Ghen tuông, phản bội, trả thù… tầm phào. Phim Việt hết thứ để nói rồi à?

Hầu như phim Việt nào cũng nói đến ngoại tình, ghen tuông mù quáng vớ vẩn.

Ghen tuông, phản bội, trả thù… . Phim Việt hết thứ để nói rồi à?

Những bộ phim càng ngày càng đi vào những lẩn khuất trong các gia đình giàu có, khá giả, những cuộc tình, những yêu đương, hờn giận, phản bội, trả thù… Phải chăng văn hóa chỉ cần đến vậy và đời sống của người Việt Nam là như vậy?

Chắc không ai tin cuộc sống của đất nước mình chỉ giản đơn như thế. Đất nước phát triển như ngày nay là nỗ lực của triệu triệu con người. Những người nông dân chăm chỉ trên mảnh đất của mình; những người công nhân lao động miệt mài trong các khu công nghiệp, trong các công xưởng; những nhà khoa học âm thầm nghiên cứu, mong khẳng định trí tuệ Việt Nam; những người nghệ sĩ chân chính vẫn đau đáu với những tác phẩm xứng đáng với thời đại, những người chiến sĩ nơi biên cương giữ đất trời, giữ mùa xuân đất nước. Và khi cả đất nước đang “chống dịch như chống giặc”, bao người đã hy sinh, đất cống hiến, đã quên mình, quên những riêng tư để vì cái chung chẳng đáng được ngợi ca, được ghi nhận hay sao?

Cũng đừng nghĩ phim ảnh là giải trí. Những nội dung giải trí ấy có thể tác động đến nhận thức của mỗi con người, mỗi hành vi ứng xử. Tác động giải trí đôi khi còn mạnh mẽ hơn những điều được nhắc nhở, dạy dỗ.

Gốc rễ của câu chuyện của chúng ta hình như là văn hóa. Văn hóa chúng ta hiểu hình như vẫn chỉ là ca hát, nhảy múa, là những ồn ào, náo nhiệt… Nhưng văn hóa bản chất là nó là giá trị, là trầm tích, là sự lắng đọng, là con người. An ninh văn hóa cũng quan trọng không kém các an ninh khác bởi sự nhận diện quốc gia trong thời đại ngày nay phải mật mã văn hóa.

Khi cái lố lăng thành cái đẹp, cái tầm thường thành cao thượng thì hành vi ứng xử sao chuẩn mực. Khi tất cả đều tôn vinh những thứ hời hợt thì những thứ sâu sắc biết đi đâu. Người ta cư xử với nhau không còn tình nghĩa vì gốc rễ văn hóa đã lung lay. Những người vợ, người chồng bội bạc vì văn hóa tình chồng nghĩa vợ không còn là nơi nương náu của sự sẻ chia, chung thủy.

Anh em tệ bạc với nhau vì văn hóa anh em như thể chân tay đã mai một, đã phôi pha trước những tranh chấp mảnh vườn, mảnh đất. Chúng ta tôn vinh cái giàu có, sang trọng nhưng cũng đừng mỉa mai cái nghèo, cái khổ. Cơn bệnh hiểm nghèo có thể cuốn đi những nỗ lực của cả một đời người… Văn hóa cần khuyến khích, động viên con người biết vươn lên, biết khẳng định mình, biết sống cho mình và cho đời, đừng tôn vinh thái quá cái giàu và cả người giàu.

Chúng ta cần tư duy về văn hóa Việt Nam một cách đầy đủ và cần phải tạo ra những sản phẩm văn hóa mà ở đó thấm nhuần các giá trị Việt Nam, nhân văn, nghĩa tình. Văn hóa không phải là việc riêng của những người làm văn hóa, của những người được gọi tên nghệ sĩ hay của Nhà nước.

Công chúng cũng là những người làm văn hóa khi họ biết thưởng thức và tôn vinh cái chân, cái thiện, cái mỹ. Khi đó các sản phẩm văn hóa cũng phải tương xứng. Khi công chúng đón đợi những thứ lố lăng, kệch cỡm thì tất yếu những thứ lố lăng, kệch cỡm ra đời, tồn tại và phát triển.

Theo ĐOÀN VĂN DŨNG / VNEXPRESS

Tags: ,