Chùm ảnh: Tuatara – loài bò sát được coi là ‘hóa thạch sống’ của Trái đất

Các loài tuatara đã xuất hiện trong Kỷ Tam Điệp (khoảng 240 triệu năm trước) và phát triển mạnh trong suốt Đại Trung sinh. Do nguồn gốc cổ xưa của mình, chúng được mệnh danh là “khủng long thời hiện đại” hay “hóa thạch sống”.

Tuatara là tên gọi của một loài bò sát đặc hữu của New Zealand. Dù có bề ngoài trông giống thằn lằn, chúng thuộc một bộ bò sát riêng biệt được gọi là Rhynchocephalia, ngang hàng với bộ Crocodilia (Cá sấu), Squamata (Có vảy – rắn và thắn lằn) và Testudines (Rùa).

Hóa thạch được phát hiện cho thấy, các loài tuatara đã xuất hiện trong Kỷ Tam Điệp (khoảng 240 triệu năm trước) và phát triển mạnh trong suốt Đại Trung sinh. Do nguồn gốc cổ xưa của mình, chúng được mệnh danh là “khủng long thời hiện đại” hay “hóa thạch sống”.

Trên phương diện tiến hóa, tuatara có tổ tiên chung gần nhất với các loài thằn lằn và rắn. Do đó, loài bò sát này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ những nhà nghiên cứu về sự tiến hóa của thằn lằn và rắn.

Trong quá khứ từng có rất nhiều loài tuatara tồn tại, nhưng ngày nay chỉ còn một loài có tên khoa học là Sphenodon punctatus. Chúng phân bố trong một khu vực hẹp ở New Zealand, chủ yếu là các đảo nhỏ phía Đông Bắc quốc gia này.

Tuatara thường có màu xám hay nâu xanh, con trưởng thành đạt chiều dài tối đa 80 cm và nặng đến 1,3 kg. Cái tên “tuatara” trong ngôn ngữ thổ dân Maori có nghĩa là “đỉnh nhọn trên lưng”, bắt nguồn từ việc loài này có một dãy gai trên lưng, đặc biệt nổi bật ở con đực.

Bộ răng của tuatara gồm hai hàng răng nhọn hàm trên chồng lên một hàng răng hàm dưới, là độc nhất vô nhị trong các loài động vật có xương sống. Đây cũng là một nét đặc trưng để phân biệt chúng với các loài thằn lằn, vốn có hình dạng cơ thể tương tự.

Cùng với rùa, tuatara có cơ quan thính giác nguyên thủy nhất trong lớp Bò sát, khi không có màng nhĩ và lỗ tai. Mắt tuatara tương đối phát triển, với khả năng nhìn tốt trong bóng tối.

Các cá thể tuatara non có một “con mắt thứ ba” trên đỉnh đầu, là một cơ quan có khả năng tiếp nhận ánh sáng, mà mục đích sử dụng vẫn chưa được xác định rõ ràng. “Con mắt ” này sẽ dần biến mất khi chúng trưởng thành.

Bộ xương của tuatara mang những đặc điểm của bò sát nguyên thủy, với cột sống có một số nét tương đồng với xương cá và lưỡng cư. Xương chậu và xương bả vai của chúng được sắp xếp khác với của thằn lằn.

Các mảng gai trên lưng và đuôi của tuatara giống với cá sấu hơn là thằn lằn, nhưng chúng lại chia sẻ với thằn lằn khả năng đứt đuôi khi bị đe dọa. Cũng như thằn lằn, đuôi chúng sau đó sẽ mọc lại.

Về mặt tập tính, tuatara là loài bò sát sống trên cạn và chủ yếu hoạt động buổi đêm. Chúng thường săn côn trùng ẩn mình dưới những khúc gỗ và đá, nhưng cũng có thể xơi ếch, thằn lằn nhỏ, trứng và chim non. Chúng tận dụng hang của chim biển để trú ẩn hoặc tự đào hang cho mình.

Tuatara của cả hai giới đều bảo vệ lãnh thổ quyết liệt, với việc đe dọa và cắn những kẻ xâm nhập. Chúng sẵn sàng cắn con người nếu bị khiêu khích. Khi đã cắn, tuatara sẽ không dễ dàng buông ra, và vết cắn có thể gây thương tích nghiêm trọng.

Loài bò sát cổ xưa này có khả năng sinh trưởng ở nhiệt độ thấp, từ 10-15 độ C, ngưỡng nhiệt độ mà đa phần loài bò sát khác sẽ “đông cứng”. Dù vậy, chúng chịu nóng kém và sẽ “ngỏm” nếu nhiệt độ vượt quá 28 độ C.

Tuatara sinh sản với tốc độ rất chậm. Chúng mất mất từ 10 đến 20 năm để đạt đến độ thành thục về mặt sinh dục. Con cái giao phối và đẻ trứng 4 năm một lần. Phải mất từ 12 đến 15 tháng kể từ khi giao phối trứng mới nở.

Chúng cũng là loài tăng trưởng chậm nhất trong lớp Bò sát. Phái mất 35 năm, tuatara mới đạt kích cỡ lớn nhất. Tuổi thọ trung bình của chúng là 60, và một số trường hợp tuatara nuôi nhốt sống đến hơn 100 năm đã được ghi nhận.

Trong thế kỷ 20, nhiều quần thể tuatara ở New Zealand đã biến mất do tác động từ con người và các loài xâm lấn, điển hình là chuột. Nhờ những nỗ lực bảo tồn, số lượng của chúng đã dần phục hồi, ngày nay ước tính có từ 60.000 đến 100.000 cá thể.

Theo luật pháp New Zealand, tuatara được bảo vệ đặc biệt với việc nghiêm cấm buôn bán, nuôi nhốt hoặc mang ra khỏi đất nước. Nếu muốn ngắm nhìn chúng, cách duy nhất là đến các khu bảo tồn được cấp phép mở cửa cho khách du lịch tham quan.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,