Giải mã sức mạnh vô địch của tượng binh triều đại Tây Sơn

Tượng binh Tây Sơn đã có một vai trò cực kỳ to lớn mà trước đó chưa từng có và sau này thì cũng không thể có được.

Giải mã sức mạnh vô địch của tượng binh Tây Sơn

Trong lịch sử chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, không thể không nhắc tới vị anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ. Quân đội Tây Sơn do ông thống lĩnh đã làm kinh hồn bạt vía bao kẻ thù bởi sự thần tốc, bất ngờ, sức mạnh như bão táp. Trong đội quân này, lực lượng tượng binh (voi chiến) giữ một vai trò quan trọng. Binh chủng đặc biệt này đã góp công đầu cho nhiều chiến thắng mà đỉnh cao là lần đại phá 19 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Tượng binh Tây Sơn có một sự phát triển vượt bậc về nhiều so với các đội voi chiến trước đó.

Thời kỳ đầu khởi nghĩa, trong đội quân áo vải cờ đào chỉ có một số lượng rất hạn chế các thớt voi do các thủ lĩnh miền núi đem về. Sau đó, nhờ tích cực săn tìm, huấn luyện voi rừng mà đội voi lên được vài chục con. Như Tập san sử địa số 13 (TSSĐ_13) có ghi: “Voi có nhiều ở Cao Nguyên Trung Phần. Tây Sơn cũng như Nguyễn Huệ ở gần đất có voi, nên việc lập tượng binh rất dễ dàng. Cùng với sự phát triển của nghĩa quân qua các trận đánh, Tây Sơn thu được thêm nhiều voi chiến từ các nhà Nguyễn, Trịnh, vốn đều có rất nhiều thớt voi. Thời Trịnh Nguyễn phân ranh, Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía nam, gồm các vùng Cao Nguyên, nên việc kiếm voi rất dễ dàng. Vì thế, chúa Nguyễn lúc nào cũng có sẵn hàng trăm voi trận như giáo sĩ Delacourt có nói ít nhất là 400 voi trận”.

Còn theo A.de Rhodes trong Lịch sử các vương quốc Đàng Ngoài thì chúa Trịnh từng tấn công chúa Nguyễn bằng một đội quân có 300 cỗ voi kéo súng. Theo Thánh Vũ Ký của Ngụy Nguyên (nhà tư tưởng Trung Quốc), sau khi diệt Trịnh, giải phóng Thăng Long, quân Tây Sơn đưa về Phú Xuân toàn bộ số voi chiến thu được, chỉ để lại ở Bắc Hà 50 thớt voi. Cho đến nay, chưa thể xác định chính xác số lượng voi chiến trong quân đội Tây Sơn, nhưng cứ theo số voi săn bắn và thu được của hai nhà Trịnh, Nguyễn thì con số này chắc chắn phải là vài trăm.

Đặt trong không gian và thời gian bấy giờ, lực lượng tượng binh mang lại ưu thế cực lớn. Voi đã được thuần hóa là loài vốn tính hiền lành, thân thiện với con người, nhưng khi đã xung trận thì chúng trở nên hung tợn, là quái thú trên chiến trường với sức mạnh vô song. Voi có thể phá hủy, xóa bỏ các chướng ngại vật, thậm chí là công sự thành lũy, mở đường cho bộ binh bằng cơ bắp và sức nặng của chúng. Khi đánh giáp lá cà, voi dùng vòi, chân, ngà để quăng quật, dày xéo, đâm húc quân địch, làm tan nát đội hình của đối phương. Khiên, giáp có thể chống được gươm giáo chứ không thể cản nổi sức mạnh của tượng binh. Bản thân lớp da dày của voi lại như một lớp giáp hộ thân cho chúng. Tiếng rống của đàn voi cũng là thứ vũ khí uy hiếp tinh thần quân giặc, đặc biệt là khiến đội kỵ binh khiếp đảm vì ngựa vốn rất sợ voi.

Trên lưng voi, ngoài quản tượng còn có 3-4 người cầm vũ khí vừa là hộ vệ cho voi vừa là để tấn công quân địch. Ngoài cung, nỏ, giáo cán dài..đội tượng binh Tây Sơn còn được trang bị đặc biệt bằng đại bác, hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng. Như theo Thánh Vũ Ký thì, quân Tây Sơn đều chở đại bác bằng voi mà xông ra trận. Sau này Nguyễn Huệ đánh Ngọc Hồi, sử nhà Thanh có đoạn chép thêm: “đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi, có 3-4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa”.

Như vậy, với sự xuất hiện của pháo tượng, hỏa công tượng, đội voi chiến càng có thêm sức mạnh đột kích ghê gớm với hỏa lực mạnh.

Ngoài chiến đấu, voi cũng là phương tiện vận tải vũ khí, binh lính và lương thảo. Theo A.de Rhodes thì những con voi to của chúa Trịnh có thể chở tới 6 người, không tính quản tượng. Còn theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì những voi mà người miền núi dùng để cõng hàng, mỗi con có thể trở được 30 ngánh gạo, mỗi ngánh chừng 20 bát.

Tuy nhiên, TSSĐ_13 có nhận xét: Dùng voi trận rất lợi nhưng cũng rất hại. Vì nếu không khéo, chính voi ấy lại giết quân mình dễ dàng, làm quân mình thua trận mau hơn. Như trận tập kích Bích Kê, quân Tây Sơn la hét, gây tiếng động làm voi quân chúa Nguyễn có tới hơn 40 con sợ hãi, chạy tán loạn, đạp lên quân sĩ Chúa Nguyễn gây thương vong nhiều hơn là quân Tây Sơn.

Ngoài tiếng động, voi còn nhiều thứ đặc biệt sợ lửa, mà những thứ ấy là điều không thể tránh khỏi trong chiến trận. Còn phải tính đến sự kết hợp, phối hợp giữa tượng binh với kỵ binh và bộ binh…

Các lãnh tụ Tây Sơn chắc chắn biết rõ những khó khăn này hơn ai hết. Vì vậy, đã đặc biệt dồn tâm sức xây dựng đội quân tượng binh thiện chiến xuất sắc. Theo Tạp chí Lịch Sử Quân Sự số tháng 8/2012(TCLSQS_8/12): sau khi lên ngôi, Nguyễn Nhạc đã tiến hành chỉnh đốn lực lượng tượng binh, quy định rõ ngạch voi, số đội và các quy định về quản lý, chăm sóc, huấn luyện voi. Theo đó, tượng binh được phiên chế thành các đội, mỗi đội có từ 30-40 con. Đội voi ở mỗi tỉnh có tầu (chuồng) riêng, được các quản tượng trông nom, tập luyện. Hằng năm, trong các đợt tập trận lớn, các đội voi thường được đem ra diễn tập cùng các lực lượng khác.

Theo trận pháp, voi trận được huấn luyện để phá ba bức lũy, trên các mặt lũy có đặt bù nhìn rơm cầm gậy giả làm quân sĩ đối phương. Dưới chân mỗi lũy có quân lính đứng nấp ở nơi an toàn rồi dùng súng, gậy gộc, hỏa pháo, chiên trống thị uy làm cho voi quen chiến trận. Xen giữa ba bức lũy là các lớp rào bằng tre, gỗ. Khi một chiến lũy bị voi xông phá, quân sỹ lại lùi về nấp ở chiến lũy sau. Trên lưng voi chiến đều có quản tượng điều khiển cùng vài lính cầm binh khí để tấn công đối phương, phía sau còn có người cầm gậy để thúc voi tiến lên và ngăn không cho lùi lại. Khi cả ba chiến lũy đều bị phá, quản tượng lùa voi trở về chỗ cũ và lập lại một trận giả khác. Cứ như vậy, quy trình luyện tập phải thực hiện đủ ba lần liền rồi mới dùng hiệu lệnh cho voi nghỉ. Hình ảnh của nhiều chỉ huy Tây Sơn thường gắn với voi như Bùi Thị Xuân, Đặn Tiến Đông, Đặng Xuân Bảo.. Bản thân Nguyễn Huệ cũng vậy.

