‘Chúng mày không khá nổi là vậy’ – một góc nhìn về người lao động Việt

Một nhân viên kỹ thuật người nước ngoài có lần vào kiểm tra nhà vệ sinh nữ, đã nhún vai: “Chúng mày không khá nổi là vậy!”.

Tôi là cán bộ nhân sự ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM. Tôi ăn lương của chủ nên như người ta nói: “Ăn cơm chúa, phải múa tối ngày” hoặc “Ăn cây nào rào cây ấy”. Tuy nhiên, tôi không mù quáng bênh vực những việc làm sai trái mà muốn có một tiếng nói công bằng.

Vì sao nhân viên kỹ thuật nước ngoài và cả một số cán bộ quản lý người Việt Nam hay chửi mắng; thậm chí bạt tai, đá đít lao động Việt Nam? Đâu phải vô cớ mà họ như vậy? Cũng đâu phải những người này có vấn đề về tâm thần nên không kiểm soát được hành vi. Chung quy là có lửa nên mới có khói; tại anh, tại ả, tại cả đôi đường!

Tôi chỉ kể những điều tai nghe mắt thấy tại công ty của tôi để mọi người “lắng nghe và thấu hiểu”. Công ty quy định 7h làm việc. Nhưng đến 7h15, vẫn còn công nhân lê la hàng quán bên ngoài. Nếu bị lập biên bản vì đi trễ, họ sẽ xúm lại la ó: “Không lẽ bắt người ta để bụng đói đi làm à?”.

Công ty quy định giày dép, tư trang để vào ngăn tủ cá nhân. Công nhân vứt mỗi thứ một nơi, túi xách thì mang vào chỗ làm việc. Khi bị nhắc nhở thì trả treo: “Công ty có dảm bảo đảm đồ đạc để trong tủ không bị mất hay không? Nếu mất có đền cho tụi tôi không?”. Ai biết công nhân để cái gì trong túi xách, nếu họ la hoảng lên là bị mất cắp thứ này, thứ kia, ai dám đứng ra gánh vác trách nhiệm?

Công ty quy định uống nước xong, phải để ly đúng quy định để nhân viên vệ sinh dọn dẹp; uống xong phải tắt vòi nước. Thế nhưng ngày nào cũng có tình trạng mở vòi nước uống rồi để cho chảy lênh láng. Không la rầy làm sao được?

Đến giờ ăn, hôm nào thức ăn không vừa miệng, gạo nấu cơm không được ngon như ý muốn thì công nhân vừa ăn, vừa đổ ra bàn để phản ứng. Họ đâu biết trên thế giới có 1 tỉ người thiếu ăn? Nói đâu xa, ngay ở đất nước mình, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, mùa giáp hạt vẫn phải ăn khoai sắn thay cơm!

Quy định của công ty là “cấm hút thuốc” trong khu vực sản xuất vì nơi đó có hàng hóa, nguyên phụ liệu dễ cháy. Nhưng ngày nào nhân viên vệ sinh cũng quét hốt cả nắm tàn thuốc lá. Khi bị bắt gặp, nhắc nhở, lập biên bản thì dọa đánh những người thừa hành nhiệm vụ.

Công ty quy định phải mang khẩu trang để bảo đảm vệ sinh – an toàn lao động nhưng khi nào có kiểm tra thì mang, còn không thì “vứt ở đâu không rõ”. Chịu nổi không?

Nhà vệ sinh công cộng thì khỏi nói. Dùng xong không dội nước, vứt giấy vệ sinh tràn lan xuống nền nhà. Thậm chí, nói thì kỳ nhưng có nhiều chị em tới ngày tháng, khi thay băng vệ sinh không gói ghém cẩn thận mà vứt bừa ra đó. Hết biết luôn!

Đây chỉ là một phần trong những gì đã và đang xảy ra tại công ty chúng tôi. Ý thức chấp hành nội quy kỷ luật của “một bộ phận không nhỏ” công nhân còn rất yếu kém. Nhân viên quản lý là những người trực tiếp làm việc với công nhân, tận mắt chứng kiến những việc này, không nổi nóng, không bức xúc mới lạ. Một nhân viên kỹ thuật người nước ngoài có lần vào kiểm tra nhà vệ sinh nữ, đã nhún vai: “Chúng mày không khá nổi là vậy!”.

Nghe mắc cỡ quá nhưng biết phải làm sao?

Theo LÊ LAN THẢO / NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tags: , ,