Giấc mộng tan vỡ của tổng thống lưu vong Ashraf Ghani

Tổng thống Ashraf Ghani đăng một thông điệp rõ ràng, ngắn gọn trên Facebook: “Để tránh đổ máu, tôi nghĩ tốt nhất là nên rời đi”. Nhiều người xem đó là cuộc đào tẩu.

Washington Post miêu tả Tổng thống Ashraf Ghani là người khao khát được ghi danh vào lịch sử như một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, như người mang lại hòa bình lâu dài và nền quản trị hiện đại cho Afghanistan, nhưng cuối cùng lại là người phải từ bỏ quyền lực trong đột ngột và lặng lẽ.

Sự ra đi của ông chỉ được biết đến khi ông đã ở nước ngoài, cùng thời điểm các tay súng Taliban bao vây và tiến vào thủ đô Kabul từ mọi hướng.

Thời gian cầm quyền của ông Ghani được nhận xét là đầy tham vọng, song cũng gặp nhiều khó khăn. Khi rời nhiệm sở, ông Ghani không còn được công chúng yêu mến, bị miêu tả là người thiếu kiên nhẫn và quá phụ thuộc vào một nhóm cố vấn ít ỏi.

“Ông Ghani không giải quyết được các vấn đề trong lực lượng an ninh Afghanistan, điều này đã bị phía Taliban lợi dụng. Nhưng nhìn chung, thất bại là do ông ấy ngoan cố, muốn bám lấy quyền lực ngay cả khi không có lợi cho đất nước”, Michael Kugelman, Phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ, nhận xét.

Khởi đầu đầy hy vọng

Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Ashraf Ghani bắt đầu vào năm 2015. Khi ấy, ông có nhiều tham vọng và nhiều ý tưởng mới để thay đổi đất nước một cách tích cực hơn. Ban đầu, những nỗ lực này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân ở Afghanistan.

Trong thời kỳ hậu Taliban, ông Ashraf Ghani thường xuyên thuyết trình về các vấn đề vướng mắc mà xã hội quan tâm. Ông cũng là đồng tác giả của một cuốn sách, trong đó nêu ra các đề xuất “nhằm cải cách tình trạng thất bại này”.

Nhiều cử tri, bao gồm những người trẻ tuổi ở đô thị, được truyền cảm hứng từ ông Ghani. Họ đặt niềm tin vào kế hoạch của ông với hy vọng về một nền chính trị chuyên nghiệp hơn. Phụ nữ trẻ cũng tìm thấy nguồn cảm hứng từ phu nhân tổng thống, bà Rula, một tín đồ Cơ đốc giáo đầy phóng khoáng và tự do.

Dù vậy, những bài phát biểu và chiến dịch tranh cử của ông Ghani vẫn chưa gây được tiếng vang với người dân nghèo ở Afghanistan, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Kabul, ông Ronald Neumann.

Ông Neumann miêu tả Tổng thống Ghani “là người tuyệt vời, nhưng không giỏi lắng nghe”. Các cố vấn người Mỹ từng khuyên ông Ghani nên kiên nhẫn, tập trung vào từng vấn đề nhỏ. Nhưng ông Ghani đã “tham gia nhiều và dàn trải nỗ lực” ở mọi lĩnh vực, ông Neumann nói.

Khi chiến tranh giữa quân chính phủ và Taliban tiếp tục, ông Ghani bị chỉ trích là làm việc không hiệu quả. Lúc các tay súng Taliban đánh bom và tấn công đồn cảnh sát thì ông Ghani lại mải mê phát biểu về những chủ đề như sản xuất nông nghiệp hay cải cách dịch vụ công.

Năm 2020, Mỹ hậu thuẫn một thỏa thuận giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban. Song ông Ghani phản đối việc giới chức Mỹ bỏ qua lợi ích của Afghanistan trong thỏa thuận và thả hàng nghìn tù nhân Taliban.

Thỏa thuận thất bại, biến ông Ghani trở thành người kiêu ngạo và cứng nhắc trong mắt dư luận. Đại sứ Neumann nhận xét: “Công chúng coi ông Ghani như một kẻ phá hoại. Nhưng thực tế, Mỹ đã phản bội ông ấy trong thỏa thuận này”.

Nội bộ bất đồng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Ghani đã gặp nhiều rắc rối nội bộ, đặc biệt với đối thủ tranh cử hàng đầu là ông Abdullah Abdullah.

Cuộc tranh cử tổng thống đầu tiên mà ông Ghani tham gia vào năm 2014 đã bị cáo buộc gian lận, tới mức Liên Hợp Quốc phải tham gia kiểm phiếu.

Khi kết quả kiểm phiếu không đủ thuyết phục dư luận, Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là ông John Kerry đã phải đứng ra môi giới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai bên tranh cử. Động thái này đã gây ra sự căng thẳng và chia rẽ sâu sắc trong chính quyền non trẻ.

Trong cuộc bầu cử năm 2019, sự cạnh tranh giữa ông Ghani và ông Abdullah vẫn chưa đi đến hồi kết. Các nhà phê bình từng đề nghị hoãn bầu cử tổng thống, cho đến khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra.

Lúc này, ông Ghani kiên quyết thực hiện cuộc bỏ phiếu. Song kết quả quá sát sao, khiến ông Abdullah không chịu nhận thua và đe dọa thành lập một chính phủ song song. Cả hai ứng viên tổng thống đều thực hiện lễ nhậm chức, đẩy sự căng thẳng lên đỉnh điểm.

Giới chức Mỹ từng miêu tả sự việc này là “siêu thực và đáng buồn”.

Cựu quan chức tình báo Rahmatullah Nabil coi đây là rủi ro lớn đối với Afghanistan. Ông nói: “Mọi thứ ở bờ vực sụp đổ. Chỉ cần một giọt nước làm tràn ly thôi. Chúng tôi có nguy cơ chứng kiến quân chính phủ chiến đấu với nhau, và chiến đấu với Taliban”.

“Nếu hai nhà lãnh đạo không thể ngừng chiến tranh lạnh, bất kỳ điều gì xảy ra cũng có lợi cho Taliban”, ông Nabil nhận xét. Cuối cùng, ông Abdullah phải nhượng bộ.

Trong những tuần gần đây, các chiến binh Taliban lần lượt kiểm soát nhiều thành phố lớn của Afghanistan. Tổng thống Ashraf Ghani dường như bị sốc hoặc liên tục phủ nhận sự thật.

Ông Ghani không đưa ra tuyên bố chính thức về tình hình hiện tại, cũng không tổ chức họp báo. Hôm 14/8, chính phủ Afghanistan chỉ phát đi một đoạn video ngắn, trong đó ông Ghani ca ngợi lực lượng an ninh và tự tin họ có thể giành chiến thắng. Ông Ghani không đề cập tới việc từ chức.

Đến ngày 15/8, nhà lãnh đạo đăng một thông điệp rõ ràng, ngắn gọn trên Facebook: “Để tránh đổ máu, tôi nghĩ tốt nhất là nên rời đi”.

Đến tối cùng ngày, một nhóm tay súng của Taliban tiến vào dinh tổng thống.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,