Sách TSSĐ_13 có ghi: “Nguyễn Huệ ít khi dùng ngựa mà luôn luôn cỡi voi, lúc đưa đám ma vua Lê Hiển Tông cũng cỡi voi, lúc duyệt binh rồi đến khi ra trận cũng vậy. Nhưng không phải chỗ nào cũng dùng được voi. Hầu như Nguyễn Huệ chỉ sử dụng voi trận ở chiến trường miền Trung và Bắc, còn miền Nam thì không. Sử sách không thấy nói tới việc mang voi vào đánh Gia Định. Có lẽ vì những lần mang quân vào đánh Gia Định, Nguyễn Huệ điều đi bằng đường biển, không tiện mang theo voi, một phần vì voi trận chỉ thích hợp với chiến trường miền nhiều rừng núi, chứ không hợp với miền nhiều đồng lầy như ở miền Nam.

Thực vậy, dụng voi chiến chỉ thích hợp để đối đầu với các đạo quân lớn, ở chiến trường miền rừng núi, hơn nữa, cơ thể voi tuy to lớn đồ sộ nhưng rất nhạy với sự biến đổi khí hậu, chúng có thể bị ốm, thậm chí là chết. Còn vấn đề cơ động trên đường thủy cho lực lượng tượng binh, thực ra đã được bộ chỉ huy quân Tây Sơn giải quyết. Nếu cần thiết, voi chiến sẵn sàng được vận chuyển bằng những chiến hạm khổng lồ Định Quốc. Điều này đã từng khiến quân nhà Nguyễn khiếp vía trong trận Đông Tuyên. Đến khi đánh quân Thanh xâm lược, Quang Trung lại một lần nữa dùng cách này để kịp tập kết tượng binh ở Tam Điệp. Việc tương binh hành quân bằng chiến hạm là một điểm mới trong phương thức hành quân chiến đấu của quân đội nhà Tây Sơn.

Trong các trận đánh, quân Tây Sơn thường sử dụng đội voi chiến dẫn đầu đánh mở đường cho quân lính tiến lên. Những lợi khí như hỏa hổ, đại bác với voi biến tượng binh thành lực lượng lượng xung kích lợi hại nhất, rồi tượng binh với kỵ binh, bộ binh… một loạt các sự kết hợp hoàn hảo ở nhiều mức độ khác nhau lấy voi chiến làm trung tâm mang lại hiệu quả cao cho quân Tây Sơn trong chiến đấu.

Khi Nguyễn Huệ mang quân đánh thành Phú Xuân, nghe tin có đội tượng binh Tây Sơn tiên phong, tướng sĩ Đàng Ngoài đang giữ ở đồn Các Doanh và Đồng Hới đều sợ hãi bỏ chạy. Chỉ trong mấy ngày, toàn bộ đất Thuận Hóa đã về tay quân Tây Sơn.

Theo Tạp chí Lịch sử Quân sự số ra 8/12: “Trong 5 đạo quân Tây Sơn từ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn tiến công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789 thì có tới 3 đạo quân sử dụng kết hợp tượng binh và kỵ binh, trên mỗi hướng tấn công đều có hàng trăm voi chiến tham gia”.

Tên cáo già Tôn Sĩ Nghị khi được Càn Long phong chức Chinh Man Đại Tướng Quân (Man trong Nam Man, ý chỉ dân phương nam man rợ chưa khai hóa) cũng đã lường đến uy lực từ những vũ khí đặc biệt của quân Tây Sơn nên trước khi dẫn hơn 29 vạn quân lính và dân phu ồ ạt tiến vào nước Nam (chưa kể 2 vạn quân “cần vương” của bù nhìn Lê Chiêu Thống), hắn đã ra một quân luật 8 điều, ra lệnh cho tất cả nghiêm cẩn tuân theo. Trong 8 điều quân luật, có hai điều 4 và 5 dành riêng để nhắc cách đối phó với voi chiến và hỏa hổ.

