Ghi nhận của một người châu Âu về chuyện người Việt ‘thừa cân’

Có một nghịch l‎ý trớ trêu là trong khi người Việt có xu hướng lao về phía đồ ăn nhanh của phương Tây, háo hức thử nghiệm những cơn lốc đồ ăn công nghiệp tràn vào thành phố với gà rán, trà sữa – những món có rất nhiều phụ gia nhân tạo và hại cho sức khỏe – thì chúng tôi lại tìm thấy sự lành mạnh trong các bữa ăn thuần Việt.

Ghi nhận của một người châu Âu về chuyện người Việt ‘thừa cân’

Tác giả: Jan Rybnik, chuyên viên xuất nhập khẩu người Ba Lan.

Hàng xóm nhà tôi hay có những hành động khá kỳ lạ. Khoảng 6 giờ chiều hàng ngày, chị cầm cái bát to đầy cơm, chạy theo một đứa trẻ để bắt cháu ăn. Những bữa ăn ấy chưa bao giờ suôn sẻ, ít nhất là những lần tôi để ý quan sát. Bé thường né tránh việc phải ăn hoặc đôi khi gào khóc rất to “con no rồi, con không muốn ăn nữa”. Nếu đi vào các khu ăn uống công cộng, bạn cũng có thể thấy những tình huống tương tự. Các cha mẹ Việt giục con “ăn nhanh lên”, “sao không ăn cái này”, “ăn nhiều mới béo, mới khỏe chứ”.

Tôi thấy lo lắng. Cùng với việc các cửa hàng đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn mọc lên như nấm sau mưa, nhiều trẻ em Việt Nam ngày càng nặng nề hơn thế hệ trước. Việc từ bỏ các món ăn, thức uống đầy màu sắc, gia vị và dầu mỡ như gà rán, hamburger, khoai tây chiên, nước ngọt, trà sữa đối với chúng gần như vô vọng, cũng như rất khó thuyết phục các phụ huynh một nguyên tắc rất quan trọng rằng: to béo không đồng nghĩa với khỏe mạnh.

Các bậc cha mẹ Việt Nam dường như có xu hướng khuyến khích con ăn nhiều, bất kể đó là thứ gì vì cho rằng điều đó tốt cho bọn trẻ. Họ cũng tin rằng giả sử nếu có thừa vài cân, bọn trẻ rồi sẽ tự giảm được khi chúng lớn lên.

Thực ra vấn đề cơ thể thừa cân không phải lúc nào cũng suôn sẻ như thế, ít nhất là với kinh nghiệm của tôi. Tôi từng nặng tới 100 kg khi 26 tuổi, hậu quả của một quá trình dài ăn uống không lành mạnh và lười vận động.

Thời bao cấp ở Ba Lan cũng giống như ở Việt Nam, chúng tôi chỉ có thức ăn cơ bản và những bữa cơm quây quần bên gia đình. Nhưng thời kỳ này vừa chấm dứt, lối sống và thức ăn nhanh từ Tây Âu ồ ạt vào Ba Lan và trở thành thời thượng. Cũng như bao đứa trẻ vừa thoát ra khỏi thiếu thốn, tôi nghiền thức ăn từ các cửa hàng McDonalds hay KFC, có thể ăn cả tháng.

Không những thế, tôi còn là con mọt sách. Ngoài thú vui ngồi lì hàng giờ để đọc sách ra, tôi chẳng hứng thú với bất cứ môn thể thao nào. Thừa cân trong 10 năm đã dẫn đến việc tôi bị thoát vị đĩa đệm. Cuộc sống từ đó gắn liền với những cơn đau và thuốc giảm đau. Tôi dùng thuốc giảm đau liều cao thường xuyên như ăn kẹo, và rồi cuối cùng phải phẫu thuật để chấm dứt tình trạng này.

Dù cuộc phẫu thuật thành công, nhưng đến tận bây giờ, những cơn đau ấy thỉnh thoảng vẫn trở lại làm phiền tôi. Chúng có thể khiến bạn cảm thấy như tê liệt tay chân, không điều khiển được cổ hoặc lan tận đỉnh đầu. Rõ ràng việc to béo không hề mang đến cho tôi sự khỏe mạnh cả tinh thần và thể chất, chưa kể những vấn đề tâm l‎ý ‎như mất tự tin về ngoại hình, mất đi cơ hội tốt trong cuộc sống và công việc. Chẳng hạn như một thời gian dài, tôi thích cô bạn Magdalena cùng lớp đại học nhưng không bao giờ dám thổ lộ, vì tôi luôn nghĩ cô ấy không thể thích một gã to béo cục mịch như mình.

Sau sự cố trọng lượng đó, tôi luôn cam kết với bản thân chế độ dinh dưỡng hợp l‎ý đồng thời tăng cường vận động thể chất. Mỗi tuần tôi đến phòng gym ba lần, duy trì đều đặn kể cả khi đi công tác. Nếu đến những vùng xa xôi, thiếu tiện nghi, nhất định tôi vẫn phải chạy bộ hay đi bộ mỗi ngày. Tôi cũng không loại trừ bất cứ chất dinh dưỡng nào trong bữa ăn, đồng thời chú trọng vào chất lượng chứ không vì số lượng, tránh thức ăn chế biến sẵn, dành thời gian tự nấu để tất cả nguyên liệu đảm bảo an toàn và cân bằng dinh dưỡng.

