⠀
Chùm ảnh: Tên lửa Tomahawk – sứ giả chiến tranh của chú Sam
Kể từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh, Tomahawk luôn là vũ khí đầu tiên mà Mỹ sử dụng trong các chiến dịch quân sự, vì thế nó được đặt cho biệt danh là “sứ giả chiến tranh”.
Theo Global Security, BGM-109 Tomahawk thuộc loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất, do tập đoàn Raytheon chế tạo và đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 1983. Ảnh: Missilethreat.
Tên lửa Tomahawk được chế tạo với 3 phiên bản phóng trên đất liền, trên tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Phiên bản phóng trên đất liền (ảnh) đã bị loại bỏ theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) ký kết với Liên Xô vào năm 1987. Ảnh: Flickr/Lục quân Mỹ.
Các phiên bản sử dụng hiện tại đều được phóng từ tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Các tàu chiến có thể phóng Tomahawk gồm tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm lớp Ticonderoga, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles, Virginia và phiên bản chuyển đổi từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Phiên bản phóng từ tàu ngầm có thể khởi động qua ống phóng ngư lôi, hoặc ống phóng thẳng đứng. Các tàu mặt nước phóng Tomahawk từ hệ thống phóng module Mk41. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Tomahawk được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, men theo địa hình (TERCOM), so sánh hình ảnh tương phản (DSMAC) hoặc radar chủ động giai đoạn cuối. Ảnh: Raytheon.
Hệ thống dẫn hướng hiện đại giúp tên lửa đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ từ 5-10 m. Tomahawk có tầm bắn dao động từ 1.700-2.500 km tùy phiên bản, mang theo đầu đạn nặng 450 kg. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Tên lửa Tomahawk được sử dụng lần đầu trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Nó nhanh chóng chứng tỏ uy lực tấn công phủ đầu đáng sợ khi đánh tan tác các căn cứ quan trọng của Iraq. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Kể từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh, Tomahawk luôn là vũ khí đầu tiên mà Mỹ sử dụng trong các chiến dịch quân sự, vì thế nó được đặt cho biệt danh là “sứ giả chiến tranh”. Từ năm 1991 đến nay, hàng nghìn tên lửa Tomahawk đã được Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN