Gian lận thi cử và ảo vọng ‘con vua thì lại làm vua’

Người lớn có trách nhiệm gì và cần phải làm gì tiếp theo thì đã rõ ràng. Câu hỏi phức tạp hơn xoay quanh trách nhiệm của người trẻ trong bê bối điểm thi. Nếu nhân đạo với những học sinh “mua điểm”, thì ai sẽ nhân đạo với những thí sinh bị mất đi cơ hội mà đáng lẽ được hưởng?

Bài viết của bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV, hiện là Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Phú Yên. Liên tiếp trong những kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà đã có những phát biểu, tranh luận thẳng thắn, trực diện trên nghị trường về 2 vấn đề liên quan đến giáo dục và trẻ em.

Niềm tin vào giáo dục của người dân đang bị bào mòn sau những vụ việc tiêu cực của ngành này liên tiếp xảy trong một thời gian ngắn.

Tháng 7/2018, sau kỳ thi THPT Quốc gia gần một tháng và chỉ 1-2 ngày sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, việc gian lận, nâng điểm trong kỳ thi đã nhanh chóng được phát hiện.

Gần một năm sau khi khởi tố vụ án và bắt tạm giam những người có liên quan, thời điểm mà kỳ thi THPT cấp Quốc gia năm 2019 cũng sắp đến cận kề, cơ quan chức năng mới bắt đầu hé mở những thông tin về kết quả điều tra. Những kết quả điều tra ban đầu được thông tin trên báo chí với sự thận trọng, chừng mực và hết sức dè dặt liên quan đến đối tượng tham gia “mua điểm”.

Đây là thời điểm mà cả người lớn lẫn người trẻ đều cần dũng cảm soi rọi lại chính mình. Điều đó là vô cùng cần thiết giữa cơn khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện nay.

Khủng hoảng niềm tin về công tác giáo dục, về cơ quan công quyền, về đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức, những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực thi bảo vệ pháp luật và cải cách giáo dục. Và cả khủng hoảng niềm tin vào thế hệ trẻ, rường cột tương lai của nước nhà với trí tuệ, sức bật, giỏi giang, độc lập, không dựa dẫm, ỷ lại.

NGƯỜI LỚN CẦN SỬA SAI TRƯỚC KHI HÔ HÀO CẢI CÁCH

Người lớn có trách nhiệm gì và cần phải làm gì tiếp theo thì đã rõ ràng.

Kỳ họp 7 của Quốc hội sắp đến gần, kỳ thi THPT quốc gia cũng đã cận kề. Ngoài nội dung chương trình kỳ họp lần này, Quốc hội và các đại biểu cần dành nhiều thời gian để tham gia cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi; để nghiên cứu, lắng nghe các báo cáo của Bộ GD&ĐT, thảo luận, bàn sâu về thực trạng và giải pháp để tháo gỡ những hạn chế yếu kém mà ngành giáo dục đang phải đối mặt.

Muốn vậy, Bộ GD&ĐT cần phải có một báo cáo giải trình riêng về nội dung liên quan đến gian lận thi cử trước Quốc hội. Trong đó nêu rõ quan điểm, phản ánh đầy đủ, trung thực các vụ việc đã xảy ra. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương và của ngành trong các vụ bê bối đã xảy ra vừa qua.

Ngành giáo dục cần xem đó là sự dũng cảm soi rọi vào chính mình, nhìn thẳng sự thật, chấp nhận sự thật và giải quyết những yếu kém ấy trước khi bàn luận chuyên sâu về vấn đề cải cách.

Hãy nhìn phản ứng của dư luận xã hội và cảm xúc của người dân những ngày qua, làm sao có thể không công khai danh tính của các thí sinh vì lý do nhân văn? Nếu nhân đạo với những học sinh này, thì ai sẽ nhân đạo với những thí sinh bị mất đi cơ hội mà đáng lẽ được hưởng?

Việc công khai này không hề xóa đi cơ hội của các em, mà nó giúp các em trở lại là chính mình, học lại từ đầu bằng bài học về thái độ, cách ứng xử, tư duy độc lập trong cuộc sống, không phụ thuộc, ỷ lại, cậy nhờ.

Tháng 10/2018, Bộ GD&ĐT Hàn Quốc yêu cầu hủy thư mời nhập học và kết quả tốt nghiệp của hai sao Hàn vì gian lận điểm số. Đến tháng 1/2019, có thêm 7 sao K-Pop bị hủy bằng đại học.

