⠀
Có một ‘đại dịch đen’ trong lòng đại dịch COVID-19 ở Việt Nam
Đó là cách gọi tình trạng bạo lực giới trong đại dịch COVID-19. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có hơn một người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra.
Vì ghen tuông, chồng đuổi theo tạt axit, truy sát vợ giữa đêm ở Bắc Giang. Clip ghi lại một phần sự việc lan truyền khắp mạng xã hội.
Trước khi xảy ra sự việc đau lòng, nạn nhân gửi tin nhắn về cho gia đình. Nhưng có lẽ, chính cô không nghĩ trường hợp của mình đến mức nguy hiểm, cần lên kế hoạch hay có ai đi cùng hỗ trợ.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên), nhận định giai đoạn chia tay trong hôn nhân, trước và sau ly hôn hoặc trong các mối quan hệ hẹn hò đều rất nguy hiểm.
Việc tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ về bạo lực trên cơ sở giới vào những thời điểm đó là rất quan trọng. Nếu kịp thời, rất nhiều án mạng hoặc trường hợp đánh đập thành thương tích có thể không xảy ra.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), bạo lực giới là bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở đối xử phân biệt giới hoặc giới tính. Nó bao gồm các hành động gây tác hại hoặc gây đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình dục, gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi này, sự cưỡng bức và tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau.
Bạo lực giới rất đa dạng về hình thức, một số điển hình như bạo lực gia đình; quấy rối tình dục; xâm hại tình dục trẻ em; hiếp dâm, cưỡng dâm; mua bán người; cưỡng ép làm mại dâm; bạo lực bạn tình; nạo phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.
Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Trong trường hợp bị bạo lực bởi người khác không phải là chồng, người gây ra bạo lực chủ yếu cũng là nam giới.
Đại dịch trong đại dịch
Theo Oxfarm Việt Nam và CSAGA, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người từng bị bạo lực tinh thần, thể xác hoặc tình dục, chủ yếu do chồng/bạn tình gây ra.
Một nghiên cứu về bạo lực gia đình trong dịch COVID-19 chỉ ra 99% gia đình xảy ra xung đột. Trong đó, các ông chồng thường là người gây ra, 89,1% phụ nữ là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình.
Trong đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động của COVID-19, cứ 3 phụ nữ thì có hơn một người (37,8%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra. Trong đó, hình thức kiểm soát hành vi và kinh tế chiếm nhiều hơn cả, với lần lượt 31,5% và 24,4%.
Trong dịch bệnh, cứ 10 phụ nữ thì có một người (10%) bị bạo lực thể xác (tỷ lệ ở nông thôn cao hơn thành thị), 4,7% trải qua hình thức bạo lực tình dục (tỷ lệ ở thành thị cao hơn nông thôn).
Theo bà Nguyễn Vân Anh, thế giới gọi tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong đại dịch COVID-19 là “đại dịch đen trong đại dịch”.
Số lượng cuộc gọi đến đường dây trợ giúp về bạo lực gia đình của CSAGA tăng gấp đôi so với cùng thời điểm này hàng năm.
“Tôi ấn tượng với câu nói của một nạn nhân khi gọi đến đường dây của chúng tôi cầu cứu rằng: ‘Thà chạy ra ngoài, có thể em mắc COVID-19, có thể không, mà bị bệnh cũng chưa chắc đã chết. Nhưng ở trong nhà, chắc chắn em chết vì bị chồng đánh’”.
“Tình trạng đại dịch trong đại dịch rất kinh khủng”, bà nói thêm.
Thực tế, rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái trải qua tình trạng bị bạo lực giới. Tuy nhiên, số người tiếp cận cũng như biết đến các dịch vụ hỗ trợ còn hạn chế.
Do đó, CSAGA cùng nhiều tổ chức khác thảo luận để tìm ra giải pháp.
Mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch COVID-19 bao gồm hoạt động tập huấn, truyền thông cho các nhóm đồng hành; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19 tại 3 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình).
Trong đó, tập trung hỗ trợ qua các hình thức như điện thoại, phương tiện trực tuyến, kết nối các nguồn lực tại địa phương (tổ ứng phó COVID-19 tại cộng đồng, nhân viên y tế,…) và địa chỉ tin cậy.
“Chúng tôi khích lệ sự tự cường sẵn có trong mỗi một người phụ nữ và trẻ em đang phải trải qua tình trạng bạo lực trên cơ sở giới”, bà Nguyễn Vân Anh nói.
