Ấn Độ bị chia cắt ra sao sau khi giành độc lập từ Anh năm 1947?

Tháng 8/1947, trước áp lực từ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Ấn Độ, Anh quốc buộc phải rút khỏi Ấn Độ, thuộc địa được coi là viên ngọc quý trên vương miện của Đế chế Anh.

Ngay sau đó, hai quốc gia tự trị đã ra đời – Ấn Độ cho đại đa số người Ấn Độ giáo và Pakistan cho đại đa số người Hồi giáo.Sự chia cắt này dẫn đến một trong những thảm họa bi thương nhất của Thế kỷ 20.

Khi còn là thuộc địa của Anh, Ấn Độ là quê hương của gần 400 triệu người – người Ấn Độ giáo chiếm đa số, còn người Hồi giáo chiếm khoảng một phần tư dân số.

Ông Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, phản đối chuyện chia cắt đất nước theo tôn giáo.

Nhưng ông Jinnah, người sau đó trở thành thống đốc đầu tiên của Pakistan, khăng khăng đòi có một quốc gia riêng cho những người Hồi giáo.

Sau khi biên giới giữa hai nước được vạch định năm 1947, Jinnah phàn nàn ông chỉ được một nước Pakistan “bị mối mọt cắn” – với hai cánh cách xa nhau hai ngàn km và lãnh thổ của Ấn Độ ở giữa. Sau đó, vào năm 1971, phần Đông Pakistan trở thành quốc gia độc lập Bangladesh.

Dù xung đột giữa giữa người Ấn Độ giáo và người Hồi Giáo đã bùng nổ từ trước khi có sự phân chia, nhưng bi kịch lớn đã xảy ra vào thời điểm chia cắt biên giới.

Hơn 12 triệu người tỵ nạn di chuyển từ Ấn Độ sang Pakistan và ngược lại. Khoảng nửa cho tới một triệu người thuộc nhiều cộng đồng bị sát hại và hàng chục ngàn phụ nữ bị bắt cóc.

Quan hệ Ấn Độ – Pakistan tới giờ vẫn chưa phục hồi sau thảm họa này và xung đột tranh giành thung lũng Kashmir vẫn chưa được giải quyết.

Theo BBC

Tags: , , , ,