đã ký kết được các thỏa thuận mang tính bước ngoặt, nâng cao vị thế của họ trên thị trường vũ khí thế giới. Vốn là cường quốc về công nghệ, sản xuất chip và các loại pin, Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới, khối lượng xuất khẩu tăng 74% trong 5 năm từ 2018 đến 2022. Năm 2022, Tổng thống Yoon tuyên bố Hàn Quốc nhắm đến mục tiêu chiếm lĩnh vị trí thứ tư thế giới vào năm 2027, theo Nikkei Asia.

Ở trong nước, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc được thúc đẩy từ nhu cầu đề phòng nước láng giềng được trang bị vũ khí hạng nặng. Hàn Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ, và bên cạnh đáp ứng nhu cầu trong nước, họ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, tạo dựng danh tiếng bằng khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng nhanh chóng vào thời điểm các trung tâm xuất khẩu vũ khí khác trên thế giới đình trệ vì nhiều lý do.

Khi chiến tranh Ukraina tạo ra tình trạng khan hiếm đạn pháo trên toàn cầu, các công ty Hàn Quốc đã tìm ra một hướng đi mới. Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia, nói với Nikkei Asia: “Các công ty Hàn Quốc đã tạo ra một thị trường ngách, họ cung cấp những nguyên liệu không nhất thiết phải có công nghệ cao cấp nhất nhưng với mức giá phải chăng hơn”. “Đất nước này có cơ sở hạ tầng công nghiệp tốt, nhờ đó có thể nhanh chóng cung cấp vũ khí và việc mua vũ khí từ Hàn Quốc là một chính sách tốt xét từ góc độ giá trị đồng tiền”, ông Graham nói.

Chi nhánh quốc phòng của tập đoàn Hanwha sản xuất pháo, xe bọc thép, hệ thống phòng không và tàu đổ bộ. Tháng 12/2023, Hanwha Aerospace ký một thỏa thuận trị giá hơn 2,6 tỷ USD cung cấp 152 khẩu pháo tự hành K9 cho Ba Lan trước năm 2027. Khi công bố thỏa thuận, chính phủ Ba Lan cho biết cuộc chiến Ukraina đã thôi thúc họ tăng cường sức mạnh quân sự. Đó là một phần của thỏa thuận khung được ký vào năm 2022 nhằm cung cấp 672 khẩu pháo K9 và 288 bệ phóng tên lửa đa năng Chunmoo cho Ba Lan. Thỏa thuận khung, trị giá 22 tỷ USD, là thỏa thuận lớn nhất mà một công ty quốc phòng Hàn Quốc đạt được từ trước đến nay.

Korea Aerospace Industries gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 1 tỷ USD để cung cấp máy bay trực thăng tấn công cho quân đội Hàn Quốc. Công ty cũng đang phát triển tiêm kích KF-21 theo dự án kéo dài 10 năm trị giá khoảng 178 triệu USD. LIG Nex1, một công ty quốc phòng khác của Hàn Quốc, sẽ xuất khẩu tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM II) sang Saudi Arabia, một phần của thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD được công bố hồi đầu tháng 2. LIG Nex1 gần đây công bố thỏa thuận với một công ty Hàn Quốc khác là Hyundai Rotem để chia sẻ dữ liệu hướng tới mục tiêu giành được nhiều hợp đồng hơn ở Trung Đông.

Hiệu ứng Ukraina

Nga tấn công Ukraina là thời cơ cho ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc. Nhà phân tích quân sự Kim Dae-young cho rằng trước đó, các công ty quốc phòng Hàn Quốc tập trung vào thị trường nội địa, nơi nhu cầu đang suy yếu. “Nhưng kể từ khi cuộc chiến ở Ukraina nổ ra, nhận thức của các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã thay đổi”, ông Kim nói với Nikkei Asia.

