Chùm ảnh: Nhà 48 Hàng Ngang và hồi ức của Tướng Giáp

“Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để tập thể thông qua. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người…”.

Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể về thời gian Bác Hồ ở nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, nơi Người soạn bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhân dịp Quốc khánh, xin trích lại những dòng văn của Đại tướng. (Ảnh trong bài chụp tại di tích nhà 48 Hàng Ngang).

“Anh chị chủ nhà ở số 48 phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi. Lúc đó, theo sự phân công của Bác, anh Tô và anh Hoan còn ở lại Tân Trào ít lâu”.

“Đối với những người giúp việc trong gia đình và hàng xóm thì Bác và chúng tôi là ‘các cụ và các ông ở nhà quê ra chơi’. Anh Ninh hồi đó có bộ râu rậm lười cạo nên cũng được coi lầm là một ‘ông cụ’”.

“Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết, Bác ngồi viết ở cái bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác được đặt trên cái bàn vuông nhỏ mặt bọc nỉ xanh, kê ở góc buồng”.

“Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó. Người nằm ở đi-văng. Người ngủ trên những chiếc ghế kê ghép lại. Bác nghỉ trên một chiếc ghế xếp bằng vải trước kia vẫn dựng ở góc buồng”.

“Ngay từ hôm Bác mới về, những toán quân Tưởng đầu tiên đã xuất hiện ở Hà Nội. Đó là những tên thám báo và tiền trạm. Đứng trên bao lơn, chúng tôi nhìn thấy những toán quân Tưởng lẻ tẻ vẫn tiếp tục kéo đến…”.

“…Chúng xuất hiện như những vết nhơ trên thành phố vừa quét sạch được mùi hôi tanh của bọn thực dân. Nhìn chúng lần này thảm hại hơn nhiều so với lần chúng tôi đã nhìn thấy chúng năm năm trước tại Côn Minh, Quế Lâm”.

“Bác chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng tại Hà Nội. Cách mạng đã thành công ở hầu khắp các tỉnh. Nhưng chính quyền cách mạng trung ương vẫn chưa thành lập”.

“Tình hình trong, ngoài lại rất khẩn trương. Thường vụ nhận thấy phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời và tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ…”.

“…Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa”.

“Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản Tuyên ngôn Độc lập”.

“Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong 36 phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy”.

“Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì”.

“Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử”.

“Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để tập thể thông qua. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người…”.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,