Giải mã thông điệp của Tập Cận Bình về một cuộc chiến tranh với Mỹ

Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết liệt liên quan đến vấn đề Đài Loan. Điều đó đã khiến các nhà phân tích chiến lược của Mỹ tăng cường chú ý đến các tuyên bố từ phía Bắc Kinh và đôi khi biến sự chú ý đó thành các cuộc tranh luận sôi nổi.

Giải mã thông điệp của Tập Cận Bình về một cuộc chiến tranh với Mỹ

Tác giả:

– John Culver là cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) với hàng chục năm kinh nghiệm với tư cách là nhà phân tích hàng đầu về các vấn đề Đông Á, bao gồm an ninh, kinh tế và chính sách đối ngoại.
– John Pomfret là cựu Giám đốc Văn phòng Bắc Kinh của The Washington Post, là tác giả của: The Beautiful Country and the Middle Kingdom: America and China, 1776 to the Present .
– Matt Pottinger là cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ (2019 – 2021).

Biên dịch: Nguyên Nguyễn.

Các cuộc tranh luận của giới chuyên gia Mỹ đang cho thấy cách hiểu của họ về tính toán của Bắc Kinh, đứng đầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình như thế nào?

Khởi nguồn của cuộc tranh luận

Bài viết gần đây của John Pomfret và Matt Pottinger (“Tập Cận Bình nói rằng ông đang chuẩn bị cho chiến tranh,” ngày 29/3 trên Foreign Affairs) đáng được chú ý vì nhấn mạnh về nguy cơ chiến tranh gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Mối quan hệ giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất và lực lượng quân đội mạnh nhất trên thế giới, đang căng thẳng đến mức các chuyên gia cũng gặp nhiều khó khăn khi cố so sánh trong điều kiện thiếu những xung đột thực tế. Mỗi bên đều đang chuẩn bị cho sự cạnh tranh chiến lược, tăng cường lực lượng quân sự cùng với đó là tìm kiếm các đối tác cho cuộc cạnh tranh kinh tế, ngoại giao, quân sự trong tương lai. Tuy nhiên, những yếu tố thúc đẩy hiện nay đã tồn tại từ lâu và ngày càng có tính cấu trúc, không phải chỉ là kết quả từ một số bài diễn thuyết của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện kể từ tháng 2, mà Pomfret và Pottinger tập trung đề cập trong bài viết của họ. Trên thực tế, sẽ là một điều lạ lùng nếu những quyết định của ông Tập lại không phản ánh hiện thực này.

Như tác giả nhận xét, “Hiện vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn ý nghĩa của những diễn biến này. Xung đột không chắc chắn hay sắp xảy ra.” Nhưng bài viết có thể để lại ấn tượng cho nhiều độc giả rằng ông Tập đã quyết định sẵn sàng cho chiến tranh; ông tự tin rằng quân đội của mình, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đã sẵn sàng chiến đấu và sẽ chiến thắng trong cuộc chiến đó; người dân cùng với nền kinh tế của nước ông đã sẵn sàng cho nhiều năm chiến tranh, bất chấp thiệt hại về con người, hạ tầng kỹ thuật, họ sẵn sàng chịu sự tấn công mạng hoặc thiếu hụt tài nguyên.

Tính nhạy cảm trong ngôn từ của Tập Cận Bình: Chiến đấu hay đấu tranh?

