Chùm ảnh: Tuyến đường sắt trăm tuổi, dài 1/4 vòng trái đất của Nga

Không phải là cường điệu khi nói rằng, chỉ trên tuyến đường sắt vạn dặm xuyên Siberia, người ta mới có thể cảm nhận trọn vẹn được sự rộng lớn và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của xứ sở Bạch Dương.

Kết nối thủ đô Moskva với thành phố Vladivostok, Đường sắt xuyên Siberia (Транссибирская железнодорожная магистраль) là tuyến đường sắt trực tiếp dài nhất thế giới. Tuyến đường này đã có tuổi đời hơn một thế kỷ, là một kỳ quan công nghiệp khiến thế giới nể phục người Nga. Ảnh: Викигид.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 3/1891, Thái tử Nikolai – người sau này trở thành Sa hoàng Nikolai II – đã chủ trì lễ khởi công xây dựng phân khúc Viễn Đông của tuyến đường sắt xuyên Siberia trong thời gian dừng lại tại Vladivostok, sau khi tới thăm Nhật Bản vào cuối cuộc chu du thế giới. Ảnh: Iinosmi.ru.

Khi đó, người được chỉ định kế vị ngôi Sa hoàng đã ghi chú trong nhật ký của mình những dự đoán về việc du lịch trong sự thoải mái của “Tàu hỏa của Sa hoàng” qua vùng đất hoang sơ của Siberia trong tương lai. Ảnh: Авто Mail.ru.

Sau 13 năm xây dựng, ngày 21/7/1904, tuyến đường sắt vĩ đại xuyên Siberia đã được hoàn thành. Tuyến đường này bắt bắt đầu tại Yaroslavsky Vokzal ở Moskva, chạy qua vùng đất rộng lớn phía Nam Siberia để tới thành phố cảng Viễn Đông Valdivostok. Ảnh: Wikipedia.

Sau đó, chính quyền Sa hoàng cho xây dựng tuyến bổ sung Đông Trung Hoa như là hợp phần Nga – Trung của tuyến đường sắt xuyên Siberia, kết nối Nga với Trung Hoa và tạo ra một tuyến đường ngắn hơn để đến thành phố cảng Vladivostok. Ảnh: Ru.rayhaber.com.

Tới năm 1916, mạng lưới đường sắt xuyên Siberia đã thông mạch châu Âu và châu Á, nối vùng Trung Nga và vùng Viễn Đông, liên kết các cảng ở phía Tây và phía Đông của đất nước Nga. Ảnh: Странник.

Từ tuyến đường sắt xuyên Siberia, vào thời Liên Xô, người Nga tiếp tục phát triển tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ và Đường sắt Baikal – Amur (BAM). Từ đây, hệ thống đường sắt ở vùng Viễn Đông của Nga được nâng lên một tầm cao mới. Ảnh: Wikipedia.

Với chiều dài tuyến chính là 9.259 km, Đường sắt xuyên Siberia kéo dài gần 1/4 chu vi của Trái đất, trong đó có 80 km là cầu bắc qua mặt nước, 7/24 múi giờ của thế giới. Ảnh: ТурВопрос.

Từ khi còn đang được xây dựng, tiếng tăm của tuyến đường sắt này đã vang dội khắp năm châu. Tại triển lãm Paris vào năm 1900, mô hình tuyến đường sắt lịch sử được giới thiệu và đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người tham dự. Ảnh: TASS.

Tới nay, giới chuyên ngành vẫn gọi tuyến đường sắt xuyên Siberia là một tuyệt phẩm của kỹ nghệ xây dựng. Mọi tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ lúc bấy giờ đã được đưa vào công trình, đánh thức vùng đất ngủ yên của nước Nga. Ảnh: ИА Regnum.

Hiện tại, công tác hiện đại hóa nền đường sắt và cơ sở hạ tầng cho tuyến đường này vẫn được thực hiện không ngừng. Mạng đường sắt xuyên Siberia vừa là di tích lịch sử, vừa là hiện thực sống động của hệ thống giao thông Nga thế kỷ 21. Ảnh: Yandex.ru.

Trên phương diện du lịch, đường sắt xuyên Siberia kết nối hàng trăm thành phố lớn và nhỏ từ châu Âu sang châu Á của Nga, được xem là một trong những hành trình bằng xe lửa tuyệt vời nhất trên thế giới. Ảnh: Twintip.ru.

Hành trình trên tuyến đường đường sắt này sẽ kéo dài 7 ít nhất ngày nếu chạy không dừng. Nhưng để thực sự tận hưởng chuyến du ngoạn, hành khách nên dành khoảng thời gian từ 10 đến 14 ngày, với một số chặng dừng nghỉ kéo dài một ngày. Ảnh: inosmi.ru.

Có lẽ không phải là cường điệu khi nói rằng, chỉ trên tuyến đường sắt trăm tuổi xuyên Siberia, người ta mới có thể cảm nhận trọn vẹn được sự rộng lớn và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của xứ sở Bạch Dương. Ảnh: Sib100.ru.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,