Các đồng minh châu Âu của Ukraina thiếu dự trữ và năng lực công nghiệp để nhanh chóng bổ sung đạn pháo. Điều này tạo cơ hội cho Hàn Quốc và số đạn dược này đã đến Ukraina thông qua một thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, xung đột Ukraina gây ra trở ngại lớn đối với Hàn Quốc trong nỗ lực trở thành một cường quốc công nghiệp quốc phòng: Đạo luật ngoại thương của nước này cấm xuất khẩu vũ khí sẽ được sử dụng trong các vùng chiến sự. Đạo luật này được thông qua vào năm 1957, khi Hàn Quốc đang hồi phục sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Hàn Quốc luôn lo ngại những phản ứng có thể xảy ra khi đứng về bên nào trong một cuộc xung đột.

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến Ukraina, Hàn Quốc viện trợ trị giá khoảng 100 triệu USD cho Ukraina, bao gồm máy phát điện và thiết bị y tế. Nhưng Seoul từ chối cung cấp các mặt hàng quân sự như vũ khí chống tăng và phòng không, bất chấp đề nghị của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc.

Đầu tháng 2, Đại sứ Nga tại Seoul Georgy Zinoviev cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương rằng việc Hàn Quốc tiếp tục hạn chế cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina là điều không thể thiếu để mối quan hệ song phương không chạm tới “đáy đá”.

Nhà phân tích Graham cho biết: “Thông qua cách tiếp cận này, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc không trang bị vũ khí cho Ukraina, nhưng bằng cách bổ sung nguồn cung cấp cho Mỹ, họ đã giúp Ukraina tiếp tục cuộc chiến”. Ông nói thêm: “Hàn Quốc rất hữu ích trong cuộc chiến Ukraina vì nước này có cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng để sản xuất đạn dược, không giống như nhiều nước NATO đã để công nghiệp quốc phòng xuống cấp”.

Oskar Pietrewicz, nhà phân tích cấp cao của Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, cho rằng vai trò của Seoul trong cuộc chiến Ukraina đã làm nổi bật tiềm năng của nước này như một nhà xuất khẩu vũ khí đáng tin cậy. Ông nói với Nikkei: “Hàn Quốc vượt trội các đối thủ về tốc độ giao hàng”. “Đối với các quốc gia như Ba Lan – nằm ở sườn phía đông của NATO và hỗ trợ cung cấp vũ khí cho Ukraina – tốc độ giao hàng là rất quan trọng. Điều quan trọng không kém là khả năng tương thích của thiết bị Hàn Quốc với các tiêu chuẩn của NATO, vì ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong nhiều năm”.

Để lách các điều luật hạn chế xuất khẩu, các công ty Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận vận chuyển số lượng lớn đạn pháo 155 mm sang Mỹ, cho phép Mỹ bổ sung kho dự trữ và vận chuyển đạn pháo tới Ukraina. Seoul vẫn giữ quan điểm chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraina một phần vì lợi ích kinh doanh của nước này ở Nga, nơi các công ty hàng đầu như Samsung, Hyundai Motor và LG Electronics hoạt động.

Mặc dù vậy, căng thẳng giữa Moskva và Seoul leo thang trong những tháng gần đây khi Nga và CHDCND Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự. Nhưng không phải ai ở Hàn Quốc cũng vui mừng trước những con số xuất khẩu ấn tượng của ngành công nghiệp quốc phòng. Các nhà chỉ trích trong nước cho rằng Hàn Quốc đã trải qua cuộc nội chiến tàn khốc đầu những năm 1950 và tình trạng bế tắc căng thẳng đang diễn ra khiến nước này không thể tự coi mình là nhà sản xuất vũ khí.

Kim Han Min-yeong, nhà nghiên cứu của nhóm dân sự Peacemomo nói: “Người Hàn Quốc đã phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh trong 70 năm nay và chúng tôi nhớ chiến tranh đã hủy hoại con người như thế nào”. Tuy nhiên, những tiếng nói như vậy khó có thể cản bước tham vọng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới của giới chính trị-quốc phòng Hàn Quốc, theo nhận định của các nhà quan sát.

Giai đoạn 2018-2022, Hàn Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới, một trong hai quốc gia châu Á lọt vào danh sách 25 nước xuất khẩu hàng đầu (nước còn lại là Trung Quốc ở vị trí thứ tư). Kim Jae Yeop, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược toàn cầu Sungkyun ở Seoul, nói với Breaking Defense: “Kể từ cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu những nỗ lực nhằm củng cố tham vọng xuất khẩu vũ khí”. 2022 là năm “thành công chưa từng có trong việc xuất khẩu vũ khí sang thị trường nước ngoài” của Hàn Quốc, kim ngạch đạt 17,3 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 7,25 tỷ USD của năm 2021.

Lý do thành công

Theo Breaking Defense, các dây chuyền sản xuất của Hanwha, Hyundai Rotem, LIG Nex1, Hyundai Heavy Industries, Kia Motors và Korea Aerospace Industries (KAI) chủ yếu để đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng dễ dàng chuyển hướng sang các đơn hàng xuất khẩu và là một trong những lý do Seoul giành được các hợp đồng quốc phòng quan trọng ở nước ngoài.

Nhà máy số 3 của Hanwha Aerospacee ở Changwon là nơi chế tạo pháo tự hành K9 155mm. Gần đây, nhà máy tăng gấp đôi công suất sản xuất hàng năm lên 160 hệ thống K9 sau khi lắp đặt dây chuyền lắp ráp thứ hai. Sản lượng tăng lên 240 xe pháo K9 mỗi năm khi dây chuyền sản xuất thứ ba khai trương tháng 4/2024.

Lee Kyounghun, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận sản xuất Nhà máy Changwon 3, nói với Breaking Defense rằng chỉ mất ba tuần để chế tạo một hệ thống K9. Hơn nữa, ngay cả khi nâng cao năng lực trong nước, Hanwha Aerospace đang đồng thời thiết lập các dây chuyền lắp ráp K9 tại Australia, Ai Cập và Ba Lan.

Một bằng chứng khác cho khả năng sản xuất tốc độ cao của các công ty quốc phòng Hàn Quốc: 10 xe tăng K2 và 24 pháo tự hành K9 đầu tiên đã cập cảng Ba Lan vào tháng 12/2023, chỉ 4 tháng sau khi Hàn Quốc và Ba Lan ký hợp đồng. Tương tự, tiêm kích FA-50 đầu tiên đã đến Ba Lan trong vòng 10 tháng kể từ khi hợp đồng được ký vào tháng 9/2022. Tốc độ đó hiếm khi xảy ra với các công ty Mỹ hoặc châu Âu, nhưng Hàn Quốc có thể giao hàng nhanh chóng nhờ mối quan hệ cộng sinh giữa chính phủ và các công ty vũ khí. Việc giao hàng trong nước có thể được sắp xếp lại để đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu.

Gắn liền với sản xuất là nội địa hóa. Các công ty Hàn Quốc có quyền tự do tùy chỉnh thiết bị theo nhu cầu của khách hàng, đồng thời chuyển giao công nghệ và thiết lập cơ sở sản xuất tại địa phương. Chẳng hạn, đầu năm 2022, Ai Cập đã đặt hàng trị giá 2 nghìn tỷ won (1,6 tỷ USD) mua xe tiếp đạn cho hai hệ thống pháo K9 và K10. Những chiếc xe ban đầu được sản xuất tại Hàn Quốc, nhưng sau đó Nhà máy 200 ở ngoại ô Cairo lắp ráp xe tiếp đạn K9 với 30% linh kiện được sản xuất tại Ai Cập. Hàn Quốc có những lợi ích khác khi địa phương hóa việc sản xuất, vì việc này tạo ra khả năng phục hồi năng lực sản xuất chiến lược và chuỗi cung ứng thứ cấp bên ngoài biên giới của mình. Yếu tố thứ ba giúp tăng doanh số xuất khẩu là chất lượng và công nghệ, một lần nữa được thúc đẩy bởi sự hợp tác của chính phủ với ngành công nghiệp.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,