Điểm qua những năm Sửu quan trọng lịch sử Việt Nam

Ất Sửu (905), họ Khúc giành quyền độc lập tự chủ. Kỷ Sửu (1469), vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ Ðại Việt. Quý Sửu (1973), đế quốc Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam sau hơn 20 năm đổ quân sang theo đuổi mộng xâm lăng.

Điểm qua những năm Sửu quan trọng lịch sử Việt Nam

Tượng trâu thời Lý ở chùa Phật Tích.

Tân Sửu (41): Bà Trưng xưng vương đóng đô tại Mê Linh, xây cung điện thành quách để ngăn chống giặc Tàu, lấy lại nền tự chủ đất nước sau 150 năm bị bắc thuộc.

Ất Sửu (905): họ Khúc giành quyền độc lập tự chủ, mở đầu thời đại phong kiến Việt Nam. Nhân lúc nhà Đường suy vong, Khúc Thừa Dụ một hào trưởng ở Hồng Châu (Hải Dương), tự xưng là Tiết độ sứ giành quyền quản lý đất nước, không phụ thuộc vào nhà Đường nữa. Họ Khúc thành lập chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chia nước thành các lộ, phủ, châu, giáp, xã, lập sổ hộ khẩu. Họ Khúc xóa bỏ các hình thức bóc lột tô thuế lao dịch nặng nề của nhà Đường, chỉ đặt ra có một loại là thuế ruộng. Từ đây nước ta thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, xây dựng nền độc lập tự chủ với chế độ phong kiến Việt Nam.

Ất Sửu (965): Nam tấn vương Ngô Xương Văn đi dẹp giặc ở Thái Bình bị loạn tên chết. Nhà Ngô dứt từ đó, đất nước lại trở nên rối loạn vì nạn 12 sứ quân cũng may có Vạn Thắng Vương Ðinh Bộ Lĩnh dẹp yên giúp đất nước không bị lệ thuộc giặc Tàu.

Tân Sửu (1001): Thập đạo tướng quân Lê Hoàn dẹp yên được giặc Cử Long tại Thanh Hóa, trong lúc Vệ Vương Ðinh Toàn lại bị tử trận. Nhà Ðinh chấm dứt sau đó.

Kỷ Sửu (1049): Vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm dắt mình lên một tòa sen. Tỉnh giấc nhờ triều thần đoán mộng sau đó nghe theo lời khuyên của quốc sư Thiền Tuệ, xây một ngôi chùa như trong giấc mơ để thờ Phật Bà. Ngôi chùa đó là Diên Hựu ở Thăng Long thành (Hà Nội) còn được biết qua tên Chùa Một Cột, tới nay vẫn còn tồn tại.

Ất Sửu (1145): Nhà Lý dựng trên vùng đất Tổ hai ngôi chùa thờ Phật, là chùa Diên Linh Phúc Thánh và chùa Sơn Cảnh Vĩnh Long tự.

Quý Sửu (1253): Tại kinh đô Thăng Long, nhà Trần cho lập Quốc Học Viện để giảng dạy các kinh điển như tứ thư, ngũ kinh. Lại lập Giảng võ đường để huấn luyện võ nghệ cho quân sĩ và con cháu các quan lại. Ngoài ra còn cho đắp các tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử ..

Quý Sửu (1433): Vua Lê Thái Tổ băng hà, thái tử Nguyên Long mới 11 tuổi lên nối ngôi, đó là vua Lê Thái Tông.

Kỷ Sửu (1469): Vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ Ðại Việt, chia nước thành 12 thừa tuyên gồm Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây, Kinh Bắc, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn và Ninh Sơn.

Tân Sửu (1481): Vua Lê Thánh Tôn lập nhiều đồn điền khắp nơi trong nước để sản xuất thêm lương thực và tạo thêm việc làm cho quân sĩ trong thời bình.