Pomfret và Pottinger viết rằng ông Tập đã nói với các tướng lĩnh của mình bằng cụm từ “dám đánh”. Cụm từ này rõ ràng là một phần của một chỉ thị tổng thể khi khai mạc Quốc hội Trung Quốc vào ngày 6/3, không chỉ dành cho Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) mà thôi. (Hơn nữa, theo các chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc mà tác giả đã tham khảo, một cách dịch phổ biến hơn của cụm từ “敢于斗争” là “dám chiến đấu”; ký tự được sử dụng để chỉ “chiến đấu” không phải là ký tự thông thường được sử dụng để đề cập đến xung đột quân sự, 战斗.) Ông Tập đã sử dụng ngôn ngữ quân sự trong các bài diễn thuyết tại các cuộc họp lãnh đạo quân đội từ ít nhất năm 2012. Cụm từ quan trọng thường được dịch là “có thể đánh và chiến thắng trong trận chiến là chìa khóa để trở thành một quân đội mạnh” – với ý ngụ không được đề cập rõ ràng rằng “hiện tại, PLA không phải là một quân đội mạnh và không thể.” Những tương tác của ông Tập với quân đội từ khi ông tiếp quản lãnh đạo vào năm 2012 không được bàn đến trong cuộc thảo luận của Pomfret và Pottinger. Ông đã bắt giam hai sĩ quan cao cấp nhất, truy tố hàng ngàn sĩ quan vì tham nhũng dẫn tới việc đẩy PLA vào một quá trình tái tổ chức đau đớn mà hiện vẫn còn đang tiếp diễn. Có thể suy đoán rằng ông Tập vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào quân đội, mà chưa từng tham gia vào một cuộc xung đột lớn kể từ năm 1979, do đó ông vẫn nghi ngờ rằng PLA có thể “chiến đấu và chiến thắng” trước một đối thủ với tiềm lực quân sự mạnh.

Điều quan trọng hơn hướng dẫn của ông Tập đối với quân đội là, như Dennis Blasko đã viết, “những đánh giá tổng quát của PLA về tiềm lực càng sắc bén hơn trong thời gian ông làm Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, đặc biệt là đối với tình trạng lãnh đạo tại cấp đơn vị hoạt động. Tổng thể của những chỉ trích này cho thấy sự thiếu tự tin trong khả năng của PLA cùng với đó là sự thất bại của hệ thống giáo dục, đào tạo của PLA trong việc chuẩn bị cho các chỉ huy và sĩ quan tham mưu cho chiến tranh trong tương lai.”

Pomfret và Pottinger cũng lưu ý rằng chính phủ của ông Tập đã “thông báo về mức tăng 7,2% trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.” Thật sự, PLA đã xây dựng một lực lượng quân sự hiện đại, mạnh mẽ về trang thiết bị, cơ sở công nghiệp quốc phòng, theo một số chỉ số, PLA hiện đã có lực lượng hải quân lớn nhất hoặc thứ hai trên thế giới. Nhưng điều này đã diễn ra trong vòng 20 năm, và mức tăng ngân sách quốc phòng hàng năm trung bình gần 15% trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, con số này tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Kể từ năm 2009, tăng trưởng thực tế trong ngân sách PLA đã giảm một nửa khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Tài nguyên có sẵn cho quân đội dưới dạng tỷ lệ với GDP của Trung Quốc đã ổn định kể từ những năm 1990, và ngân sách PLA đã giảm dần theo tỷ lệ với tổng chi tiêu của chính phủ trung ương. Chi phí của Trung Quốc cho cảnh sát và các dịch vụ an ninh khác lớn hơn chi phí quân sự. Điều này không phủ nhận mối đe dọa từ PLA, nhưng sự tăng cường năng lực này đã trải qua một quá trình lâu dài, không phải quá trình chuẩn bị gấp rút cho chiến tranh.

Pomfret và Pottinger mô tả các luật được thông qua hoặc đề xuất gần đây về việc quản lý công việc quân sự cùng với việc triển khai quân đội, bao gồm quy định về lực lượng dự bị, quản lý luật hình sự bởi quân đội trong thời chiến. Họ trích dẫn việc mở các trung tâm tuyển mộ và  huấn luyện quân đội mới, bao gồm các trung tâm tại các thành phố trên bờ biển phía đông của Trung Quốc đối diện với Đài Loan. Nhưng họ bỏ qua đề cập đến ít nhất tám đạo luật đã được ban hành từ năm 1997 về quyền, trách nhiệm quân đội, nghĩa vụ quân sự, quan hệ giữa quân-dân. Nhiều luật này được thiết kế nhằm cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc tiến hành chiến tranh kéo dài hoặc đối phó với các thách thức lớn khác. Nhưng chúng không có vẻ như đang báo hiệu về một quyết định để tiến tới chiến tranh trong tương lai gần (điều này có thể thấy rõ trong nhiều động thái hướng đến việc triển khai quân đội mà tác giả đã trình bày trong một bài viết gần đây cho Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie)