Có một nghịch l‎ý trớ trêu là trong khi người Việt có xu hướng lao về phía đồ ăn nhanh của phương Tây, háo hức thử nghiệm những cơn lốc đồ ăn công nghiệp tràn vào thành phố với gà rán, trà sữa – những món có rất nhiều phụ gia nhân tạo và hại cho sức khỏe – thì chúng tôi lại tìm thấy sự lành mạnh trong các bữa ăn thuần Việt. Điều này đã được xác nhận bởi các chuyên gia ẩm thực hàng đầu thế giới. Người Việt Nam thực sự may mắn vì có nền ẩm thực lành mạnh, ngon lành và cân bằng dinh dưỡng cùng với thói quen quây quần bên mâm cơm gia đình. Thật tiếc nếu điều này bị lãng quên.

Nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng rằng bữa cơm gia đình truyền thống không đủ đảm bảo sự phát triển thể chất cho con họ. Không ai muốn nòi giống của mình còi cọc, thua sút cả. Việc sử dụng thêm những nguồn dinh dưỡng khác ngoài bữa ăn không hẳn là không tốt, nhưng cần chú ý đến số lượng và hàm lượng dinh dưỡng ghi trên các nhãn sản phẩm ‎để tránh nhầm lẫn khái niệm.

Các chuyên gia tiếp thị đôi khi lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng hay dựa vào những xu thế tạm thời để quảng cáo cho các loại “thực phẩm lành mạnh”. Ví dụ quảng cáo sữa chua có 0% chất béo hoặc thấp cholesterol. Chất béo và cholesterol không có tội tình gì cả, chúng rất cần thiết cho cơ thể con người, quan trọng là tỷ lệ và nồng độ của chúng như thế nào trong máu chúng ta.

Vì vậy, bạn không cần phải luôn cứng nhắc nói không với chất béo và cholesterol mà thay vào đó, tìm kiếm thực phẩm chứa chất béo tốt, cholesterol tốt. Có nhãn hàng ghi “không đường” nhưng thay vào đó có thành phần “carbonhydrate” thì cũng không đảm bảo sản phẩm đó không chứa đường. Hay khi chúng ta tránh uống nước ngọt thì trà sữa cũng không thể được xem là lựa chọn lành mạnh, thậm chí rất có hại. Trong 500 ml trà sữa có thể chứa đến 92 gram đường, cao gấp ba lần so với các loại nước ngọt đóng chai khác cùng dung tích.

Đối với việc phát triển thể chất, dinh dưỡng là nền tảng còn vận động là chìa khóa. Thông tin Việt Nam nằm trong 10 nước lười vận động nhất khiến tôi ngạc nhiên. Bởi nó trái ngược với những gì tôi từng biết về một dân tộc có sức mạnh kỳ lạ qua hình ảnh những cô gái nhỏ bé tải trên lưng khối vũ khí, đạn dược khổng lồ, những người chân trần vượt hàng nghìn cây số tiến hành cuộc trường chinh kháng chiến.

Có lẽ cuộc sống hiện đại bận rộn và lười tư duy hơn là lý do để nhiều người ngụy biện cho việc dễ dãi chọn những thứ không lành mạnh nạp vào cơ thể hay ít vận động. Thật ra điều này không hề khó nếu chúng ta thực sự muốn làm, chỉ cần từ những việc đơn giản như hạn chế ăn uống đồ ngọt, tranh thủ đi bộ bất cứ lúc nào.

Quan trọng nhất, việc xây dựng lối sống lành mạnh và năng động ở cha mẹ sẽ là tấm gương cho con cái. Trẻ sẽ không tin rằng vận động là tốt nếu chúng nhìn thấy bố mẹ ngồi thẫn thờ trước tivi, màn hình máy tính hay chúi mũi vào điện thoại thay vì chơi thể thao hoặc đơn giản là vui đùa với chúng. Tôi tin gia tài cha mẹ có thể để lại cho con là những thói quen tốt sẽ theo chúng cả đời.

Trong cuộc chiến chống lại hiểm họa béo phì, cha mẹ vừa phải nghiêm khắc không nuông chiều theo đòi hỏi của trẻ, vừa phải biết lắng nghe con nói và tìm sự hiểu biết cho chính mình. Không có lý do gì để chúng ta không tin con nếu chúng bảo đã rất no và không muốn ăn nữa, hay nói “không” với thói ăn vặt tùy tiện. Khi đủ đói, cơ thể trẻ sẽ tự thèm muốn một bát cơm với thức ăn giản dị và thấy rất ngon lành.

Làm cha mẹ thời nay thực sự là một cuộc chiến gian khổ: chiến đấu với các quan niệm xã hội, với con cái mình và với chính ham muốn của mình để không áp đặt lên đứa trẻ.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,