Góc nhìn phương Tây về được, mất của ngoại giao Trung Quốc thời Tập Cận Bình

Tự cho là đã vượt qua giai đoạn “Giấu mình chờ thời”, Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng nước lớn trên chính trường quốc tế. Theo đó, ngoại giao trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”. Cùng với thời gian, uy tín quốc tế của Trung Quốc phần nào được nâng cao và tầm ảnh hưởng cũng ngày một lan rộng. Tuy nhiên, được – mất luôn song hành và dưới một góc nhìn khác của phương Tây lại cho thấy ngoại giao Trung Quốc hiện mất nhiều hơn được.

Tham vọng siêu cường và được, mất của ngoại giao Trung Quốc thời Tập Cận Bình”

Tổng hợp và biên tập: TS Nguyễn Đình Thiện, Học viện Chính trị CAND; Đặng Nguyên Bình, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân.

1. Trung Quốc – mơ về một siêu cường dưới góc nhìn phương Tây

Hình ảnh nước lớn trong lịch sử cùng vết nhơ bị chế độ thực dân thôn tính, cai trị luôn ám ảnh các thế hệ cầm quyền Trung Quốc đương đại

Hầu hết giới nghiên cứu quốc tế đều đồng thuận rằng, qua mọi triều đại, với chiều dài hơn 5.000 năm, cùng những thành tựu vĩ đại mà lịch sử để lại, Trung Quốc luôn tự hào và khẳng định mình là trung tâm của nền văn minh nhân loại. Mặc dù vậy, nhưng Trung Quốc cũng phải nếm chịu hơn 100 năm dưới quyền cai trị của các thế lực ngoại bang và phải ký những Hiệp ước bất công với các nước về chủ quyền lãnh thổ (Hong Kong với Anh, Ma Cao với Bồ Đào Nha). Chính những điều đó đã thôi thúc Trung Quốc vươn lên, phục hồi hình ảnh dân tộc, vươn lên siêu cường, xóa bỏ mặc cảm một thế kỷ bị chủ nghĩa thực dân cai trị và những hiệp ước quốc tế bất công mà họ từng phải ký trong lịch sử.

Trong lịch sử hiện đại, ngay sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949), Trung Quốc đã có tư tưởng “lớn” với mục tiêu “gió Đông thổi bạt gió Tây” để vươn lên trước chủ nghĩa tư bản, đồng thời “cạnh tranh” với Liên Xô (cũ) giành quyền lãnh đạo hệ thống xã hội chủ nghĩa. Khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, Trung Quốc nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, vượt qua giai đoạn “Giấu mình chờ thời” để “trỗi dậy hòa bình”, vươn lên trở thành một cường quốc cạnh tranh vai trò “lãnh đạo” với Mỹ.

Là quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới, Trung Quốc hội đủ khả năng cạnh tranh vị trí lãnh đạo với siêu cường duy nhất trong thế giới đương đại

Là một quốc gia rộng lớn (9,597 triệu km2), với dân số đông nhất thế giới (1,4 tỉ), Trung Quốc còn là một cường quốc hạt nhân, là thành viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Với những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đạt được sau hơn 4 thập niên đổi mới, để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Không ai khác, chính Mỹ đã nhận rõ đối thủ cạnh tranh vị thế siêu cường “độc tôn” của mình trong thế kỷ 21 không phải là Nga hay một quốc gia nào khác, mà chỉ là Trung Quốc. Bởi lẽ, Trung Quốc mới là quốc gia hội đủ các yếu tố và tiềm lực để trở thành siêu cường trong trật tự thế giới mới. Sau Đại hội lần thứ XVIII, Tập Cận Bình lên nắm quyền, đã khẳng định được vị thế của Trung Quốc thông qua “Giấc mộng Trung Hoa” với mục tiêu đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc trở thành một nước “giàu có và quyền lực” hàng đầu thế giới. Thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc đã xúc tiến hàng loạt các sáng kiến và bước đi mang tầm chiến lược, như: Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”; quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ; lập nhóm nước có nền kinh tế mới nổi (BRICs); thành lập Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); đề nghị thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới với Hoa Kỳ… Đặc biệt, sau Đại hội lần thứ XIX, tư tưởng Tập Cận Bình chính thức được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc sánh ngang với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông thì “Giấc mộng Trung Hoa” chính là chiến lược đưa Trung Quốc trở thành siêu cường, cùng với Mỹ và từng bước thay Mỹ “lãnh đạo” thế giới.

