Chùm ảnh: Rừng Amazon vẫn cháy nghi ngút sau một năm

Rừng Amazon đã mất khoảng 17% diện tích. Mùa khô năm nay, lá phổi thế giới tiếp tục bốc cháy mặc dù tổng thống Brazil đã cam kết bảo vệ rừng sau trận hỏa hoạn năm 2019.

Một năm trước, khu rừng quanh đô thị Novo Progresso của Brazil bùng cháy. Đó là trận cháy lớn đầu tiên trong mùa khô của Brazil. Quốc gia này trải qua hơn 100.000 đám cháy trong mùa khô 2019, dẫn đến làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu vì chính phủ Brazil không bảo vệ “lá phổi của Trái Đất”.

Năm nay, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cam kết kiểm soát việc đốt phá rừng. Ông Bolsonaro đã ban hành lệnh cấm đốt rừng trong 4 tháng, cử quân đội đến ngăn chặn và chiến đấu với các vụ cháy.

Tuy nhiên, khói ở Novo Progresso đang dày đặc đến nỗi cảnh sát ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông vì người điều khiển phương tiện không thể nhìn thấy đường. Nông dân Brazil thường đốt rừng dọn đất nuôi gia súc hoặc trồng đậu tương, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này.

Các chuyên gia cho biết cháy rừng đang đẩy khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đến giới hạn. Qua giới hạn này, rừng sẽ không thể tiếp tục tạo ra đủ lượng mưa để tự tồn tại và khoảng 2/3 diện tích rừng sẽ bắt đầu suy giảm.

Tuy vậy, cư dân của Novo Progresso như doanh nhân Claudio Herculano tin rằng thành phố chỉ mới phát triển trong vài năm qua nhờ số trang trại trong khu vực gia tăng. “Tất cả người dân ở đây muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng tôi biết điều gì đang thúc đẩy nền kinh tế này”.

Tổng thống Brazil có phản ứng khá mâu thuẫn về vấn đề cháy rừng. Ông đã phát động một chiến dịch do quân đội dẫn đầu để ngăn phá rừng vào tháng 5. Song, ông Bolsonaro phủ nhận cây cối trong vùng có thể bắt lửa. Tổng thống Brazil cũng nói số rừng bị mất vào tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm trước, bỏ qua thực tế đây là con số cao thứ ba so với mọi tháng kể từ 2015.

Vào tháng 7, đầu mùa khô của Amazon, thêm nhiều cây cối bị chặt. Sau khi đốn hạ cây, người dân sẽ đốt rừng vì cách này dễ và rẻ hơn nhiều so với sử dụng máy móc hạng nặng để dọn cây cối. Diện tích rừng bị suy thoái do khai thác gỗ cũng tăng 465%, theo Paulo Barreto, kỹ sư lâm học và nhà nghiên cứu nạn phá rừng tại nhóm môi trường Imazon.

Tháng 8 và tháng 9 là giai đoạn cao điểm của đốt rừng. Trong nửa đầu tháng 8 năm nay, các vệ tinh đã phát hiện ra 19.000 đám cháy trên khắp rừng Amazon. Tình hình có thể trở nên giống năm 2019, khi các vụ cháy rừng thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Năm 2019, việc ông Bolsonaro giảm các biện pháp bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế khiến thế giới phẫn nộ. Một số nguyên thủ quốc gia ở châu Âu chỉ trích ông Bolsonaro hoặc đề nghị rút vốn. Các nhà lập pháp châu Âu đe dọa từ chối phê chuẩn thỏa thuận thương mại mà Brazil mất hai thập kỷ đàm phán.

Những người làm chăn nuôi cũng đang tiến vào khu rừng nguyên sinh. Đô thị Novo Progresso tiếp giáp với rừng quốc gia Jamanxim và khu vực được bảo vệ. Cả hai khu vực này đều đã bị băm nát bởi nạn phá rừng. Từ trên cao, khu rừng trông như đang bị phân rã.

Carlos Nobre, nhà khí hậu học của Đại học Sao Paulo, cho biết Amazon đã mất khoảng 17% diện tích ban đầu. Với tốc độ phá rừng hiện tại, Amazon sẽ đạt đến giới hạn trong vòng 15-30 năm tới và khi phân hủy, khu rừng sẽ thải ra hàng trăm tỷ tấn carbon dioxide vào khí quyển.

Ông Nobre nói các dấu hiệu của việc này đang xuất hiện. Mùa khô ở 1/3 phía nam của Amazon – nơi đô thị Novo Progresso tọa lạc – đã kéo dài gần 4 tháng, tăng thêm 1 tháng so với mùa khô của những năm 1980. Khu vực này cũng đang nóng dần lên.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / AP

Tags: , ,