⠀
Điều cần biết về phong cách kiến trúc – nội thất Địa Trung Hải
Địa Trung Hải gọi chính xác hơn là Địa Trung Hải Phục hưng (Mediterranean Revival) là một phong cách kiến trúc nội thất mang tính chiết trung bắt đầu xuất hiện ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và trở nên phổ biến vào thập niên 20, 30.
Phong cách Địa Trung Hải có nguồn gốc từ các quốc gia Châu Âu phía Bắc bờ biển Địa Trung Hải là Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và hiện nay còn có rất nhiều ảnh hưởng đến kiến trúc Tây Ban Nha hiện đại.
Phong cách này là sự kết hợp hài hòa của các phong cách: Tây Ban Nha thời Phục hưng, Tây Ban Nha Colonial (thuộc địa Tây Ban Nha), Beaux-Arts, Italia thời Phục hưng, và kiến trúc Gothic ở Venice.
Vào những năm 1920 và 1930, phong cách này trở nên phổ biến với các cung điện, khách sạn, biệt thự và các khu nghỉ mát ven biển ở California và Florida (Hoa Kỳ). Sau đó phong cách Địa Trung Hải còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới kiến trúc nhà ở tại nhiều quốc gia khác.
Kiến trúc
Cấu trúc công trình mang phong cách Địa Trung Hải được đặt trên nền móng hình chữ nhật, có quy mô khá đồ sộ. Dưới đây là một số đặc trưng khác của kiến trúc phong cách Đại Trung Hải:
– Nhà chỉ có một đến hai tầng
– Có sân trong
– Mái vòm thoáng rộng
– Hàng hiên rộng và có hành lang bao quanh
– Cấu trúc chủ yếu bằng gạch và vữa
– Đầu hồi dốc, thấp
– Mái hiên thấp
– Trần thường để lộ dầm, xà (có một số chạm khắc, họa tiết trang trí)
– Có những khu vườn tươi tốt
– Tường dày, trát vữa
– Cửa sộ rộng với không gian rộng thoáng
Chìa khóa để phân biệt phong cách Địa Trung Hải Phục hưng là mái ngói và các trang trí đã đơn giản hơn (trái ngược với các chi tiết phức tạp trên cấu trúc thuộc địa Tây Ban Nha).
Bản phác thảo ngôi nhà phong cách Địa Trung Hải và các chi tiết tiêu biểu.
Một biệt thự với phong cách Địa Trung Hải điển hình.
Những ngôi nhà với hàng hiên rộng và thoáng đãng là nét đặc trưng của phong cách Địa Trung Hải.
Những khu vườn xanh mát là một phần không thể thiếu của ngôi nhà Địa Trung Hải.
Nội thất
Mặt bằng bố trí nội thất phong cách Địa Trung Hải thường không đối xứng và khá dàn trải. Mặt bằng thường là hình chữ nhật hay hình vuông, các không gian rất rộng và thoáng đãng. Đồ nội thất từ chức năng đơn giản đến vô cùng sang trọng.
– Đồ đạc thường thấp, có chân hay giá đỡ được trang trí kĩ lưỡng, tinh xảo.
– Đồ kim loại được đánh bóng sử dụng nhiều trong các không gian.
– Các chi tiết lò sưởi, đèn treo ảnh hưởng nhiều từ phong cách Ma-rốc.
– Tường dày chủ yếu trát vữa, bọc vải hoặc được nhuộm màu.
– Thảm được sử dụng nhiều, làm điểm nhấn cho không gian.
– Hoa văn sắt rèn được dùng cho các chi tiết: giường ngủ, lan can, thiết bị chiếu sáng…
– Sử dụng nhiều gạch Mosaic – đặc biệt cho phòng tắm.
Phòng tắm sang trọng với gạch Mosaic và đèn chùm sắt uốn
Màu sắc
Màu sắc sử dụng trong phong cách Địa Trung Hải thường tươi vui và trong trẻo. Những màu sắc được dùng phổ biến trong phong cách này đó là:
– Màu xanh của bầu trời và biển cả.
– Màu đất nung terra.
– Màu xanh olive.
– Màu tím hoa oải hương.
– Màu vàng nhạt của nắng.
– Màu trắng của cát biển.
Tất cả những màu sắc này được kết hợp một cách tinh tế tạo nên phong cách mang đậm hương vị biển, đem đến cho con người sự thoải mái và gần gũi với thiên nhiên.
Phòng ăn mang phong cách Địa Trung Hải.
Phòng ngủ nhẹ nhàng với hai màu chủ đạo xanh ngọc lam – trắng kết hợp với gỗ thô mộc
Phòng ngủ mang đậm phong cách Địa Trung Hải Tây Ban Nha, có ảnh hưởng của phong cách Ma-rốc
Những khoảng sân nhỏ là nơi thư giãn lý tưởng với màu xanh cây cối, bộ bàn ghế ăn ngoài trời hay những chiếc sofa vừa cổ điển, vừa hiện đại.
Theo DESIGNS.VN
Tags: Trào lưu nghệ thuật, Kiến trúc