Đặc quyền con nhà giàu và sự rạn nứt của xã hội Hàn Quốc

“Daddy Chance” – ám chỉ những đứa trẻ được hưởng đặc quyền khi có bố mẹ giàu có, quyền lực – gây nên nhiều tranh cãi về bất bình đẳng trong xã hội Hàn Quốc.

Đặc quyền con nhà giàu và sự rạn nứt của xã hội Hàn Quốc

Sự phân biệt đối xử, bất công luôn là vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc. Cách biệt giàu – nghèo đặc biệt gây ra tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc trong giới trẻ.

Theo Korea Bizwire, bất chấp việc đấu tranh để tạo nên sự công bằng, một xu hướng mới vẫn bùng nổ trong xã hội, có tên gọi “Daddy Chance” – ám chỉ những đứa trẻ được hưởng đặc quyền khi có bố mẹ giàu có, quyền lực.

Xu hướng này đã gây nên tranh cãi khi nó phá vỡ sự công bằng trong xã hội: những đứa con lợi dụng vị thế, tiền bạc và uy tín của cha mẹ để dễ dàng leo lên nấc thang thành công.

Lợi dụng đặc quyền

Vụ án nổi bật là Chung Soon-shin, cựu công tố viên, đã mất chức Cục trưởng Cục Điều tra Quốc gia vì bao che tội bạo lực học đường của con trai mình.

Năm 2017, con trai của Chung, theo học một trường phổ thông tư thục ở Gangwon-do, đã dùng những lời lẽ chửi bới, lăng mạ bạn cùng lớp là A.

Do đó, tháng 3/2018, ông Chung nhận được văn bản yêu cầu xin lỗi và bàn giao từ ủy ban bạo lực của trường. Tuy nhiên, với tư cách một công tố viên vào thời điểm đó, ông đã tác động, yêu cầu hủy bỏ hình thức kỷ luật.

Tới tháng 2/2019, người con trai được chuyển từ trường tư thục sang một trường khác và sau khi tốt nghiệp vào năm 2020, anh ta đỗ vào Đại học quốc gia Seoul.

Trong khi đó, nạn nhân của con trai Chung không thể tiếp tục việc học tập bình thường vì chấn thương tâm lý, thậm chí sau khi thủ phạm chuyển trường một năm. A có thời gian phải điều trị tại bệnh viện tâm thần.

Sau khi quay lại trường, A vẫn chịu đựng nỗi đau tinh thần, thậm chí nghĩ đến việc tự tử. Anh cũng không theo học đại học sau đó.

Câu chuyện bao che học đường cho con trai của Chung đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận Hàn Quốc, thành trường hợp tiêu biểu cho bất bình đẳng xuất phát từ cái gọi là “Daddy Chance”.

Sự thất vọng và tức giận lan rộng trong công chúng đã dẫn đến trào lưu trong giới trẻ, kêu gọi khôi phục sự bình đẳng.

Các nhà lãnh đạo chính trị cũng kêu gọi sự thay đổi. Trong đó có ông Thống đốc Gyeonggi Kim Dong-yeon, người được coi là “biểu tượng công bằng”. Ông Kim đứng lên để ủng hộ khôi phục công bằng thực sự trong xã hội Hàn Quốc.

“Thứ chúng ta cần không phải là công bằng cho kẻ mạnh, mà là cơ hội cho kẻ yếu”, Kim tuyên bố, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giải quyết gốc rễ gây ra bất bình đẳng.

Cấu trúc xã hội hiện tại đang bị ảnh hưởng bởi “cơ hội không chia đều” và một hệ thống chỉ ưu ái người giàu.

Kim nói thêm rằng bất công mang tính hệ thống này được duy trì bởi đặc quyền và lợi ích, thể hiện qua khái niệm “Daddy Chance”. Và nó không chỉ dừng lại trong môi trường giáo dục.

Gần đây, câu chuyện ông bố dùng đặc quyền để mua cho con siêu xe triệu đô và căn hộ đắt đỏ đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Theo đó, người đứng đầu một công ty, gọi tắt là B, đã trốn thuế doanh nghiệp bằng cách hạch toán các chi phí hư cấu, và các con của ông đã mua 10 chiếc siêu xe dưới danh nghĩa của công ty.

Cách biệt khó xóa bỏ

Sự chênh lệch giàu nghèo của người trẻ ở Hàn Quốc đang ngày càng sâu sắc. Nó được tô đậm thông qua nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình ăn khách.

“Penthouse” (Cuộc chiến thượng lưu), một bộ phim truyền hình nổi tiếng được xem là phản ánh sát thực tế về sự bất bình đẳng qua câu chuyện về giới thượng lưu.

Trong đó, một học sinh có cha mẹ giàu có nói với bạn bè cùng lớp rằng chỉ con cái của gia đình có địa vị cao hoặc thiên tài mới là người được chọn. Lời thoại quá sát thực tế của bộ phim đã góp phần thúc đẩy làn sóng kêu gọi công bằng, công lý trong xã hội.

Bộ phim đạt giải Oscar “Parasite” của đạo diễn Bong Joon-ho cũng phản ánh thực tế của chênh lệch giàu – nghèo quá lớn. Bộ phim kể về một gia đình họ Ki sống tại tầng bán hầm (hay còn gọi là “banjiha”), tìm cách sống bám lấy nhà chủ giàu có và gặp phải kết cục thê thảm.

Nó phơi bày khía cạnh đen tối về sự tăng trưởng kinh tế: sự phân hóa cực đoan giữa người giàu với người nghèo trong xã hội.

Theo Korea Herald, năm 2021, 20% người thuộc nhóm giàu nhất trong độ tuổi 20 và 30 nắm giữ trung bình 981,85 triệu won (764.442 USD), cao gấp 35,27 lần so với 20% người thuộc nhóm nghèo nhất.

“Về cơ bản, họ (hai nhóm) có điểm xuất phát khác nhau, điều đó không công bằng vì nó là thứ bạn không thể thay đổi”, Hạ nghị sĩ Kim Hoi-jae của Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc nói.

Ông ám chỉ những người trẻ thuộc nhóm giàu nhất trở nên giàu có nhanh hơn nhờ được chuyển giao tài sản từ cha mẹ của họ.

“Đã đến lúc phá vỡ vòng luẩn quẩn không công bằng, khi những người trẻ đứng ở vạch xuất phát khác nhau tùy theo mức độ giàu có của cha mẹ”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,