Tân Sửu (1481): Lập bia đá tại Văn miếu ở kinh đô Thăng Long (Hà Nội) ghi tên các vị tiến sĩ nước ta từ lúc bắt đầu có các khoa thi cho tới năm cuối cùng của nhà Hậu Lê là 124 khóa thi. Bắt đầu từ năm 1802 nhà Nguyễn dời đô về Huế và lập Văn miếu cũng như cho dựng bia ghi tên các vị tiến sĩ trong các khóa thi kế tiếp cho tới khi thực dân Pháp bãi bỏ chế độ thi cử theo Nho giáo vào đầu thập niên thế kỷ 20.

Đinh Sửu (1697): niên hiệu Chính Hòa thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, hoàn thành khắc in và công bố bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bộ sách sử vĩ đại này gồm 24 quyển viết lịch sử nước ta từ năm Nhâm Tuất (2879 trước công nguyên) thời họ Hồng Bàng (Hùng Vương) đến năm Ất Mão, Đức Nguyên năm thứ 2 đời vua Lê Gia Tông (1675). Bộ sách là kết quả biên khảo qua 3 triều đại Lý – Trần – Lê, kéo dài tới 570 năm, bắt đầu từ năm 1127 đến năm 1697 mới xong.

Kỷ Sửu (1829): Doanh Ðiền Sứ Nguyễn Công Trứ xúc tiến công cuộc khẩn hoang các vùng đất sình lầy ven biển, đã lập được hai Ấp Kim Sơn và Tiền Hải thuộc tỉnh Ninh Bình và Thái Bình (Bắc Phần).

Tân Sửu (1841): Vua Thiệu Trị cho vẽ bản đồ từng tỉnh khắp lãnh thổ Việt Nam để dùng trong lĩnh vực quân sự và hành chính. Ngoài ra nhà vua nghiêm cấm quan lại khi đi công tác không được nhũng lạm và gây kinh động dân chúng điạ phương.

Tân Sửu (1841): Vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cho kiểm kê hành chính trong cả nước. Kết quả kiểm kê cho biết:

Cả nước có 970.516 xuất đinh (nam giới trong độ tuổi làm nghĩa vụ đi phu đi lính và đóng thuế thân, từ 18 đến 50 tuổi).

– Ruộng đất cả nước có 4.063.892 mẫu (tức 1.463.000ha).
– Thóc thuế cả nước thu được 2.804.774 hộc (một đơn vị đo lường cổ bằng 12 triệu hạt thóc, khoảng 120kg), tức khoảng 335.000 tấn.
– Tiền thuế cả nước thu được 2.852.462 quan (tiền cổ, 1 quan = 10 tiền, 1 tiền = 60 đồng).
– Thuế vàng thu được 1.471 lạng (lạng ta bằng 37,5g), tức 55kg.
– Thuế bạc thu được 121.114 lạng, tức 4.540kg.
– Binh lính các loại từ Trung ương đến các tỉnh có 212.290 người.

Đây là đợt kiểm kê để lại số liệu rất giá trị. Nếu chậm trễ vài chục năm nữa, quân Pháp vào, cục diện thay đổi, chắc không thể làm được như thế.

Tân Sửu (1901): Phan Chu Trinh đậu phó bảng tiến sĩ, được triều đình Huế bổ làm thừa biện bộ lễ nhưng chẳng bao lâu thì từ chức để dấn thân vào con đường cách mạng chống Pháp. Cùng đổ khóa này có Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và bố Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Sắc.

Ðinh Sửu (1937): Ðại tá Pháp Chofflet người đã chỉ huy trận đánh diệt quân Ðề Thám năm 1913, đã tới Viện Bác Cổ Viễn Ðông ở Hà Nội, lúc đó Nguyễn Văn Tố giữ chức giám đốc, trả lại đôi kiếm của Hoàng Hoa Thám vì bị oan hồn của người anh hùng đất Việt theo quấy nhiểu đòi mạng.

Quý Sửu (1973): Đế quốc Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam sau hơn 20 năm đổ quân sang theo đuổi mộng xâm lăng.

Theo BAOTANGLICHSU.VN

Tags: , ,