Đến bao giờ Trung Quốc mới chịu trở thành ‘nước phát triển’?

Một Trung Quốc khổng lồ về mọi thứ: diện tích, dân số, GDP, lực lượng quân sự… nhưng chưa bao giờ họ nhận mình là quốc gia “phát triển”!

Đến bao giờ Trung Quốc mới chịu trở thành ‘nước phát triển’?

Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ đánh giá một nền kinh tế lại gặp khó khăn như với Trung Quốc. Họ vẫn bảo vệ quan điểm “mình là quốc gia đang phát triển”. Tất cả đều có lý do.

“Cuốn sổ hộ nghèo” mà Trung Quốc muốn duy trì giúp nước này “trợ giá nông sản” và đặt hàng rào thuế quan cao hơn các nền kinh tế phát triển – đó là ưu đãi từ WTO. Tạo ra lợi thế không nhỏ cho nền kinh tế.

Nhưng vấn đề chổ, trong con mắt nhiều người Trung Quốc đã là siêu cường. Năm 2010, GDP Trung Quốc vượt Nhật trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 toàn cầu, nếu tính theo sức mua (PPP) Trung Quốc là số 1.

Trung Quốc là nơi sản xuất hầu hết các mặt hàng hiện có trên thế giới, họ làm được và làm rất rẻ từ que tăm đến thiết bị hàng không vũ trụ; họ nắm lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Rất khó để tìm ra một quốc gia “đang phát triển nào” đủ sức đầu tư siêu dự án như “Vành đai, Con đường” trị giá hàng trăm tỷ USD hiện có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Rất khó để tìm thấy một quốc gia “đang phát triển” nào có thể “chơi tay đôi” với Mỹ trong chiến tranh thương mại; chiếm lĩnh thị trường công nghệ tiên tiến như 5G, chất bán dẫn, công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo, dron.

Rất khó để tìm thấy một quốc gia “đang phát triển” có những siêu tập đoàn kinh tế như Alibaba, Tencent, Baidu có tổng số vốn hóa trên thị trường gần 1.000 tỷ USD – tương đương GDP một nền kinh tế tầm trung ở châu Âu, bằng quy mô một nền kinh tế hàng đầu châu Phi, châu Á, châu Mỹ.

Không thể tìm thấy một quốc gia “đang phát triển” nào có năng lực “học hỏi” và “sáng tạo” khủng khiếp như Trung Quốc. Hoa Cường Bắc là một khu chợ đã xuất hiện trên CNN Business – nơi người ta có thể mua tất cả mọi thiết bị để lắp ráp thành chiếc smartphone tối tân nhất trong vài chục phút.

Bình luận của Christian Grewell, giáo sư kinh doanh Đại học New York Thượng Hải, đã tóm gọn tất cả: “Có rất nhiều phát minh, sáng tạo đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ rất nhanh ở Trung Quốc mà chúng ta không hề hay biết”.

Năm 2018, hãng thông tấn Tân Hoa Xã hồ hởi đưa tin Trung Quốc chế tạo thành công: “phát thanh viên dùng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới” – phiên bản ảo được xây dựng từ một phát thanh viên thật, có thể đọc tin tức không ngừng nghỉ 24/24 giờ.

Dù còn nhiều hoài nghi nhưng việc Trung Quốc giới thiệu “phát thanh viên AI” là cái cớ để người ta nhìn lại những gì Trung Quốc muốn làm với AI, và những gì Bắc Kinh đã làm được.

Chiết Giang dự định sẽ xây siêu xa lộ thông minh đầu tiên của Trung Quốc với mặt đường gắn các tấm pin mặt trời để xe tự lái vừa chạy vừa sạc. Xa lộ cũng được gắn một loạt cảm biến cho phép xe thông minh, tài xế “giao tiếp” với chính con đường thông qua kết nối không dây.

Hà Bắc ấp ủ dự án xây dựng thành thành phố thân thiện với xe tự hành với kế hoạch kéo dài 20 năm và trị giá 580 tỉ USD do Baidu hỗ trợ công nghệ…

Rất dễ tìm thấy các thông tin tương tự để chứng minh một Trung Quốc siêu cường, ngoại trừ các vấn đề xã hội như chênh lệch giàu nghèo, vùng miền, chỉ số phát triển con người, thể chế và tình trạng tham nhũng…

Có “sổ hộ nghèo” Trung Quốc đang “chung mâm” với các nước nghèo nhất trên thế giới trong con mắt của WTO. Họ không cảm thấy tự ái về điều này vì tính thực dụng của nó.

Tuy nhiên, khi GS Hồ An Cương – Đại học Thanh Hoa công bố “Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ” đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận và giới chức nước này.

Ông Hồ đưa ra vài dẫn chứng: Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước lớn nhất thế giới trong ngành chế tạo, năm 2013 là nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, năm 2014 là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu…

Thực lực kinh tế; thực lực khoa học kỹ thuật và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã lần lượt vượt Mỹ vào các năm 2013, 2015 và 2012. Ngoài ra về sức mạnh quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh mềm về văn hóa, Trung Quốc cũng đang tăng tốc đuổi và vượt Mỹ.

Vấn đề ở đây là, nếu vẫn trong diện “đang phát triển” có nghĩa là Trung Quốc đang tranh phần với các nước “siêu nghèo” ở Phi châu; và dùng lợi thế đó cạnh tranh với các nước lớn.

Theo DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Tags: ,