Dựng tượng trước sân tòa – một vài suy nghĩ

Chúng ta nỗ lực nghĩ ra các biểu tượng công lý để làm gì, nếu công lý còn gây ra nhiều dấu hỏi trong lòng người?

Dựng tượng trước sân tòa – một vài suy nghĩ

Bài viết của tác giả Võ Nhật Vinh, nghiên cứu viên Đại học Caen Normandie, Pháp.

Thuở nhỏ, ba thỉnh thoảng chở tôi đi dạo phố Sài Gòn. Chúng tôi hay đi dọc sông Sài Gòn. Bên bến Bạch Đằng, ông chỉ cho tôi tượng Trần Hưng Đạo.

Tôi thắc mắc “ông ấy là ai và tại sao được dựng tượng ở đây?”. Ba nói rằng vì Đức Thánh Trần đã giúp nước ta diệt giặc trên sông Bạch Đằng – một kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất của dân tộc. Đó là một trong những bài học lịch sử đầu tiên mà tôi đã được dạy. Rồi tôi còn được học thêm các bài học lịch sử khác khi đi qua tượng Nguyễn Tri Phương tiếp giáp giữa quận 5 và quận 10, tượng Phù Đổng Thiên Vương ở quận một. Trong ký ức của một cậu bé, các tượng ấy cao lớn lắm, như độ tôn kính của tôi với các anh hùng nước mình.

Mùa hè năm 2012, trong dịp đến Viện Toán học Việt Nam tại Hà Nội, tôi thấy tượng bán thân của Giáo sư Lê Văn Thiêm được đặt ngay mặt chính của Viện. Chính bức tượng đã giúp tôi bổ sung khiếm khuyết về kiến thức lịch sử. Nhờ đó, tôi có thêm bài học về một trong các nhà “khai quốc công thần” của nền Toán học hiện đại nước nhà, cũng là vị Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam. Bài học về lịch sử ngành, một phần trong dòng chảy lịch sử nước ta, đã được tôi tiếp nhận tự nhiên như vậy.

Sau này, khi học tập và làm việc ở nhiều nước, tôi vẫn giữ thói quen tìm hiểu lịch sử của các công trình và địa phương đó thông qua các nhân vật được dựng tượng. Nhiều tòa nhà lịch sử ở châu Âu thường có tượng bán thân các danh nhân. Các tượng toàn thân lớn hơn thường được đặt ở ngoài trời, nút giao thông, công viên hay ở quảng trường. Người qua lại dễ dàng đến ngắm tượng và đọc những thông tin liên quan. Các tượng ở phương Tây được tạc sắc nét và có hồn hơn tượng ở Việt Nam.

Đặc điểm chung của các tượng nhân vật lịch sử khiến tôi thích thú, cả ở Việt Nam và châu Âu, là chúng không quá chiếm diện tích và hầu hết đều có nghĩa. Tượng Đức Thánh Trần uy nghi hướng ra sông Sài Gòn bên Bạch Đằng, tượng Nữ tướng Lê Chân đơn sơ nhưng rất hợp với không gian trung tâm thành phố Hải Phòng, vùng đất bà có công lập nên. Tượng vua Lê Thái Tổ khiêm nhường trong không gian trầm mặc nép phía tây Hồ Gươm – một điểm nhấn đầy giá trị giữa trung tâm thủ đô bất chấp kích thước của nó. Tượng bán thân Giáo sư Lê Văn Thiêm được đặt khiêm tốn nhưng rất trang trọng ở cơ quan mà ông đã gây dựng từ ngày đầu tiên. Tượng tướng Charles de Gaulle chiếm diện tích vừa phải ở quảng trường đi bộ Đại lộ Champs-Elysée, nơi ông rảo bước trong ngày Paris được giải phóng khỏi quân phát-xít…

Tôi vừa tìm đọc lại lịch sử để biết thêm về vua Lý Thái Tông – người được ngành Tòa án Việt Nam chọn làm biểu tượng và sẽ dựng tượng vua trước sân tòa. Lý Thái Tông có công xây dựng Bộ luật Hình Thư, được xem là bộ luật đầu tiên của Việt Nam, nhưng không thấy vị vua này thiết lập hệ thống luật pháp hay kỹ thuật xét xử như thế nào.

Trong chế độ phong kiến, từ luật lệ đến xét xử đều do Vua điều hành. Hình thức này hoàn toàn khác với chế độ pháp quyền mà các quốc gia đã mất nhiều thế kỷ để gây dựng. Cho đến tận hôm nay, Việt Nam cũng như các quốc gia, đều đang nỗ lực để có một nền pháp quyền, nơi lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập để công lý được thực thi vì tiến bộ của xã hội.

Về bản chất, nhà nước tập quyền phong kiến khá mâu thuẫn với nhà nước pháp quyền. Vì vậy, làm sao có thể xem ông vua của chế độ phong kiến là biểu tượng của ngành tư pháp nước nhà, để nhân viên toàn ngành nhìn vào tượng vua mà khắc cốt ghi tâm về các triết lý đích thực của công việc mình đang thực thi? Để họ giữ thăng bằng cho cán cân công lý. Nó chỉ cần sai một ly, nhiều cuộc đời bị đẩy đi hàng nghìn dặm.

Ta không phủ nhận có những biểu tượng dù thành văn hay bất thành văn đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Ngành y học cổ truyền nước ta luôn xem Hải Thượng Lãn Ông là ông tổ nghề của mình. Ngành dược khắp thế giới xem cái cân và con rắn là biểu tượng của họ. Tòa án nhiều quốc gia, cơ quan đại diện cho sự phán xét thiệt hơn trong công lý, trước giờ luôn được biểu trưng bằng hình ảnh chiếc cân – vật dụng trực quan hóa sự công bằng, nặng nhẹ.

Biểu tượng của mỗi ngành không chỉ đơn thuần cảm nhận bằng mắt, sờ bằng tay, nó còn là tư tưởng triết lý sâu xa gắn với biểu tượng đó, như mỗi bác sĩ được dạy luôn nhớ Lời thề Hippocrates. Tôi tự hỏi nhìn vào tượng vua Lý Thái Tông trong khuôn viên tòa án Việt Nam, mọi người có biết triết lý nào gắn với hình ảnh này?

Chưa kể, ở khía cạnh khác, việc dựng tượng ở Việt Nam bấy nay luôn đi kèm với kinh phí nhiều tỷ Đồng, dù có lấy từ ngân sách. Bạn tôi, làm trong ngành kiến trúc, có lần bảo, “cái giá của việc dựng tượng cũng thật vô chừng”. Anh đòi 50 triệu cũng được mà 200 triệu hay 2 tỷ cũng vẫn được. Nó bao gồm cái giá của người sáng tác nghệ thuật, bức vẽ thiết kế, của chất lượng lớp bên trong, cái sơn quét bên ngoài, và còn bao nhiêu thứ người ta có thể nghĩ ra. Thi công một tòa nhà, người ta có thể khoét một mảng tường để kiểm định chất lượng. Nhưng tôi chưa thấy ai khoét cái đầu tượng một danh nhân để xem có gì bên trong, cạo lớp mạ bên ngoài xem nó có tý vàng nào như tuyên bố hay không.

Những mảng tối ấy, chỉ có vài người dựng tượng biết. Còn công chúng, có lẽ chỉ đoán già đoán non về cái giá thật của “công trình” mà mình nhìn thấy.

Chúng ta nỗ lực nghĩ ra các biểu tượng công lý để làm gì, nếu công lý còn gây ra nhiều dấu hỏi trong lòng người?

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,