⠀
Đằng sau sự thống trị tuyệt đối của Hàn Quốc ở môn bắn cung Olympic
Hơn một thập kỷ trước, hãng Reuters đã đưa tin về giả thuyết “ngón tay kim chi”. Trong đó, sự khéo léo của các cung thủ Hàn Quốc được cho là do việc sử dụng đũa thường xuyên…
Hàn Quốc đã thống trị tuyệt đối ở môn bắn cung của Olympic Paris 2024 khi giành trọn bộ 5/5 HCV, gồm các nội dung đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, cá nhân nữ và mới nhất là cá nhân nam khi huyền thoại Kim Woo Jin đánh bại Brady Ellison của Mỹ ở chung kết.
Thành công của Hàn Quốc tại Olympic trong môn bắn cung có thể so sánh với các quốc gia khác luôn thống trị các môn thể thao cụ thể, chẳng hạn như đội tuyển bóng rổ nam của Mỹ, có biệt danh là “Dream Team”. Hàn Quốc bắt đầu tham gia các nội dung bắn cung cá nhân từ năm 1984 và nội dung đồng đội từ năm 1988. Họ đã giành được tổng cộng 31 HCV, trong đó có 5 HCV ở Olympic Paris 2024.
Trong suốt các kỳ Olympic, các nữ cung thủ Hàn Quốc đã giành chiến thắng trong mọi nội dung đồng đội nữ từ năm 1988 và đã giành chiến thắng hầu hết tất cả các nội dung cá nhân (ngoại trừ một nội dung) kể từ năm 1984. Các cung thủ nam của Hàn Quốc ít nổi bật hơn với chỉ 3 HCV ở các nội dung cá nhân, nhưng họ đã vô địch nội dung đồng đội 7 lần.
Giống như hầu hết các đế chế thể thao, đội tuyển bắn cung Hàn Quốc có nhiều câu chuyện để lý giải độ nhất quán của họ. Trong đó, các VĐV phải trải qua một chế độ đào tạo khắc nghiệt. Ki Bo-bae – một cung thủ từng giành 3 HCV Olympic và hiện đã giải nghệ – cho biết.”Quốc gia chúng tôi có rất nhiều VĐV bắn cung giỏi, và chỉ những người giỏi nhất mới được đi thi đấu Olympic. Vì họ được chọn từ những người giỏi nhất, các VĐV Olympic có trách nhiệm đại diện cho những người khác. Tôi nghĩ đây là cách chúng tôi có thể đạt được những kết quả tuyệt vời như vậy”.
Hàn Quốc không trao bất kỳ lợi thế nào cho các VĐV dựa trên thành tích trước đây của họ. Điều đó có nghĩa là ngay cả những người từng giành HCV Olympic trước đó cũng phải cạnh tranh từ đầu để có được suất tham dự Olympic tiếp theo. Điều này buộc các VĐV phải liên tục mài giũa kỹ năng của mình và đạt đến đỉnh cao phong độ.
Để hoàn thiện kỹ năng cá nhân, các cung thủ Hàn Quốc đã trải qua một quá trình huấn luyện cường độ cao từ khi còn nhỏ. Trái với một số quan niệm sai lầm, Hàn Quốc không hề có môn học bắn cung ở trường học như người ta đồn thổi. Hầu hết người Hàn Quốc trải qua cả cuộc đời mà không bao giờ chạm vào cung tên.
Hơn một thập kỷ trước, hãng Reuters đã đưa tin về giả thuyết “ngón tay kim chi”. Trong đó, sự khéo léo của các cung thủ Hàn Quốc được cho là do việc sử dụng đũa thường xuyên. Thực tế là không có quốc gia hay người dân sử dụng đũa nào khác có thể sánh ngang với sự thống trị của Hàn Quốc trong môn thể thao này. Ví dụ, Trung Quốc chỉ giành được một HCV môn bắn cung Olympic, trong khi Nhật Bản chưa bao giờ giành được huy chương nào.
Một câu chuyện khác cho rằng thành công của người Hàn Quốc trong môn bắn cung là do vương quốc Goguryeo (Cao Câu Ly) cổ đại của Hàn Quốc. Vị vua đầu tiên là một bậc thầy về cung tên. Vương triều này kết thúc vào năm 668 sau Công nguyên và hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đã sử dụng cung tên làm vũ khí chính trước khi súng được phát minh.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng thành công của các cung thủ Hàn Quốc là do cách tiếp cận cơ học sinh học để hoàn thiện kỹ thuật bắn cung. Họ dành nhiều tháng để học tư thế đúng và cách giương cung. Sự cống hiến cho những điều cơ bản, kết hợp với nhiều năm cống hiến và cạnh tranh cực cao đã tạo ra khả năng bắn chính xác nhất trong thời hiện đại.
Vào năm 2013, Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc (KAA) đã công bố một kế hoạch dài hạn để phát triển tương lai của bắn cung Hàn Quốc, bao gồm việc lựa chọn và hỗ trợ các VĐV trẻ có tiềm năng. Cùng năm đó, hiệp hội đã chọn 10 cung thủ dưới 15 tuổi để nhận trang thiết bị và đào tạo mà trước đây chỉ dành riêng cho các VĐV cấp đội tuyển quốc gia.
Với chiến lược hợp lý, Hàn Quốc này đã thành công hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong môn bắn cung kể từ những năm 1980. Môn thể thao này được xem là “mũi nhọn” của họ khi dự đấu trường Olympic.
Theo BÁO TIN TỨC
z
Tags: Thể thao, Hàn Quốc