⠀
Chùm ảnh: Hoa đào Tết và ý nghĩa tâm linh không phải ai cũng biết
Xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người lại đem những cành đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Về sau, dù ma quỷ không còn nhưng việc cắm hoa đào đã trở thành lệ…
Chơi hoa đào Tết là một tục lệ có từ lâu đời ở miền Bắc Việt Nam, ngày nay đã hiện diện ở mọi miền đất nước. Phía sau nét đẹp văn hóa này là một truyền thuyết đã có từ xa xưa.
Tích xưa kể rằng, ở phía Đông núi Độ Sóc có một cây hoa đào cổ thụ không biết đã tồn tại đến mấy trăm năm. Cành lá của cây to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng lớn.
Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Với quyền năng của mình, hai vị diệt trừ ma quái giúp cho chúng sinh trong vùng có sống trong an lành.
Khiếp sợ trước sức mạnh siêu nhiên của hai vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào ở đâu đó là chúng cũng hoảng hồn, tránh thật xa.
Tuy nhiên, cứ đến ngày cuối năm, khi hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng như các vị thần khác, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái.
Có người đã nghĩ ra cách bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ để lũ ma quỷ sợ mà không đến gây rối. Ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần dán ở cột trước nhà cũng xua đuổi được ma quỷ.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người lại đem những cành đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ và dán hình thần linh trước nhà. Về sau, dù ma quỷ không còn nhưng việc cắm hoa đào đã trở thành lệ.
Ngày nay, không nhiều người còn nhớ về câu chuyện xưa. Thay vào đó, những cành đào thắm tươi mang một ý nghĩa mới, đó là biểu tượng cho sự ấm cúng, niềm vui và hy vọng vào năm mới tốt đẹp.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Tết Nguyên đán, Văn hóa Việt