Pomfret và Pottinger đúng khi nhận thấy những lời tổng kết quyết liệt của ông Tập vào tháng 3 tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhắm vào Mỹ: “Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện sự kìm hãm từ tất cả các hướng, vây hãm và đàn áp chúng ta, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có cho sự phát triển của đất nước chúng ta.” Nhưng họ không đề cập đến lý do có thể dẫn tới việc ông Tập “phá vỡ thói quen” không nhắc tới Mỹ như là đối thủ: cách đó một tháng, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến ông Tập hai lần và cảnh báo rằng “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh (chống lại Trung Quốc) sẽ đoàn kết tất cả chúng ta.” Biden kết thúc bằng việc hỏi: “Hãy chỉ cho tôi một nhà lãnh đạo thế giới nào sẵn sàng đổi chỗ với Tập Cận Bình? Hãy chỉ cho tôi một người. Hãy chỉ cho tôi một người” – một lời châm biếm cá nhân mà ông Tập không chọn trả lời.

Tùy thuộc vào động thái của hai bên

Tôi (John Culver) đồng ý với cảnh báo của Pomfret và Pottinger rằng chúng ta nên coi trọng lời nói của ông Tập khi nhắc đến Đài Loan cùng với khả năng xảy ra chiến tranh với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa quyết định bắt đầu cho chiến tranh và vấn đề Đài Loan vẫn là một cuộc khủng hoảng mà ông Tập cần tránh.

Ông Tập cùng với các quan chức Trung Quốc khác chắc chắn đang nghiêm túc đối mặt với Biden bên cạnh những tiếng nói còn cực đoan hơn tới từ Mỹ. Người phụ trách các vấn đề về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ, Ely Ratner, đã phát biểu trước Thượng viện vào tháng 12/2021: “Ngoài việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, Bộ Quốc phòng cam kết duy trì khả năng hiện diện của Mỹ để chống lại việc sử dụng bạo lực hoặc các hình thức ép buộc khác có thể đe dọa an ninh cho người dân Đài Loan. Đây là một ưu tiên tuyệt đối: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là thách thức hàng đầu của Bộ Quốc Phòng và vấn đề Đài Loan được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đang nâng cấp khả năng, cùng với sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ và triển khai các hoạt động cần thiết”.

Phát ngôn này cũng ngắn gọn như bất cứ điều gì được trích dẫn bởi Pomfret và Pottinger từ Bắc Kinh trong những tháng gần đây.

Nếu Đài Loan hoặc Mỹ bỏ qua các giới hạn đỏ của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tiến hành hoạt động đe dọa quân sự để buộc phải trở lại tình trạng căng thẳng hiện tại hoặc, nếu không thành công, sẽ áp dụng hoạt động vũ lực để sát nhập Đài Loan về đại lục. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên coi trọng rất nghiêm túc nguy cơ đó, nhưng điều này đã đúng trong nhiều thập kỷ và sẽ vẫn còn đúng trong tương lai đã được dự đoán được. Ngày nay, Trung Quốc, Đài Loan cùng với Mỹ trở nên gần hơn với các cuộc xung đột vũ trang, điều này dễ xảy ra hơn bất kỳ lúc nào kể từ những năm 1970. Sự chuẩn bị của PLA có thể làm cho Bắc Kinh dễ dàng triển khai các hoạt động quân sự mạnh tay hơn, có thể vào năm 2027 hoặc sau đó. Nhưng việc để xảy ra chiến tranh với Mỹ vì Đài Loan vẫn rất nguy hiểm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và cho Trung Quốc – một bước mà ông Tập chỉ sẽ thực hiện khi không còn các lựa chọn khác.

Phản hồi của John Pomfret và Matt Pottinger: liệu chiến tranh có thể xảy ra?

Chúng tôi (Pomfret và Pottinger) thực sự quan tâm tới phản hồi của cựu phân tích tình báo John Culver đối với bài viết của chúng tôi “Tập Cận Bình nói rằng ông đang chuẩn bị cho Trung Quốc tham chiến: Thế giới nên nhìn nhận lời nói của ông ấy một cách nghiêm túc”.

Culver chỉ ra rằng khả năng chiến đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ là kết quả của một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ bắt đầu trước sự thăng tiến của Tập Cận Bình. Điều này là đúng.

Culver viết rằng các nhân tố thúc đẩy mâu thuẫn chiến lược giữa Mỹ – Trung Quốc “hiện nay đã tồn tại lâu đời và ngày càng có tính cấu trúc.” Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Culver phê phán với việc phiên dịch chính thức thông thường của Bắc Kinh cho cụm từ 敢于斗争 như “dám chiến đấu.” Ở đây, chúng tôi cũng đồng ý với Culver rằng một bản dịch tốt hơn sẽ là “dám đấu tranh” – mặc dù ý nghĩa của từ đấu tranh thường bao gồm bạo lực và chiến tranh, bao gồm cả trong ngữ cảnh mà chúng tôi trích dẫn trong bài viết của chúng tôi.

Điểm chính của Culver là mặc dù Bắc Kinh đã xây dựng – và vẫn đang tiếp tục xây dựng – một cỗ máy chiến tranh đáng sợ, mặc dù ông Tập đã có các bài phát biểu gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho chiến tranh, đồng thời đưa ra những đạo luật hỗ trợ cho các hoạt động trong thời chiến, nhưng điều này không có nghĩa là ông Tập đã đã đưa ra quyết định đi tới chiến tranh trong tương lai gần. Khó có thể bàn cãi với điểm này, cũng như chúng tôi đã viết (như Culver lưu ý) rằng “vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn những phát triển này có ý nghĩa gì. Xung đột không chắc chắn hoặc chưa cần thiết.”

Tuy nhiên từ góc nhìn chính sách, chúng tôi nghĩ rằng sẽ là thông minh nếu Đài Bắc, Tokyo, Washington và các thủ đô khác đưa ra giả định rằng có khả năng nghiêm trọng ông Tập sẽ quyết định tiến hành chiến tranh trong thời kỳ lãnh đạo của mình. Những kẻ độc tài đôi khi thực hiện hành động xâm lược ngay khi những người ngoài quan sát nghĩ rằng họ không thể hoặc sẽ không làm như vậy. Hãy nhìn vào cuộc chiến xảy ra tại Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ra, người mà ông Tập gọi là “người bạn thân nhất, tốt nhất” của mình. Putin đã phá hủy một phần lớn quân đội của mình và biến Nga phụ thuộc ảo vào Trung Quốc, như một số người đã dự đoán có thể xảy ra nếu ông tiến hành một cuộc chiến tranh lớn ở Ukraine. Tuy nhiên, ông đã làm điều đó.

Trước sự thất bại chung của châu Âu và Mỹ trong việc ngăn chặn cuộc chiến của Putin, Washington cùng các đồng minh của họ nên nhanh chóng tăng cường khả năng ngăn chặn chiến tranh ở phía Tây Thái Bình Dương để khiến ông Tập phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi tiến hành hành động phiêu lưu đối với Đài Loan hoặc bất kỳ bên nào khác. Đây là điểm mà chúng tôi có thể có khác biệt mạnh mẽ với quan điểm của Culver. Trong bài viết của mình, Culver trích dẫn một quan chức của chính quyền Biden khẳng định rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã ưu tiên duy trì khả năng của Washington để chống lại mọi cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc hoặc các hình thức khủng bố khác đối với Đài Loan. Tuyên bố này, mà chúng tôi cho là có trách nhiệm và phù hợp với nhiều thập kỷ chính sách của Mỹ, có vẻ bị Culver coi là một hành động gây xúc phạm cao – “ít nhất cũng sắc bén như bất cứ điều gì được trích dẫn bởi Pomfret và Pottinger xuất phát từ Bắc Kinh trong những tháng gần đây.” Đó là một tuyên bố đáng chú ý, xét đến việc chúng tôi trích dẫn một đề xuất ở Bắc Kinh bởi một đại biểu tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc đề nghị ám sát phó chủ tịch Đài Loan và các quan chức đắc cử khác vì “chủ nghĩa độc lập” của họ.

Culver cũng chỉ trích Biden vì đã nhắc đích danh Tập Cận Bình trong bài phát biểu “Thông điệp Liên bang” gần đây nhất của ông. Nhưng Culver có thể nhầm lẫn giữa Washington – là kẻ khiêu khích và Bắc Kinh – là người bảo vệ nguyên trạng ở eo biển Đài Loan, mặc dù cam kết lâu dài của Washington trong việc bảo vệ tình trạng ổn định lâu dài tại Đài Loan và những nỗ lực gần đây của Tập Cận Bình nhằm phá hoại nó, cần làm rõ rằng điều ngược lại mới là đúng.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , ,