Để cây cổ thụ hiện diện trên đường phố: Nên hay không nên?

Mắt tôi dừng lại rất lâu trước bức ảnh chụp một người đàn ông lớn tuổi lặng nhìn cây sưa cổ thụ đổ rạp sau bão Yagi, trong bài báo viết rằng: khắp Hà Nội, hơn 17.000 cây xanh bật gốc, gãy thân, la liệt chắn ngang nhiều tuyến phố.

Tác giả: Trình Phương Quân, kiến trúc sư.

Nhiều người dân Thủ đô sáng nay tan bão, đã dong xe làm một vòng để trở về với nỗi xót xa cho những cái cây vốn đã trở thành một phần linh hồn của đô thị Hà Nội.

Cây đổ cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt mạng cho 14 người trong cơn siêu bão vừa qua.

Nhưng không chờ đến bão, thỉnh thoảng, nhánh cây già ở đâu đó vẫn thình lình rơi, cướp đi mạng sống của con người. Gần đây nhất, một phụ nữ tử vong khi đang đi trên đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM vì nhánh cây đổ vào người.

Những thiệt hại nặng nề này khiến một câu hỏi cũ lại được đặt ra: có nên giữ lại cây cổ thụ ven đường hay mạnh dạn thay thế bằng cây nhỏ hơn, phù hợp hơn.

Về lâu dài, cổ thụ trên vỉa hè nên được xem xét thay thế bằng cây thấp hơn với tán phủ tốt hơn để đảm bảo an toàn. Các lý do chính bao gồm:

Việc trồng cổ thụ cao hàng chục mét trên vỉa hè rất ít gặp ở nhiều quốc gia. Các nước đã thực hiện chương trình thay thế luân phiên cây lớn để đảm bảo an toàn. Cây quá cao thường không che bóng hiệu quả, vì phần lớn thời gian trong ngày, bóng cây sẽ đổ vào nhà dân hơn là lòng đường.

Cây cổ thụ với bộ rễ lớn dọc vỉa hè có thể gây hư hại hạ tầng kỹ thuật, bong tróc nền đường và tốn kém chi phí chăm sóc, bảo trì hơn nhiều so với cây nhỏ.

Các giống cây lớn nên được trồng và bảo vệ ở công viên, vườn bách thảo hoặc khu vực ít người qua lại để giảm nguy cơ rủi ro từ cành cây gãy. Cây trồng dọc vỉa hè nên là các cây có chiều cao trung bình thấp, thân cành dẻo dai và có tán lá rộng để tạo bóng tâm tốt.

Chặt và thay thế cây cổ thụ luôn là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí là nhạy cảm ở nhiều quốc gia. Nhưng việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Ở Singapore, cơ quan quản lý cây xanh NPARKS kiểm tra định kỳ những cây đạt kích thước hoặc tuổi nhất định để quyết định giữ lại hay đốn hạ. Việc chặt tỉa và trồng mới được thực hiện luân phiên theo hình thức cuốn chiếu, tức là, cây tới tuổi được đốn bỏ luân phiên và trồng thay cây con mới, để duy trì cảnh quan và bóng mát. Những cây cao trên 20 m chỉ được trồng ở công viên, ngoại ô hoặc ven đô, nơi có không gian đủ lớn để bộ rễ phát triển.

Ngoài kế hoạch dài hạn là thay thế cổ thụ, một vấn đề khác luôn phải quan tâm định kỳ là làm thế nào để bảo vệ cây xanh đô thị, duy trì cảnh quan và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão?

Cây xanh đô thị phải chịu nhiều áp lực hơn so với cây cối trong tự nhiên, thường xuyên chịu tác động từ nhiệt độ cao, biến đổi độ ẩm và ô nhiễm không khí. Đất ở khu vực đô thị thường thiếu dinh dưỡng, trong khi các hoạt động xây dựng và giao thông có thể gây hư hại đến rễ, thân, và cành cây, đồng thời hạn chế không gian sinh trưởng. Lưu lượng giao thông cao cũng làm gia tăng nguy cơ du nhập các bệnh cây ngoại lai. Do đó, việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị cần được chú trọng đặc biệt với những biện pháp bảo trì và thay thế kịp thời.

Để giảm nguy cơ gãy đổ trong những mùa mưa bão sắp tới, cần rất nhiều biện pháp cùng lúc:

Kiểm tra định kỳ: Các chuyên gia cây xanh cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm dấu hiệu suy yếu như rễ nổi, thân cây mục nát, cành khô hoặc bị bệnh. Những công nghệ đánh giá hiện đại như VTA, đo điện trở hoặc siêu âm có thể xác định chính xác tình trạng cây.

Tỉa cành đúng cách: Tỉa cành giúp loại bỏ cành khô yếu, giảm sức cản gió và tăng độ ổn định. Phương pháp tỉa thưa tán và giảm chiều cao tán có tác dụng giảm tải trọng gió, ngăn ngừa gãy đổ.

Cải thiện cấu trúc rễ: Đảm bảo rễ cây không bị tổn thương và có đủ không gian phát triển bằng cách giữ đất thoáng khí, bổ sung dinh dưỡng định kỳ để rễ khỏe mạnh.

Hỗ trợ cây trưởng thành: Những cây có giá trị bảo tồn nhưng đã suy yếu cần hỗ trợ thêm bằng cáp, dây chằng, hoặc các hệ thống chống đỡ để tăng khả năng chịu gió bão.

Bảo vệ khỏi các yếu tố gây hại: Chăm sóc hợp lý như bón phân, tưới nước và bảo vệ khỏi sâu bệnh sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh và tăng khả năng chống chịu thời tiết.

Nỗi xót thương khiến nhiều người đang kêu gọi trồng lại những cây vừa bị bão Yagi quật ngã. Nhưng với những trường hợp không thể cứu, sự mất mát này là cơ hội để thay thế giống cây phù hợp hơn. Đô thị nên ưu tiên những cây có rễ vững chắc và khả năng chịu gió bão tốt, tránh các loài cây gỗ giòn, dễ gãy.

Theo nghiên cứu của tôi, hai loại cây rất phù hợp để trồng trên vỉa hè ở Việt Nam là cây Còng (Samanea Saman) và cây Trai Lý (Fagraea fragrans). Cây Còng có tán rộng hình chiếc ô từ 20-30 m, phát triển tốt trong khí hậu nhiệt đới, ít cần chăm sóc và hoa ít mùi. Cây Trai Lý cao từ 10-25 m, phát triển mạnh mẽ trong môi trường đô thị, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và tạo cảnh quan xanh mát cho các tuyến đường.

Việc cân bằng giữa an toàn tính mạng con người và cảnh quan, sinh thái, tạo bóng râm cần có sự tính toán và cân đối phù hợp để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ còn xuất hiện với tần suất càng phổ biến.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , ,