Cuộc đời vĩ đại và hồi kết đau thương của Julius Caesar

Không chỉ là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới, Caesar nổi tiếng là một lãnh tụ quân sự tài ba với những nguyên tắc dụng quân bậc thầy.

Cuộc đời vĩ đại và hồi kết đau thương của Julius Caesar

Julius Caesar, tên đầy đủ là Gāius Jūlius Caesār (100 TCN – 44 TCN), là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã. Ông đồng thời là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Caesar được đánh giá là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất, chính trị gia xuất sắc nhất và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của lịch sử thế giới thời La Mã cổ đại.

Ông được tôn vinh là “Hoàng đế không ngai” của Đế chế La Mã, là nhân vật từng liên kết với Pompey, Crassus tạo thành “Liên minh Tam hùng” nổi tiếng trong lịch sử La Mã.

Nhiều nhà sử học cho rằng Caesar là nhân vật có ảnh hưởng còn lớn lao hơn nhiều so với các vua chúa, các hoàng đế thời cổ xưa bởi cái tên Caesar đã tượng trưng cho quyền lực và phong cách uy nghi.

Julius Caesar được hậu thế ghi nhận là một danh tướng, một nhà chính trị có tài, một chính khách nhìn xa trông rộng, một văn nhân và đồng thời cũng là một nhà hùng biện nổi tiếng trong lịch sử.

Nguyên tắc quân sự của Caesar: Đồng cam cộng khổ cùng binh sĩ

Sự nghiệp quân sự rất thành công của Caesar khiến ông đuợc xếp vào ngang hàng với Alexander Đại đế (356 TCN – 323 TCN), Hannibal (247 TCN – 183 TCN), Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) và Napoleon (1769 – 1821). Tên ông nổi bật trong danh sách “10 đại tướng vĩ đại nhất của thế giới”.

Mặc dù ông cũng đã từng thất bại lớn trong nhiều trận đánh, như trận Gergovia (trong cuộc chinh phạt xứ Gaul), trận Dyrrhachium (trong cuộc Nội chiến), thế nhưng khả năng, mưu lược tài tình của ông vẫn ngời sáng.

Công cuộc xây đắp thành lũy ở Alesia trong cuộc chiến xứ Gaul, chiến thắng đội quân đông đảo hơn rất nhiều của Pompey ở Pharsalus.

Và sự tận diệt đội quân của vua Pharnaces ở Trận Zela… là những bằng chứng hùng hồn nhất cho tài lãnh đạo và dụng quân xuất chúng của chiến lược gia tài ba thời Lã Mã cổ đại này.

Thời thanh niên, Caesar đã bộc lộ nhân cách của một nhà lãnh đạo khi đối mặt với bọn cướp biển vùng Cilicia. Ngay trong tình trạng bị giam cầm Caesar vẫn tìm cách giữ mình khỏe mạnh.

Khi bọn hải tặc nói với Caesar rằng chúng sẽ đòi tiền chuộc ông là 20 talent vàng, Caesar cười to và bảo ông đáng giá ít nhất 50 talent (12.000 miếng vàng).

Sự kiện này được đem làm một dẫn chứng cho sự tự tin của Caesar ngay cả khi sống trong nguy hiểm, làm giảm đi khả năng bị giết hại của ông.

Khi đã là một nhà cầm quân, Caesar chiến thắng các đối thủ dưới bất kỳ địa hình, thời tiết nào. Điều này phần lớn là nhờ vào sự trung thành, tính kỷ luật cao trong quân ngũ và khả năng điều khiển, tài cầm quân tuyệt vời của ông.

Caesar sử dụng một đội hình quân đội xuất sắc: Kỵ binh và bộ binh của ông là tốt nhất của La Mã thời đó; cùng với các thiết bị chiến tranh của La Mã tối ưu như máy bắn đá, máy bắn tên…

Điều này góp phần làm cho lực lượng của ông trở nên cực kỳ thiện chiến, kỷ luật và di chuyển rất nhanh.

Tài mưu lược của ông thể hiện trong bản hồi kí ông ghi chép lại. Caesar kể rằng, một số làng của người Gaul được xây dựng trên dốc thẳng đứng, rất vững chắc, khó tấn công và nếu có tấn công thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Thế nhưng, các máy móc và kĩ sư của ông lại có thể đào qua các lớp đá cứng và tìm ra nguồn cung cấp nước cho các làng đó, rồi ông ngắt nó đi. Ngôi làng thiếu nước cung cấp, đầu hàng hầu ngay lập tức.