Ở một đất nước mà kỳ thi đại học nghiêm túc và gắt gao nhất thế giới, sự việc này khó có thể chấp nhận. Không chỉ có các sinh viên – vốn là người nổi tiếng – phải chịu hậu quả, các giáo sư và giảng viên liên quan cũng phải nhận hình phạt.

Một số nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi, nói rằng “không cố tình gian lận” hoặc “vô tình gian lận”. Còn cư dân mạng Hàn Quốc lên án kịch liệt và kêu gọi tẩy chay các nghệ sĩ này; một số cho rằng tước bằng đại học chưa đủ để trả giá cho sự lừa dối của các nghệ sĩ với bạn học và với người hâm mộ.

NGƯỜI TRẺ TRẢ LẠI NHỮNG ĐẶC QUYỀN KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH

Câu hỏi phức tạp hơn xoay quanh trách nhiệm của người trẻ trong bê bối điểm thi.

Trong danh sách thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi THPT năm 2018 ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, có không ít con cháu các vị lãnh đạo trong tỉnh, ở các sở, ngành hoặc là con cháu của những cán bộ trực tiếp thực hiện các khâu trọng yếu trong kỳ thi. Số còn lại là con của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, giàu có ở địa phương.

Những thí sinh đứng đầu bảng mới ngày nào còn rạng rỡ trong lễ vinh danh khen thưởng các thí sinh đạt thủ khoa, á khoa đầu vào đại học, mới ngày nào còn tự hào chia sẻ bí quyết học tập với bạn bè, bỗng một ngày có tên trong danh sách minh chứng cho sức mạnh của tiền – quyền.

Có thể trong số ấy, một vài em sẽ ngơ ngác tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, bởi thực tế có những thí sinh học lực khá tốt nhưng vì sĩ diện của cha mẹ mà một vài điểm đã được nâng cho các em như một món trang sức đánh bóng hão huyền.

Một vài em, có lẽ đã biết trước kết cục khi vụ án bị khởi tố nhưng không đủ can đảm đối diện ngay sự thật, chỉ đến khi cái tên cha mẹ đặt cho nổi sáng trên truyền thông và mạng xã hội, còn tương lai cha mẹ đặt cho đã tối đen sắp chìm thì mới nghĩ đến việc dừng lại. Những trường hợp này, dẫu muộn, vẫn có thể được cảm thông, chia sẻ.

Nhưng cũng trong số ấy, lại có những em biết rõ mình không đủ năng lực, biết rõ xuất phát điểm của mình là do gian dối mà vẫn nuôi ảo vọng “con vua thì lại làm vua”. Họ nhẫn tâm đặt niềm tin vào sự che chắn, bao trùm của cái bóng tiền – quyền đầy dối trá.

Một thí sinh được nâng hàng chục điểm trở thành thủ khoa của một trường sư phạm được vinh danh rạng rỡ, vẫn tự hào chia sẻ bí quyết học tài thi tốt, vẫn bày tỏ nỗi tâm tư trăn trở trước sự cố gian lận điểm thi ở địa phương như thể mình vô can, thì chỉ có khả năng che giấu đến thượng thừa mới làm được mà thôi.

Dẫu biết trước khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, những thí sinh cũng chỉ là nạn nhân của căn bệnh thành tích và sính bằng cấp. Nhưng những ai có tên trong danh sách sai phạm này, vô tình hay cố ý, cũng cần xác định mình phải chịu trách nhiệm.

Thí sinh tham dự kỳ thi đều ở độ tuổi trưởng thành, có đủ năng lực, hành vi nhận biết nên các em hoàn toàn biết khả năng và kết quả bài mình làm đến đâu. Nhưng nếu vẫn tỏ ra tự hào với danh hiệu trong khi điểm thực của mình lại quá thấp, điều đó chỉ cho thấy chính các em cũng gian dối và là đồng phạm với những hành vi gian dối trong thi cử.

Có lẽ điều xã hội đang trông chờ lúc này là những thí sinh có tên trong danh sách sai phạm hãy dũng cảm từ chối những đặc quyền vốn chẳng thuộc về mình. Bằng tốt nghiệp của một trường đại học danh giá sẽ chẳng có giá trị gì nếu đó là sản phẩm từ sự lừa dối ngay từ xuất phát điểm, càng không thể sánh với quá trình tiếp thu, rèn luyện tri thức trong hành trình làm người.

Giáo dục mang tính nhân văn mà dùng quyền và tiền cướp đi cơ hội của bao người xứng đáng, lại tỏ vẻ vô can, thì chẳng còn gì để nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,