COVID-19 và bi kịch của nhóm người bị gạt ra ngoài lề xã hội Singapore

Singapore bị chỉ trích vì coi dịch bệnh ở khu nhà ở của lao động nước ngoài như một dịch bệnh riêng rẽ, tách biệt với dịch bệnh “ngoài cộng đồng”.

Số ca nhiễm ở Singapore, với dân số dưới 6 triệu người, đã tăng gấp 100 lần trong hai tháng qua, từ 226 giữa tháng 3 lên hơn 23.000 hiện nay.

Khoảng 90% số ca nhiễm ở Singapore có liên quan đến các khu nhà ở của lao động nước ngoài, do chính quyền đã để sơ hở trong việc giám sát phòng dịch, theo AP.

Làn sóng lây nhiễm thứ hai này đã phơi bày nguy cơ của việc bỏ rơi các nhóm bên lề xã hội trong một dịch bệnh. Từ đầu tháng 2, các nhóm nhân quyền đã cảnh báo về các khu nhà ở lao động nước ngoài vốn chật chội, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nhưng chính quyền đã không hành động.

Sai lầm tốn kém và nỗ lực khắc phục

Sự sơ hở tốn kém của Singapore cũng là bài học quan trọng đối với các nước trong khu vực có số lao động nhập cư lớn. Nước láng giềng Malaysia gần đây tuyên bố xét nghiệm bắt buộc đối với hơn 2 triệu lao động nước ngoài tại nước này, sau khi hàng chục lao động nước ngoài nhiễm bệnh.

Ngoài ra, câu chuyện của Singapore cũng phơi bày tình cảnh của lao động nước ngoài ở Singapore, có số lượng đông đảo, đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế đảo quốc, nhưng lương thấp, sống trong điều kiện chật hẹp, gần như không thể “giãn cách xã hội”.

Ngoài ra, sai lầm của Singapore cũng ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Lý Hiển Long, người đứng trước cuộc tổng tuyển cử trong những tháng tới – được cho là lần cuối ông ra tranh cử. Ông Lý đã lãnh đạo Singapore từ năm 2004.

Singapore, quốc gia được quốc tế khen ngợi vì truy vết quyết liệt và xét nghiệm hiệu quả ngay khi xuất hiện ca nhiễm, lần này cũng nhanh chóng hành động để kiểm soát tình hình, coi dịch bệnh ở khu nhà ở lao động nước ngoài như một dịch bệnh riêng rẽ, tách biệt với dịch bệnh “ngoài cộng đồng”. Có ý kiến nói chính sách như vậy mang tính kỳ thị, theo AP.

Chính phủ đóng cửa trường học và các dịch vụ không thiết yếu trên toàn đảo quốc vào ngày 7/4. Các “đại sứ giãn cách xã hội” được tuyển dụng để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, đứng cách nhau ít nhất 1 m ở nơi công cộng.

Trong khi đó, toàn bộ các công trường và ký túc xá bị phong tỏa, và lao động đa phần phải ở trong phòng. Hơn 10.000 lao động nước ngoài làm các công việc thiết yếu được chuyển tới các khu an toàn hơn, để giảm mật độ. Xét nghiệm được đẩy nhanh, bao gồm cả người không triệu chứng.

Mohamad Arif Hassan đang phải ở trong phòng, đang chờ xét nghiệm virus. Thợ xây 28 tuổi người Bangladesh trước đó ở chung phòng với 11 người. Trong đó, một người được chuyển sang một trại quân đội đầu tháng 4. Một người phải nhập viện vì sốt, còn một người khác phải cách ly vì có triệu chứng nhẹ – hai người này sau đó đều dương tính.

Dù vậy, Arif cảm thấy an tâm về các bệnh viện hiện đại ở Singapore, và số ca tử vong khá thấp do virus.

Anh được giao đồ ăn mỗi ngày tận phòng, có Wi-Fi miễn phí trên điện thoại, và quan trọng hơn cả, chính phủ cam kết sẽ trả đủ lương cho mọi lao động.

“Tôi không quá lo vì chính phủ đang chăm lo tốt cho chúng tôi như người Singapore”, Arif, đã sống ở Singapore 7 năm, nói với AP.

“Hiện nay, chúng tôi đo thân nhiệt hai lần một ngày, cố giữ khoảng cách 1 m và dùng nước rửa tay thường xuyên”.

“Một quốc gia, hai dịch bệnh”

Theo AP, Singapore đã dựa vào lao động nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm động lực để tăng trưởng thành một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới.

Khoảng 1,4 triệu lao động nước ngoài sống ở Singapore, chiếm 38% lực lượng lao động. Trong đó, ít nhất 2/3 là lao động lương thấp, thời vụ đến từ khắp châu Á. Họ làm các công việc chân tay mà người dân ở đây thường tránh, như xây dựng, giao hàng, sửa chữa, giúp việc.

Khoảng 250.000 người nhập cư sống trong 43 khu nhà ở tư nhân, chủ yếu nằm ở ngoại ô, cách xa những trung tâm thương mại hay tòa nhà cao cấp, hoa lệ của Singapore. Họ ở giường tầng, trong các phòng có 12 người, có khi 20 người. Không gian tối thiểu mỗi người là 4,5 m2.

Khoảng 120.000 lao động nhập cư khác sống trong các khu nhà tạm ở công trường, và điều kiện sống ở đây có thể còn tệ hơn.

Hầu hết người lao động ở Singapore kiếm được từ 500-1.000 đôla Singapore, tương đương 354-708 USD mỗi tháng.

Kể từ tháng trước, Singapore đã tách biệt số ca nhiễm trong nhóm lao động nước ngoài với số ca nhiễm trong người dân Singapore. Số ca nhiễm “trong cộng đồng” người Singapore đã giảm, dù rằng số ca nhiễm trong nhóm lao động nước ngoài vẫn tăng, cho thấy sự tách biệt giữa hai nhóm.

“Singapore là câu chuyện ‘một quốc gia, hai dịch bệnh’” Eugene Tan, giáo sư luật tại Đại học Quản trị Singapore (SMU), nói với AP, nhận định rằng việc dịch bệnh đang diễn biến tích cực trong cộng đồng người Singapore là câu chuyện lớn hơn.

“Dịch bệnh mà người Singapore nên lưu ý là dịch bệnh trong cộng đồng. Dịch bệnh còn lại, trong số lao động nước ngoài, đang được chính phủ xử lý đúng mức, và không nên là nỗi lo ngại thái quá”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,