Ngày càng nhiều nạn nhân lên tiếng
Trong dịch COVID-19, các địa phương như Sơn Tây (Hà Nội), Đông Lai (Hòa Bình), Hải Dương hay Hải Phòng, không xảy ra trường hợp bạo lực giới trầm trọng như đánh đập. Tuy nhiên, họ luôn có phương án ứng phó.
Ông Đỗ Văn Sanh, Trưởng ban Tuyên giáo và Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, cho biết khi đại dịch ảnh hưởng đến công việc, người lao động bị giảm lương, dần sa vào con đường rượu chè, cờ bạc, vay tín dụng đen, không đảm bảo sinh kế. Bạo lực gia đình là điều tất yếu.
Theo điều lệ công đoàn, những đơn vị đủ điều kiện đều phải thành lập ban nữ công quần chúng với trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục. Hàng năm, công đoàn cơ sở phải tổ chức cho đoàn viên ký cam kết bản thân và người thân không vi phạm các tệ nạn xã hội, đăng ký phong trào thi đua, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, công đoàn phối hợp với công an, chủ nhà trọ để xây dựng khu nhà trọ văn minh, an toàn cho người lao động.
Bà Bùi Thị Hồng Liên, Chủ tịch Công đoàn nhà máy Maple ở TP Hải Phòng, cho biết công ty ưu tiên thay đổi suy nghĩ của người lao động rằng họ cần được bảo vệ, bằng cách đào tạo chính sách về lao động nữ, bình đẳng giới, phòng chống quấy rối tình dục ngay từ đầu.
Ngoài ra, công đoàn có đường dây nóng 24/7 để người lao động có thể trao đổi khó khăn công việc, cuộc sống và tìm sự hỗ trợ.
Bà Nguyễn Kim Dung, Phó trưởng phòng Văn hóa thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cho biết ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến cho người lao động nữ gặp nhiều khó khăn, bị áp lực để ở nhà dẫn đến xích mích trong gia đình.
Khi đó, giải pháp của địa phương là xây dựng địa chỉ tin cậy, bố trí nhân sự thường trực để hỗ trợ các ca bạo lực giới. Ngoài ra, các cán bộ được nâng cao hiểu biết về phòng chống bạo lực gia đình, có thể tư vấn kịp thời cho tổ hòa giải, tổ giám sát cộng đồng.
Trong khi đó, Bà Bùi Thị Bính, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Lai, Hòa Bình, cho biết hội tạo các nhóm chung qua mạng xã hội Zalo để tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình.
Sau các buổi tập huấn bởi CSAGA, các địa phương, đơn vị kể trên đều được tiếp cận quy trình chuẩn, kỹ năng tiếp nhận và xử lý hiệu quả hơn các ca bạo lực giới. Phụ nữ được tham gia tập huấn thay đổi nhận thức cộng đồng về bạo lực giới. Họ cũng biết tìm đến các địa chỉ tin cậy, mạnh dạn hơn chia sẻ về bạo lực.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, việc ngày càng nhiều nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới tìm đến các nhà tạm lánh, an toàn tại địa phương không phải là điều đáng lo ngại. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ đã biết tới nhiều hơn các dịch vụ hỗ trợ và tìm đến để được trợ giúp.
Các chiến dịch truyền thông như “Gần Rạng” của BATIK International Vietnam, dưới sự tài trợ của RAJA Foundation, trong khuôn khổ dự án Hy Vọng cũng góp phần thúc đẩy tiếng nói của nạn nhân bạo lực giới trong cộng đồng.
Giám đốc CSAGA cũng nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính của bạo lực, nhưng nam giới cũng luôn được hỗ trợ.
Trong trường hợp nam giới là người gây ra bạo lực hoặc có nguy cơ gây ra bạo lực, trung tâm có các chương trình làm việc với trẻ em trai để phòng ngừa, với thanh niên để dạy về tiền hôn nhân, hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn mà không sử dụng bạo lực trước khi bước vào các mối quan hệ hẹn hò.
Bên cạnh đó, câu lạc bộ “Lần đầu tiên làm cha”, có sự phối hợp với các bệnh viện, tập huấn cho nam giới về phòng ngừa bạo lực. Nhóm “Làm cha, làm chồng hạnh phúc” hướng dẫn nhóm nam giới gây ra bạo lực chấm dứt tình trạng bạo lực.
“Tôi tin rằng sự kết nối sẽ tạo ra sức mạnh. Chúng ta cùng nhau thay đổi tình trạng bạo lực trên cơ sở giới để mỗi người trên đất nước này đều cảm thấy có thể tin cậy, an toàn và yên tâm sống cuộc đời của mình”, bà khẳng định.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Vấn nạn xã hội, Bạo lực, Gia đình