Kỳ vọng về một siêu cường từ sự tin tưởng vào “tính quy luật 3 thập niên” trong lịch sử Trung Quốc thời hiện đại

Cũng theo các nhà bình luận quốc tế về Trung Quốc thời hiện đại, dư luận ở Trung Quốc hiện đang hết sức kỳ vọng vào cái gọi là tính quy luật về sự lặp lại của lịch sử 3 thập niên. Theo dư luận nói trên, 3 thập niên đầu tiên (1949-1978) gắn liền với lịch sử và tên tuổi của Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông là giai đoạn được coi là nhằm tạo dựng nên nước Trung Hoa hiện tại; 3 thập niên tiếp theo gắn liền với lý luận của nhà cải cách vĩ đại – Kỹ sư trưởng Đặng Tiểu Bình là làm cho Trung Quốc đứng lên.

Đầu những năm đầu của thập niên thứ 2 của Thế kỷ 21, tranh thủ thời cơ, điều kiện quốc tế thuận lợi, cùng với quá trình cải cách, mở cửa đem lại những thành công vang dội, Trung Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc khu vực, vượt qua giai đoạn “Giấu mình chờ thời”, để can dự ngày càng sâu vào những vấn đề khu vực và quốc tế. Và đó chính là thời điểm, người ta kỳ vọng vào 3 thập niên tiếp theo của lịch sử Trung Quốc gắn với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – làm cho Trung Quốc trở nên “giàu có và quyền lực”.

2. “Ngoại giao bẫy nợ, ngoại giao cơ hội và ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc theo phương Tây cáo buộc

Công khai tham vọng siêu cường, ngoại giao Trung Quốc trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Trung Quốc nói chung và hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” nói riêng. Theo đó, ngoại giao Trung Quốc những năm qua được đánh giá đã thu hái thành công trên một số khía cạnh: (1) Tập trung xây dựng khắc họa hình ảnh nước lớn trong cộng đồng quốc tế; (2) Góp phần định hình một trật tự thế giới mới theo ý tưởng của Trung Quốc:; (3) Đưa sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”; (4) Góp phần tạo dựng hình ảnh lãnh tụ tối cao… Tuy nhiên, các nhà bình luận quốc tế cho rằng, đi cùng thành công lại là những thất bại thê thảm mà ngành Ngoại giao Trung Quốc đang vấp phải.

Một là, ngoại giao bẫy nợ: BRI được các nhà bình luận nhận định là biểu tượng của chính sách đối ngoại “chủ động và tự tin” của Trung Quốc. BRI gây ấn tượng mạnh với tầm nhìn về quy mô và tầm vóc của nó. Ngày 29/3/2019, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì cho biết, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã truyền đi niềm tin, mở ra hướng đi mới cho hợp tác quốc tế trong việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; khai thác động lực mới và mở ra không gian mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới; tạo ra một diễn đàn và cơ hội mới để phát triển quan hệ với các nước.

Như vậy, với những nỗ lực của ngoại giao cùng sự hỗ trợ rầm rộ của giới truyền thông “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã lan tỏa nhanh chóng đến mọi ngõ ngách của cả 5 châu lục. Mặc dù mới được công bố (2013), nhưng hiện đã có gần 130 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế ký kết văn bản hợp tác với Trung Quốc và BRI trở thành chính sách đối ngoại “đặc sản” của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”.

Tuy nhiên, với góc nhìn của phương Tây, thông qua BRI, Trung Quốc khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ, sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Hành động của Trung Quốc tại Sri Lanka, Pakistan, Malaysia… gây nên các cuộc tranh cãi về bẫy nợ. Lập luận về bẫy nợ càng trở nên tin cậy hơn sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ các dự án BRI với tổng trị giá lên đến 23 tỷ USD và cảnh báo rằng, nhiều nước có nguy cơ trở thành con mồi của “chủ nghĩa thực dân phiên bản mới”. Bởi vậy, nhiều nhà quan sát mô tả BRI là một mánh khóe địa chính trị của Trung Quốc nhằm thống trị thế giới, hay là biểu hiện của “trật tự thế giới lợi ích” hoặc “kinh tế trục lợi” theo như cách nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Hai là, ngoại giao cơ hội: Sự phát triển của đại dịch COVID-19 đầu năm 2020 đã đặt Trung Quốc vào tâm điểm chú ý. Cùng với cuộc khủng hoảng y tế trong nước là cuộc khủng hoảng hình ảnh trên trường quốc tế. Nhiều nghi ngờ về số ca nhiễm bệnh và tử vong hàng ngày, sự thiếu minh bạch trong việc điều tra về nguồn gốc virus, việc cố tình trì hoãn tuyên bố sự lây lan virus từ người sang người, tiếp đến là việc gây sức ép lên Tổ chức y tế thế giới (WHO) để trì hoãn việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, đã làm dấy lên nhiều chỉ trích và ngờ vực. Trong bối cảnh đó, một số nhà ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh và trên khắp thế giới, đã lớn tiếng bảo vệ luận điệu chính thức của họ.

Ba là, ngoại giao “chiến lang”: Trong bối cảnh cần tìm đồng minh để thực hiện giấc mộng, nhưng những bình luận của các “chiến lang” – như 2 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên và Hoa Xuân Oánh lại luôn tỏ thái độ hung hăng, hiếu chiến – bị chế giễu cả bên trong cũng như ngoài nước trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Đến mức những bình luận mang tính “chiến đấu” và hung hăng này chỉ khiến Bắc Kinh càng bị cô lập hơn là giúp Trung Quốc tìm được những đồng minh thực sự. Chính sách ngoại giao này đã không thể cải thiện hình ảnh của chế độ, cũng như không giúp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trở thành một chế độ đáng mơ ước.

Trước làn sóng chỉ trích quốc tế, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ hiếu chiến, tố cáo các chính trị gia và “các phương tiện truyền thông phương Tây chống Trung Quốc” trên các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội phương Tây. Động thái phản công này nhằm bác bỏ những chỉ trích chống lại Trung Quốc, và xoay chuyển thành những chỉ trích chống lại các cường quốc nước ngoài. Từ tháng 4/2020, kiểu truyền thông hung hăng này được báo giới gọi là “ngoại giao chiến lang”.

Trong khi Trung Quốc không hài lòng về “những định kiến thù địch”, thì nghịch lý là một chính sách ngoại giao, trong cuộc “thập tự chinh” chống lại cái mà họ coi là một chiến dịch bóp méo thông tin nhằm làm tổn hại Trung Quốc, đã góp phần làm trầm trọng thêm tâm lý ngờ vực. Cách hành xử ngoại giao mới này là kết quả của những sáng kiến cá nhân của các nhà ngoại giao nhiệt thành, hay là kết quả của một chiến lược của chính quyền Trung ương? Giới bình luận đặt câu hỏi, đâu là những hệ quả của nó đối với quan hệ quốc tế và hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới?

