Chùm ảnh: Vật chứng đặc biệt về đời sống ở Việt Nam thời thuộc địa

Cùng nhìn lại những hiện vật phản ánh cuộc sống ngột ngạt dưới ách cai trị thực dân – phong kiến của nhân dân Việt Nam thời thuộc địa.

Các hiện vật này được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội.

Thẻ thuế thân, người Việt dùng dưới thời thực dân Pháp thống trị. Thuế thân có từ thời phong kiến, đã được thực dân Pháp đã tận dụng triệt để và đặt lên một phương thức thu mới với tính chất áp đặt và tận thu, đẩy nhiều người dân Việt Nam thời thuộc địa vào cảnh khốn cùng.

Hộp đựng thước phiện, chứng tích về chính sách đầu độc nhân dân Việt Nam của thực dân Pháp. Người Pháp đã độc quyến sản xuất và tiêu thụ thuộc phiện ở Đông Dương mà đối tượng chính là các tầng lớp dân chúng. Vào năm 1914, thuốc phiện đã góp khoảng 37% vào nguồn tài chính của Pháp ở Đông Dương.

Nhãn hãng rượu Phông-ten tại công ty độc quyền kinh doanh rượu của thực dân Pháp ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Người Pháp đã dùng rượu như một công cụ nô dịch và bóc lột nhân dân ta. Năm 1904, chính quyền thực dân cho xây dựng nhà máy rượu tại thị xã Hải Dương, trực thuộc Công ty Rượu Phông-ten của Pháp. Sau khi nhà máy rượu đi vào sản xuất, nhà cầm quyền ra lệnh cấm rượu của nhân dân tự sản xuất để độc chiếm thị trường

Thùng đựng nhựa cao su, công nhân đồn điền cao su Phú Riềng dùng dưới thời thực dân Pháp thống trị. Chính sách bóc lột và đàn áp nhân công biểu hiện rõ trong việc khai thác đồn điền cao su. Năm 1939, 19 công ty cao su Đông Dương lời được 309 triệu quan, trong khi số lương trả cho nhân công chỉ 40 triệu.

Đèn dầu luyn, chủ mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) phát cho công nhân khai thác hầm lò trong những năm 1917-1925. Khai thác than đá là ngành công nghiệp dẫn đầu ở Việt Nam. Trái ngược với vị thế của ngành này, đời sống của công nhân khai thác than hết sức khổ cực khi phải làm việc trong môi trường độc hại, tính chất công việc nặng nhọc, điều kiện an toàn không đảm bảo, thù lao thấp…

Lưỡi cày bằng gỗ, ông Nguyễn Đình Long dùng trong 30 năm dưới thời thực dân – phong kiến. Dưới thời Pháp thuộc, phương thức canh tác nông nghiệp không thay đổi trong hàng ngàn năm, quan hệ sản xuất tại nông thôn vẫn là quan hệ địa chủ – tá điền. Ngoài ra còn có thêm việc chiếm hữu diện tích lớn đất đai của thực dân Pháp và giáo hội Thiên Chúa giáo.

Chiếc thuốn, các nhân viên thuế vụ Pháp dùng kiểm tra hàng hóa của người dân Việt Nam. Chính quyền thực dân Pháp thu lợi tức thuộc địa thông qua hệ thống các sắc thuế, nhiều loại thuế được đặt ra một cách vô lý. Các loại thuế được thu và phân chia theo hai loại ngân sách: thu cho Ngân sách Đông dương (chủ yếu là thuế quan, thuế rượu, thuốc phiện, muối…) và thu cho Ngân sách địa phương gồm các xứ (Bắc kì, Trung kì, Nam kì) và các tỉnh (chủ yếu là thuế thân, thuế ruộng đất, thuế lao dịch…)

Chiếc áo của ông Đoàn Hùng, công nhân mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh), đã mặc trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị.

Đồng hồ, chủ nhà máy Xi măng Hải Phòng dùng kiểm tra thời gian sau một ngày làm việc của công nhân.

Triện đồng, hào lý ở các địa phương dùng dưới thời thực dân Pháp thống trị.

Huy chương danh dự, thực dân Pháp tặng cho những người có công phục vụ chính quyền thực dân.

K.T

Tags: , ,