Chuyện người Việt trộm cắp ở Nhật: Im lặng không làm ta vô can

Truyền thông Nhật lại ồn ào với vụ cảnh sát bắt giữ nhóm 13 người Việt do tình nghi liên quan đến các vụ trộm gia súc, gia cầm và hoa quả trong những tháng gần đây.

Chuyện người Việt trộm cắp ở Nhật: Im lặng không làm ta vô can

Cảnh sát đã có trong tay các băng hình và tin rao bán thịt lợn sữa nguyên con, họ cũng có đầy đủ vận đơn gửi thực phẩm tới người mua để tiêu thụ, đã lấy lời khai của nhân chứng sống xung quanh và đương nhiên đã đủ thông tin về giao dịch chuyển khoản, các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn và thậm chí chắc đã nghe lén những ngôi nhà đó trong nhiều ngày. Cùng với tang chứng là 30 con gà, kết quả khám hiện trường cho thấy nhóm này đã mổ lợn trong nhà. Với số lượng người can dự lớn như vậy, họ sẽ dễ dàng có được lời khai tự thú từ các đối tượng. Vụ việc này sẽ còn được điều tra mở rộng để bóc gỡ cả đường dây.

Việc cảnh sát Nhật phải đợi tới lúc này mới giăng lưới bắt băng nhóm này có lẽ một phần do cần củng cố chứng cứ và tang vật, nhưng phần khác là để đợi chuyến thăm của thủ tướng Suga kết thúc tốt đẹp. Chuyện triệt phá băng nhóm trộm cắp qui mô lớn gây phẫn nộ dư luận ngay trước hay trong chuyến đi đã được dự định từ đầu tháng 9 sẽ làm thông điệp của hai thủ tướng về việc hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật trở nên đáng mỉa mai.

Các trang cộng đồng của người Việt đồng loạt dẫn tin truyền thông Nhật và phản ứng phổ biến là: BUỒN, CHÁN, NHỤC. Tất cả cũng chỉ dừng ở đó và rồi mọi việc lại sẽ chìm đi. Nhưng người Nhật không dễ “quên” như vậy. Hậu quả để lại cho cộng đồng người Việt tại Nhật sau những vụ án điểm có ảnh hưởng lớn như thế này chắc chắn sẽ bộc lộ trong gia tăng kỳ thị đối với người Việt, trong việc siết chặt tiêu chuẩn cấp visa, khám xét trên đường và thậm chí có thể cả trong thái độ thiếu tích cực của cảnh sát đối với những vụ việc tội phạm trong nội bộ cộng đồng người Việt, đang ngày càng nhức nhối. Tóm lại, Nhật Bản sẽ trở thành mảnh đất khó sống hơn cho người Việt.

Nhưng liệu như vậy có phải là “quít làm cam chịu”? Câu trả lời là hoàn toàn không.

1. Hàng nghìn người Việt tiếp tay cho tội phạm

Đồ mà người Việt trộm được không thể tiêu thụ qua các kênh phân phối thông thường. Đồ mỹ phẩm, dược phẩm hay đồ điện tử được gửi về tiêu thụ tại Việt Nam. Nhưng thực phẩm thì chỉ có thể tiêu thụ ngay tại Nhật. Với số lượng tới 700 con lợn, số lượng người tiêu thụ lên tới hàng nghìn người. Về bản chất, việc tiêu thụ đồ trộm cắp là hành vi tội phạm có thể bị phạt tù. Lần này, người mua có thể chối phắt là mình không biết nguồn gốc để tránh tội, nhưng một đứa trẻ trung học cũng đủ khả năng để hiểu rằng lợn sữa cả con hay hoa quả với giá chỉ bằng 1/3 giá bán ở siêu thị không thể là “của nhà trồng được”. Người Nhật, dù có cơ hội mua rẻ tương tự nhìn chung cũng sẽ không hám lợi mà chặc lưỡi.

2. Hàng chục vạn người dung túng

Do số lượng hàng trộm được quá lớn, việc tiêu thụ không thể giới hạn qua truyền miệng trong người quen mà phải đăng công khai trên một số nhóm lớn trong cộng đồng người Việt tại Nhật. Hình ảnh chụp màn hình của những tin rao bán lợn hay lê cũng được lan truyền sau đó. Nhưng không thấy ai nêu ý kiến cần thông báo đến nhà chức trách, không ai tố giác tội phạm. Cả cộng đồng lớn hàng chục vạn người điềm nhiên “im lặng”, như việc phạm tội này diễn ra ở một thế giới khác, không phải trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống. Người Nhật khi thấy một người khác vứt rác sai qui định, họ thường sẽ viết giấy đính lên bịch rác để nhắc nhở. Khi thấy ai đó chen hàng họ cũng lập tức phản ứng. Những cái sai dù nhỏ nhặt được xã hội điều chỉnh và đúng như thuyết “cửa sổ vỡ”, nó tạo nên những thay đổi lớn lao hình thành nền nếp xã hội.

Khi cộng đồng người Việt vẫn tiếp tục thái độ như hiện nay, tình hình tội phạm của người Việt sẽ còn tiếp tục kéo dài. Đừng coi đó là vấn đề của cảnh sát hay chính phủ Nhật. Chỉ có sự thay đổi từ bên trong người Việt, bắt đầu từ những điều tử tế nhỏ nhặt, mới thực sự là giải pháp.

Theo SATOKY TSUYURI

Tags: , , ,