Trích điều 4 theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái: Người Nam đánh trận, hay dùng sức voi. Voi không phải là vật nội địa từng tập quen, nên hễ gặp phải, trước tiên quân ta thế nào cũng tránh chạy. Không biết rằng, sức voi tuy khoẻ, chung quy cũng là thân máu thịt, không thể đương được với súng ống của ta. Nếu thấy voi ra trận, xa thì bắn súng, gần thì dùng cung và lao, làm cho nó bị đau mà chạy trở lại, giày xéo lẫn nhau, quân ta nhân cơ hội ấy mà tiến lên chém giết, thế nào cũng thắng trận, không còn nghi ngờ gì nữa. Cần phải chỉ bảo cho nhau cùng được biết.

Tuy đã đặc biệt chú ý cho quân sĩ phương cách chống lại tượng binh Tây Sơn nhưng Tôn Sĩ Nghĩ vẫn không thể ngờ được rằng đàn voi chiến của Hoàng đế Quang Trung đã quá đỗi dạn dày chinh chiến. Chúng không còn là voi bình thường nữa mà đều là những chiến binh trải được khổ luyện ghê gớm và từng trải qua nhiều lần sống chết nơi lửa đạn.

Trong trận đánh Thăng Long đầu tiên từ đêm 4 rạng ngày 5 Tết Kỷ Dậu, đạo tượng binh và kỵ binh do Đô đốc Long (Đặng Tiến Đông) chỉ huy, tấn công như vũ bão vào đồn Khương Thượng, khiến tên thái thú Điền Châu ở đây là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử.

Được đà chiến thắng, sáng mùng5, Nguyễn Huệ đích thân dẫn quân đánh đồn Ngọc Hồi. Đây là nơi tập trung binh hùng tướng mạnh của quân xâm lược, có hệ thống phòng thủ kiên cố. Để đối phó tượng binh Tây Sơn, quân thanh triệt để sử dụng các loại chất dẫn lửa để cản đường.

Theo Minh Đô Sử, tướng giặc Hứa Thế Hanh có trấn an quân sĩ: Dạy voi đánh trận là lối cũ của người Nam man. Mưu mẹo chống chế, Úy Phủ (tức Tôn Sĩ Nghị) đã có công văn nói rõ rồi.

Trận công đồn Ngọc Hồi được cả sử Trung Quốc là Thanh Thực Lục và sử Việt là Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) ghi chép chi tiết và trùng khớp.

Xin trích đoạn trong KĐVSTGCM: Hồi trống canh năm sớm hôm sau (mồng 5 tháng giêng), Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Quân Thanh trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút trong lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Quân Tây Sơn dùng những bó rơm to để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân lính tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy.

Tàn quân nhà Thanh chạy tới khu vực Đầm Mực, Quỳnh Đô nhưng khốn khổ cho chúng là nơi đây Đô đốc Bảo đã bày trận đợi sẵn. HLNTC có chép: quân Thanh mất hết hồn vía, vội trốn xuống Đầm Mực làng Quỳnh Đô. Quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người.

Tôn Sĩ Nghị khi nghe tin đại quân đại bại thì sợ mất mật, không kịp mặc giáp, ngựa chưa thắng yên, vội theo cầu phao vượt qua sông Cái (sông Hồng) bỏ chạy về phía Bắc.

Voi chiến vốn được ông cha ta sử dụng từ rất lâu, gắn với những cuộc chiến chống ngoại xâm của bao vị anh hùng như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Nhưng có thể khẳng định, phải tới thời quân đội Tây Sơn-Nguyễn Huệ thì việc dụng tượng binh mới đạt đến đỉnh cao. Được xây dựng như một binh chủng đặc biệt với số lượng lớn, tổ chức quản lý chính quy, huấn luyện chiến đấu bài bản, được trang bị các lợi khí nguy hiểm, có sự kết hợp chặt chẽ với các binh chủng khác. Đây là lực lượng xung kích xuất sắc, sức mạnh chiến đấu ghê gớm, đóng góp công đầu vào nhiều chiến thắng vang dội quân đội Tây Sơn mà đỉnh cao là cuộc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh.

Tượng binh Tây Sơn thời này đã có một vai trò cực kỳ to lớn mà trước đó chưa từng có và sau này thì cũng không thể có được.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,