⠀
Hạn chế túi nylon: Sử dụng túi gì thay thế?
Túi nylon trong điều kiện bên ngoài cần khoảng 400 năm để phân hủy hoàn toàn. Với khối lượng lớn thải ra hàng ngày như hiện nay (khoảng 80 tấn/ngày), túi nylon thật sự trở thành vấn nạn cho công tác vệ sinh môi trường.
Vấn đề đặt ra là liệu có loại bao bì nào có thể thay thế bao nylon?
Túi giấy có quai
với thiết kế đẹp, túi giấy được người tiêu dùng sử dụng lại nhiều lần và cũng là cách quảng cáo cho cửa hàng. Giấy sau khi sử dụng có thể tái chế 100%. Tuy nhiên, không thể dùng túi giấy để đựng hàng hóa ướt như thịt, cá, rau hay hàng quá nặng.
Vì vậy, túi giấy xem như không khả thi đối với siêu thị, chợ, nhưng là một lựa chọn phù hợp cho các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ. Việc sử dụng túi giấy cần thực hiện một cách đồng bộ cho toàn bộ hệ thống trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.
Cơ quan chịu trách nhiệm cần giải thích cho các trung tâm về lợi ích của việc dùng túi giấy (làm tăng giá trị sản phẩm, thương hiệu “doanh nghiệp thân thiện môi trường”…). Khi chương trình này đi dần vào ổn định, sẽ mở rộng đến các cửa hàng bán lẻ hàng hóa bên ngoài.
Túi vải sử dụng nhiều lần
có nhiều tiện ích như dùng lại được nhiều lần, mẫu mã đẹp, rất chắc chắn. Tuy nhiên, giá thành của nó khá cao, thường khách hàng phải trả tiền để mua túi.
Đối với siêu thị, túi vải cũng là một giải pháp phù hợp, tuy nhiên không là giải pháp duy nhất. Siêu thị nên có cách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi vải, chẳng hạn, mang túi vải đến mua hàng vào những lần tiếp theo sẽ được trừ vào hóa đơn từ 1.000 – 2.000 đ.
Việc khuyến khích này không làm mất thêm chi phí của siêu thị, đó chỉ là chi phí trước đây siêu thị dùng để mua những túi nylon phát miễn phí cho khách hàng.
Túi nylon phân hủy sinh học từ vật liệu có nguồn gốc thực vật như khoai mì, bột bắp, đay
đây là giải pháp thân thiện với môi trường nhất, đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh (túi làm bằng bột sắn), Ý (túi làm từ cám bắp), ở Pháp có những loại túi sinh học (biobag) mà khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại có thể tự hủy trong vòng 2 – 3 tháng.
Tuy nhiên, giá thành có thể cao gấp 2 – 5 lần túi nylon thông thường khiến việc sử dụng ít nhiều bị hạn chế. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm lương thực tại một số nơi trên thế giới dẫn đến một số ý kiến không đồng tình về việc sử dụng lương thực làm nhiên liệu và bao bì.
Để phát triển sử dụng túi phân hủy sinh học, Việt Nam cần có chiến lược phát triển, chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ túi thân thiện môi trường; cần đưa ra quy định, tiêu chuẩn chất lượng các loại bao bì thân thiện môi trường.
Túi dệt từ sợi nylon sử dụng lại nhiều lần
Là loại túi dễ dàng nhất khi sử dụng. Nó không “thân thiện” như túi tự hủy sinh học nhưng lại có thể áp dụng ngay, không cần một thời gian để kiểm nghiệm và chứng nhận như túi tự hủy. So với túi vải, giá thành của nó rẻ hơn, có thể sử dụng rộng rãi tại nhiều nơi như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Khi túi bị hư hay cũ, không còn dùng được, người tiêu dùng có thể đem đến siêu thị để đổi lại một túi mới với giá rẻ hơn. Điều này không ảnh hưởng đến lợi nhuận của siêu thị: khoản tiền giảm cho khách hàng sẽ là khoản chi phí mà siêu thị dùng để mua túi phát miễn phí cho khách hàng trước đây. Với những túi cũ hay hư, siêu thị thu gom lại và đem đi tái chế.
Theo VISTA
Tags: Bảo vệ môi trường, Tiêu dùng