⠀
Chùm ảnh: Loài ốc khổng lồ đã tồn tại 350 triệu năm trên Trái đất
Là loài động vật chân đầu (Cephalopoda) cổ xưa nhất còn lại trên Trái đất, ốc anh vũ không có quá nhiều khác biệt so với các hàng cổ xưa đã tồn tại từ khoảng 350 triệu năm trước.
Sinh sống ở các vùng biển nhiệt đới thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ốc anh vũ (Nautilus pompilius) là một trong những “hóa thạch sống” nổi tiếng nhất của thế giới. Ảnh: Wikipedia.
Là loài động vật chân đầu (Cephalopoda, gồm mực và bạch tuộc) cổ xưa nhất còn lại trên Trái đất, ốc anh vũ không có quá nhiều khác biệt so với các hàng cổ xưa đã tồn tại từ khoảng 350 triệu năm trước. Ảnh: Wiley Online Library.
Loài động vật thân mềm này có thể đạt đường kính 25 cm khi trường thành. Chúng có chiếc vỏ cứng bảo vệ cơ thể, bên ngoài vỏ có vằn hình lượn sóng xám đỏ xen nhau, bên trong là lớp xà cừ trắng bạc lấp lánh. Ảnh: Getty Images.
Quanh miệng ốc và hai cạnh đầu có khoảng 90 xúc tu. Khi săn mồi, toàn bộ xúc tu đều mở ra. Khi nghỉ ngơi xúc tu co vào trong vỏ, chỉ để lại một vài cái để cảnh giới. Ảnh: Ocean Oculus.
Thân ốc mềm nằm trong vỏ. Từ trung tâm vỏ ốc ra đến miệng có những lớp màng ngăn chia vỏ thành hơn 30 buồng khí. Cơ thể ốc chỉ chiếm một gian ngoài cùng, các gian còn lại đều bỏ trống, có ống thông với nhau. Ảnh: ThoughtCo.
Loài ốc này có thể tự do điều tiết sự phân bố khí trong buồng khí của cơ thể để điều khiển sự chìm nổi, lại có thể phun nước qua chiếc phễu làm bằng cơ để di chuyển trong nước xanh, rất giống hoạt động của một tàu ngầm. Ảnh: Lookphotos.
Có lẽ, đây là lý do mà nhà văn Jules Verne (1828-1905) đã lấy tên Nautilus để đặt cho chiếc tàu ngầm của thuyền trưởng Nemo trong các tác phẩm văn học hư cấu nổi tiếng là “Hai vạn dặm dưới đáy biển” và “Hòn đảo bí mật”. Ảnh: WallpaperSafari.
Về mặt tập tính, ốc anh vũ thường nằm dưới đáy biển, ẩn nấp trong san hô và đá. Khi di chuyển, chúng bò bằng xúc tu trên nền hoặc phun nước qua phễu để tạo luồng phản lực bơi đi trong nước. Ảnh: Walmart.ca.
Là loài ăn thịt, ốc ăn vũ săn các loài động vật cỏ vỏ như các loài ốc nhỏ và cua, nhưng cũng ăn cả xác thối và mảnh vụn hữu cơ dưới nước. Ảnh: Monterey Bay Aquarium.
Về mặt sinh sản, không giống như hầu hết các loài động vật chân đầu, ốc anh vũ không có giai đoạn ấu trùng. Trứng được con cái đẻ trong các kẽ hở hoặc giữa các rạn san hô. Ảnh: Cephalopods Daily.
Vỏ ốc anh vũ của con non phát triển bên trong trứng và chọc thủng phần trên của quả trứng trước khi con ốc phát triển hoàn chỉnh. Tùy thuộc vào nhiệt độ nước, trứng nở sau 9 đến 15 tháng. Ảnh: Smithsonian Magazine.
Có hai phân loài ốc anh vũ được công nhận, gồm phân loài Nautilus pompilius pompilius, có kích thước lớn và phân bố rộng, và phân loài Nautilus pompilius suluensis nhỏ hơn chỉ có ở vùng biển Tây Nam Philippines. Ảnh: BioLib.
Ở Việt Nam, ốc anh vũ được ghi nhận ở vùng biển Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay số lượng của chúng trên toàn cầu không còn nhiều do do bị khai thác mạnh làm đồ trang sức và hàng mỹ nghệ. Ảnh: Wikipedia.
Trong Sách Đỏ IUCN, ốc anh vũ nằm trong danh sách các loài Sắp nguy cấp. Còn trong Sách Đỏ Việt Nam, chúng là loài Rất nguy cấp. Ảnh: Cephalopods Daily.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Thân mềm