Một đội quân giỏi nếu không có tướng tài thì cũng không đem về thắng lợi vinh quang. Quân đội xuất sắc là nhờ vào tài người cầm quân giỏi.

Caesar được các binh sĩ dưới quyền nể trọng và tôn thờ chứ không phải sợ hãi. Bởi ông không phải là vị tướng đi sau hàng quân mà luôn sát cánh, dạy bảo họ và “đồng cam cộng khổ” cùng binh sĩ.

Ông sẵn sàng phóng ngựa đi đầu, ăn cùng thứ thực phẩm giống binh lính, uống cùng thứ rượu chua và từ chối ngủ lều khi binh lính còn nằm trong giá lạnh.

Nguyên tắc hàng đầu của ông là: “Trong đội quân La Mã thần thánh, không cho phép sĩ quan đánh đập và sỉ nhục người lính”.

Từ một nhà quân sự lên lãnh tụ chính trị vĩ đại

Thắng lợi về quân sự giúp ông tiến một bước dài trên con đường chính trị. Từ một nhà quý tộc của chế độ cộng hòa, Ceasar trở thành “chúa tể” duy nhất của La Mã.

Vào năm 63 TCN, Caecilius – người được Sulla chỉ định làm Đại giáo chủ chết, Caesar quyết định ra tranh cử và đây chính là một trong những bước đi quan trọng của ông trên con đường chính trị.

Từ một người mở rộng lãnh thổ cai trị cho đế chế La Mã, Ceasar lên nắm quyền và trở thành nhà độc tài của thành Rome, mở đường cho sự hình thành Đế quốc La Mã.

Tại La Mã, Caesar nắm quyền lực tuyệt đối và tự phong mình là quan chấp chính tối cao và nhà độc tài. Ông sử dụng quyền lực của mình để tiến hành những cải cách cần thiết như:

Giảm nợ, mở rộng viện nguyên lão, xây dựng Quảng trường Iulium (hay còn gọi là Quảng trường Caesar), cải cách để dẹp trừ tệ nạn xã hội và sửa đổi lại lịch.

Ngoài ra, các công trình công cộng lớn đã được tiến hành:

Caesar cho tu sửa lại La Mã – vốn đang là một đô thị ngổn ngang với các kiến trúc bằng gạch không mấy ấn tượng; một thư viện công cộng dưới sự quản lý của Học giả vĩ đại Marcus Terentius Varro cũng đang được thi công.

Tòa nhà của Viện Nguyên lão, Curia Hostilia, tuy vừa mới được sửa chữa, được bỏ để xây một tòa nhà mới tên là Curia Julia; quảng trường Caesar cùng với đền thờ Venus được xây dựng; thành phố Pomerium được mỏ rộng để cho phép sự phát triển dân số….

Nhờ những chính sách và cải cách ông mang lại, Caesar đã được Viện Nguyên Lão La Mã tôn vinh là Imperus Maximus Dalte Sum Romana (vị thống soái cao nhất của La Mã).

Danh hiệu này khẳng định rằng ông la Praetori et Romanus, nghĩa là “Người bảo trợ cao nhất của La Mã” (sau này danh hiệu này được truyền cho Augustus).

Bị ám sát

Vào đầu năm 44 TCN, khi mà danh tiếng của Caesar không ngừng tăng và hố ngăn cách giữa ông và giới quý tộc ngày càng sâu, các âm mưu ám sát ông bắt đầu.

Một nhóm trong số họ, đứng đầu là Cassius và Brutus, đã ám sát Caesar thành công vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN.

Vụ ám sát Julius Caesar là kết quả của một âm mưu của nhiều vị Nguyên lão, những người đã tự gọi mình là Người giải thoát.

Julius Caesar bị họ đâm chết tại một vị trí liền kề với Nhà hát Pompey vào ngày Ides tháng 3 năm 44 TCN.

Sự việc này châm ngòi cho thời kỳ cuối cùng của cuộc nội chiến, đánh dấu sự kết thúc của nền Cộng hòa và sự nổi lên của người cháu mà Caesar chỉ định làm người thừa kế: Octavian, hay còn được biết đến với tên gọi Augustus, vị hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại.

Cho đến nay, câu nói lúc hấp hối của Julius Caesar đang còn là điều bí ẩn, chưa thể giải đáp thỏa đáng.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , , ,