Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài: Sướng như ông hoàng ở Quy Nhơn

Cha Buzomi, cha De Pina và tôi cùng rời Hội An để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế.

Tác giả: Cristophoro Borri.

Nguồn: Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM.

Được đối xử như một ông hoàng

Quan trấn thủ luôn để chúng tôi ở cùng với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi (từ Hội An đi Quy Nhơn bằng đường biển – ND). Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế người ta quý mến chúng tôi. Và đó cũng chính là điều quan trấn thủ muốn, ông cũng nghe theo lời chúng tôi thỉnh cầu trong rất nhiều trường hợp phải xử trị một trọng tội nào đó. Chúng tôi chưa kịp mở miệng xin ân xá thì ông đã bằng lòng ban ngay rồi. Do đó chúng tôi được nổi tiếng, có thế giá không kém quan trấn thủ. Thấy chúng tôi có lòng bác ái và thương xót hết mọi người nên ai cũng quý mến và tìm đến chúng tôi.

Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài: Được đối đãi như ông hoàng ở Quy Nhơn

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (nhà thờ Nhọn) ngày nay.

Ngoài ra quan trấn thủ muốn trong suốt cuộc hành trình người ta đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những quan lớn, tới đâu ông cũng tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền, đặt giải thưởng cho thuyền nào thắng cuộc. Không ngày nào ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Quy Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới.

Ông còn muốn dành cho chúng tôi cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc linh đình. Không những vì có rất nhiều món khác nhau, mà còn vì có nhiều cách nấu nướng đặc biệt và nhiều thứ thịt thà, dọn theo bếp châu Âu, mặc dầu cả quan trấn thủ, cả mọi người trong nhà đều không dùng được.

Tám ngày tiệc tùng

Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh. Tám ngày tiệc tùng liên tiếp và cỗ bàn linh đình. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Ai cũng đồng thanh quả quyết rằng người ta chỉ dành những danh dự này cho bản thân các chúa mà thôi. Quan trấn thủ rất lấy làm hài lòng và tuyên bố trong cuộc họp chung các quan trong phủ rằng: thật ra các cha là con vua con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại, mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn.

Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc Âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không dễ dàng cho công việc. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi. Sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tùy tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi.

Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, linh mục dòng Tên Cristophoro Borri (người Ý) kể lại rằng ông cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) năm 1618 rồi trú trong khu thương nhân Bồ Đào Nha tại Đà Nẵng một thời gian ngắn. Tháng 7/1618, theo lời mời của quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa, Francesco Buzomi, Cristophoro Borri, Francisco de Pina đã rời Hội An đi Quy Nhơn. Sau đó, được sự giúp đỡ của quan trấn thủ, các giáo sĩ dòng Tên đã xây dựng cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn. Cristophoro Borri ở Nước Mặn từ năm 1618 đến 1622 trở về lại Ma Cau.

Theo linh mục Gioan Võ Đình Đệ (công tác tại Tòa Giám mục Quy Nhơn, Bình Định), Nước Mặn là cơ sở đầu tiên được các thừa sai dòng Tên ở Đàng Trong thành lập vào tháng 7.1618. Trong thư báo cáo về Đàng Trong do linh mục Joaõ Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha năm 1621 tại Ma Cau gửi cho linh mục Mutio Vitelleschi (cha bề trên cả dòng Tên tại Roma) xác nhận năm 1620 tại Đàng Trong đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt là linh mục Cristophoro Borri và Francisco de Pina. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, Cristophoro Borri đã viết tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo xứ Ðàng Trong bằng tiếng Italia, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.

Hiện Tòa Giám mục Quy Nhơn xác định vị trí đặt cơ sở truyền giáo Nước Mặn ngày xưa nằm trong vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định. Tháng 5.2011, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng một hòn non bộ với diện tích 64 m², có dòng chữ kỷ niệm việc các thừa sai dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo.

HOÀNG TRỌNG

.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: ,