Cứ thế này, bao giờ Việt Nam mới bằng được Malaysia, Thái Lan?

Nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan vào năm 2010.

Khoảng cách với Singapore, Thái Lan

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% của giai đoạn 1990-2000 xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011-2016.

Như vậy, tăng trưởng đã giảm khá nhanh và nếu tiếp tục xu hướng này Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.

Đó là những nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại hội thảo bàn về các giải pháp tăng năng suất lao động ở Việt Nam do Viện này và Đại sứ quán Úc phối hợp tổ chức.

Một trong các lý do khiến tăng trưởng của Việt Nam thấp, theo TS Cung, là bởi năng suất lao động của Việt Nam còn quá khiêm tốn.

Hơn 3 thập kỷ qua, tăng năng suất lao động ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân Việt Nam. Mức tăng này là khá cao trong giai đoạn 1990-2000 và 2000-2012, ở mức 4,8% và 4,3%, kết hợp với tốc độ tăng cao lực lượng tham gia lao động thời kỳ này đã đem đến tốc độ tăng trưởng cao cho Việt Nam, lần lượt là 7,3 và 6,7%.

Những năm gần đây, tốc độ tăng năng suất sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3,8% vào năm 2013 đã tăng lên cao nhất là 6,5% năm 2015. Thế nhưng, do tốc độ tham gia của lực lượng lao động giảm rõ rệt nên tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ giữ được ở mức vừa phải.

Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động ngày càng phải tăng cao hơn để có thể nâng cao tốc độ tăng GDP.

Với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore giảm từ 15,7 lần năm 2010 xuống còn 14,3 lần năm 2016; với Malaysia từ 6,6 lần xuống còn 5,7 lần, với Thái Lan từ 2,9 lần xuống còn 2,7.

“Nếu tình trạng này không cải thiện mạnh, Việt Nam khó có thể đuổi kịp và thu hẹp khoảng cách với các nước khác. Tăng trưởng GDP phải đạt 7%/năm hoặc cao hơn mới thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động và phát triển với các nước”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 ngày 13/12, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cảnh báo: Trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng. Tuy nhiên, việc năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

“Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore”, ông Ousmane Dione dự báo.

Cách nào thoát phận đi sau?

Để nâng cao năng suất lao động, ông Raymond Mallon, chuyên gia tư vấn chính sách cấp cao của Australia cho rằng: Việt Nam cần giảm các rào cản đối với việc chuyển từ sản xuất giá trị thấp, kể cả gạo, sang sản xuất có giá trị cao hơn; để cho các doanh nghiệp hoạt động kém phá sản, bao gồm cả DNNN.

Một ví dụ có thể minh chứng cho nhận định của ông Raymond Mallon là chuyện của Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây vùng này tập trung vào vựa nông sản lúa gạo, thủy sản, trái cây thì nay chuyển sang thủy sản, trái cây và lúa gạo, từ đó vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu.

Dẫn câu chuyện ĐBSCL, ông Ousmane Dione cho rằng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở khu vực này là một ví dụ rõ ràng về nâng cao năng suất lao động. Bởi ĐBSCL đã chuyển đổi từ mô hình truyền thống là “lúa gạo – trồng cây ăn trái – nuôi tôm” sang một cơ cấu sản xuất có giá trị cao hơn là “nuôi tôm – trồng cây ăn trái – lúa gạo”.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Trong quá trình này, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực.

Cuối cùng, ông Ousmane Dione khuyến nghị cần tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Theo LƯƠNG BẰNG / VIETNAMNET

Tags: ,