Bốn là, Ngoại giao Trung Quốc cần một nguồn lực lớn với chất lượng cao, nhưng vẫn không có khả năng đào tạo ra những nhà ngoại giao có kiến thức tốt về quan hệ quốc tế, có kỹ năng phân tích chính sách đối ngoại. Đặc biệt, sự khập khễnh và trùng giẫm giữa vị trí, vai trò của Bộ trưởng Ngoại giao với Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cùng sự lạc điệu trong một số vấn đề quốc tế khiến phương Tây cho rằng ngoại giao Trung Quốc hiện đang “chạy theo” xử lý sự vụ.

3. Hệ lụy từ chính sách “ngoại giao nước lớn” của Trung Quốc

Trung Quốc đã tự bỏ lỡ hoặc bị gạt ra bên ngoài, ngoại giao Trung Quốc đứng trước nguy cơ “chầu rìa” trước những sự kiện quốc tế quan trọng

Ngày 12/3/2021, lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã hội đàm trực tuyến (Bộ tứ), trong khi Trung Quốc không được tham gia, bị gạt ra ngoài lề trong một loạt thỏa thuận hợp tác chặt chẽ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cũng như vậy, được tổ chức vào ngày 11/6/2021, ngoài lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy và Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh G7 còn mời nguyên thủ các nước Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi, cũng như lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Trung Quốc đã bị loại khỏi một loạt vấn đề quốc tế trên phạm vi lớn hơn. Tiếp theo, ngày 29/6/2021, Hội nghị Ngoại trưởng G20 được tổ chức tại Italy, ngoại trưởng các nước cùng thảo luận các vấn đề như làm thế nào để hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và chống biến đổi khí hậu… Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ tham dự bằng hình thức trực tuyến, điều này đã dấy lên tình thế khó khăn về ngoại giao của Trung Quốc.

Gần đây, G20 được tổ chức vào ngày 30/10/2021 là hội nghị Thượng đỉnh lớn có sự tham gia của nhiều quốc gia hơn. Trong số các nước G20, có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada thuộc Nhóm G7, còn có 5 nước BRICs là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng như 7 nền kinh tế quan trọng khác là Australia, Hàn Quốc, Mexico, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Indonesia và EU; theo thông lệ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB)… cũng tham dự.

Sự kiện quan trọng như vậy chắc chắn sẽ triển khai nhiều vấn đề hợp tác quốc tế, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ cơ hội quan trọng này chẳng khác nào tự nới rộng khoảng cách với thế giới, điều này không phù hợp với lợi ích của dân tộc Trung Hoa, cũng không phù hợp với mong muốn của người dân Trung Quốc. Khó có thể tự biện minh cho mình về ngoại giao khi Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không những không tham dự Hội nghị G20, mà còn không tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về khí hậu (COP26) được tổ chức sau đó ở Anh. Ngày 29/10/2021, Tập Cận Bình điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm đưa ra lời giải thích. Tuyên bố của Chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng đã “công nhận” những cam kết mới nhất về khí hậu của Trung Quốc. Có thể thấy, Anh không thực sự tin Trung Quốc sẽ thực hiện những cam kết của mình. Tuyên bố của Anh còn cho biết “đã thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế rộng rãi hơn, bao gồm cả tình hình Afghanistan”; Thủ tướng Anh cũng bày tỏ mối quan ngại về sự xói mòn dân chủ ở Hong Kong và nhân quyền ở Tân Cương”; hai bên đều nhận thức được rằng quan hệ song phương đang tồn tại bất đồng và khó khăn. Có thể tưởng tượng lãnh đạo Trung Quốc sẽ khó xử thế nào nếu gặp gỡ lãnh đạo các nước. Tuyên bố của Trung Quốc một lần nữa bỏ qua nội dung an ninh và nhân quyền, nhưng Tập Cận Bình cũng thừa nhận việc xử lý ổn thỏa các bất đồng là điều quan trọng nhất.

Các nhà bình luận cho rằng, Trung Quốc sẽ không tiết lộ nguyên nhân thực sự khiến nhà lãnh đạo nước này vắng mặt tại Hội nghị G20. Tuy nhiên, Trung Quốc đang rời xa thế giới, các lợi ích quốc tế của Trung Quốc cũng đang bị tổn hại nghiêm trọng và ngày càng có nhiều người Trung Quốc bắt đầu cảm nhận được những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày và môi trường xung quanh. Tim Cook Giám đốc điều hành của Apple nói rằng: “Lựa chọn của bạn là: Bạn có muốn tham gia hay không? Hay bạn muốn đứng sang một bên, kêu gọi vấn đề nên như thế nào mới chính xác? Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Bạn nên hiện thân, nên tham gia. Bạn nên bước vào đấu trường, bởi vì đứng bên lề thì không thể thay đổi được việc gì”.

Bị cô lập khi đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế: Không chỉ tự bỏ lỡ hoặc bị gạt ra bên ngoài trước những hoạt động quốc tế quan trọng, Trung Quốc còn đứng trước nguy cơ bị cô lập, tẩy chay khi đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế.

Sau những dấu hiệu cho thấy Mỹ và một số nước có thể sẽ không cử các quan chức tới dự Thế vận hội mùa Đông 2022 được tổ chức ở Bắc Kinh, ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện lập trường khá cứng rắn, đòi ăn miếng, trả miếng khi tuyên bố: Mời ai là quyền của Trung Quốc và Trung Quốc đã mời đâu để Mỹ từ chối. Hệ lụy là, sau Mỹ (06.12.2021), các nước khác như Australia, Anh, Canada đã đồng loạt tiến hành tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông 2022. Mặc dù tẩy chay ngoại giao không ảnh hưởng đến việc tham gia tranh tài của các vận động viên, nhưng sẽ để lại những vết đen trong lịch sử quan hệ của Trung Quốc với các nước. Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Nicola Behr lên tiếng kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên theo gương Mỹ thực hiện một cuộc tẩy chay toàn diện Olimpic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Bà N.Behr nói: “Cả Mỹ và EU đều không muốn im lặng xem màn dàn dựng tuyên truyền của Bắc Kinh tại Olimpic mùa Đông, trong khi ở đằng sau hậu trường, bộ máy Trung Quốc công khai vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Đẩy Mỹ, EU và đồng minh của Mỹ đứng về phía Đài Loan

Hơn 70 năm qua, eo biển Đài Loan chưa bao giờ lặng sóng. Tuy nhiên, với chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc hiện đang đưa khu vực này trở thành nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất. Không những thế, chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong hiện tại dường như đã trở nên “lợi bất cập hại” khi cả Mỹ, phương Tây và những đồng minh thân cận của Mỹ như: Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… công khai ủng hộ, đứng về phía Đài Loan. Có lẽ cả những người dày dạn kinh nghiệm nhất trong giới ngoại giao của Trung Quốc chắc không thể lường hết được những tình huống như đang diễn ra trong hiện thực.

Ngoại giao là hình ảnh, là bộ mặt và hiệu quả của hoạt động ngoại giao là hàn thử biểu đo lường uy tín của một quốc gia trên trường quốc tế. Nếu xét theo các phương diện đó, ngoại giao Trung Quốc hiện đang trong trạng thái “hung hăng trong buồn chán và cô độc”. Ngày 09/12/2021, trước nguy cơ bị tẩy chay, Thế vận hội mùa Đông ngày càng lan rộng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản ứng đầy tuyệt vọng: “Việc Mỹ, Australia, Anh và Canada lợi dụng sân chơi Thế vận hội để thao túng chính trị là hành động đáng lên án và tự cô lập, họ chắc chắn sẽ phải trả giá cho hành động sai trái của mình”. /.

————————

Chú thích:

(1)Từ năm 1840, quân đội các nước Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Italia, Áo đã hơn 470 lần xâm chiếm vùng duyên hải Trung Quốc, ép Trung Quốc ký hơn 50 hiệp ước bất bình đẳng.

Theo HVCTCAND.EDU.VN

Tags: ,