Chúng ta đã mất quá nhiều khi nghe chửi sa sả cả năm trời

Trong năm qua, bà Hằng và đám đông fan của mình có thể làm lệch lạc các khái niệm sống, các hành vi ứng xử; gây chia rẽ trong dân chúng…

Tôi nhớ buổi chiều 23/3, trước khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt một ngày, tôi có gọi cho một đồng nghiệp, nhắc đến việc xảy ra gần nhất: Chủ tịch UBND TP.HCM bị réo tên trong livestream với những lời lẽ xấu xí.

Trước đó mấy ngày, những người mang danh “chính nghĩa”, ủng hộ Nguyễn Phương Hằng vẫn không ngừng kéo đến nhà những người từng phản đối việc làm của bà Hằng để gây chuyện, phá phách, đánh người.

“Nếu cứ đà này, đến lúc anh em mình nhận làm thằng hèn thôi, để ai muốn chửi bới mình cũng được, ai muốn làm gì mình cũng được, Vũ ạ!” – người bạn nói một câu trong vẻ chán nản tận cùng.

Tôi chỉ biết nói với anh: Thôi cứ chờ đợi, pháp luật sẽ không có vùng cấm.

Tôi là người phản đối hành vi của Nguyễn Phương Hằng hơn một năm trước, khi bà bắt đầu đắc thắng như một “người hùng cõi mạng”, chửi mắng sa sả những ai có trong “kịch bản chửi bới” của bà.

Tất nhiên, bà và đội ngũ hỗ trợ truyền thông của bà đã không tha cho tôi: Cho tôi “lên sóng”, các nhân vật “hot YouTuber” bênh vực bà cùng đội ngũ truyền thông của bà cho ra đời những bài vu khống, xuyên tạc bằng đủ lời lẽ bẩn thỉu. Đội ngũ fan hùng hậu tự xưng “chính nghĩa”, tấn công tôi qua Facebook, qua tin nhắn và thậm chí gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ chân mình trót đạp vào chỗ bẩn thì rửa cho sạch. Đúng sai còn có pháp luật.

Nhưng hơn một năm thì quá dài với một hành vi xấu và vi phạm pháp luật, trước hàng triệu con người, ngày này qua ngày khác và leo thang ngày một trầm trọng.

Một năm ấy, ai cũng có thể bị làm tổn thương, làm cho tức giận, chán nản, thất vọng.

Ai cũng có thể bị réo tên để chửi, để vu khống ăn chặn, làm hại nhân dân, cướp của người nghèo: Từ các nghệ sĩ, người vừa qua đời, phụ nữ, trẻ em, thậm chí cả những người ngày đêm vì sự sống của đồng bào trong tâm dịch như các bác sĩ.

Họ vu khống không trừ một ai: Nói người ta ăn chặn, nói người ta làm gái, đẻ thuê, nói luôn một đứa trẻ là “lai tạp” nhiều cha lắm bố. Rồi họ phê phán lãnh đạo, phê phán luôn cả công tác cán bộ. Không ngừng, không nghỉ.

Họ thách thức tất cả: Văn hóa sống, nhân phẩm con người, pháp luật…

Kịch bản làm “người hùng chính nghĩa” không chỉ một mình Nguyễn Phương Hằng mà còn có đội ngũ, có nhiều người chửi cùng. Họ là những người trực tiếp ngồi bàn tròn để livestream cùng bà, cho đến những tay ăn theo trên các nền tảng mạng xã hội; đặc biệt là đông đảo fan ở nhiều làng quê ngõ phố.

Một năm, bà Hằng và đám đông ấy có thể làm lệch lạc các khái niệm sống, các hành vi ứng xử; gây chia rẽ rất nhiều trong dân chúng.

Khái niệm “chính nghĩa” đẹp đẽ đã bị hiểu là mạnh ai nấy chửi, không cần chứng cứ, không cần luật pháp, miễn là bạn mạnh miệng nói người ta xấu, bạn sẽ là “chính nghĩa”.

Những tiếng nói phản biện bị tấn công bằng chửi rủa từ trực tiếp trên sóng đến đám đông fan trên mạng; kéo đến tận nhà hỏi tội, bêu tên anh em, cha mẹ, họ hàng ra và nhục mạ bằng đủ kiểu.

Xã hội vô tình trở nên đáng sợ và xấu xí, nguy hiểm. Nhiều người bỏ công bỏ việc, bỏ đúng bỏ sai, bỏ phân biệt tốt xấu đi ủng hộ, hóng hớt, tham gia “phong trào chính nghĩa”.

Hình ảnh đất nước có người dân dùng mạng xã hội kiểu đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Từng có đứa trẻ mới lớn đặt câu hỏi: “Cô Hằng không bị sao, những người nói cô Hằng bị đánh và kẻ đánh cũng chưa bị sao, vậy là cô Hằng đúng phải không?”.

Đến mức cái gì cũng có thể bị phá phách, bị bôi bẩn (cả cơ quan báo chí truyền thông của nhà nước như báo điện tử VOV cũng bị đánh sập). Báo chí phân tích đúng sai, chỉ ra các ranh giới luật pháp thì bị gọi là “báo bẩn”.

Phong trào từ thiện người dân giúp nhau cũng bị bôi bẩn, nghệ sĩ kêu gọi từ thiện thì bị gọi là “nghệ sĩ bẩn”. Họ bôi bẩn bất chấp lên tất cả mọi thứ, ngang nhiên hơn một năm trời, hủy hoại bao nhiêu điều từ hữu hình đến vô hình. Đó là sự tàn phá về văn hóa và đạo đức.

Chúng ta mất quá nhiều trong hơn một năm ấy!

Theo HOÀNG NGUYÊN VŨ / PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: ,