Chùm ảnh: Gốm Chu Đậu – sự hồi sinh của một dòng gốm cổ

Dòng gốm Chu Đậu có một số phận rất kỳ lạ, khi đã vụt sáng trên bản đồ thương mại thế giới thời trung đại, tuyệt tích một cách bí ẩn trong thời cận đại và hồi sinh ngoạn mục vào thời hiện đại.

Một chiếc bát gốm Chu Đậu, thế kỷ 15-16, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử TP HCM. Gốm Chu Đậu là một trong những dòng gốm cổ nổi tiếng nhất Việt Nam, được sản xuất tại vùng mà nay thuộc làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân và Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Ấm tỳ bà cổ thuộc dòng gốm Chu Đậu. So với các dòng gốm cổ khác của Việt Nam, gốm Chu Đậu có một số phận rất kỳ lạ, khi đã vụt sáng trên bản đồ thương mại thế giới thời trung đại, tuyệt tích một cách bí ẩn trong thời cận đại và hồi sinh ngoạn mục vào thời hiện đại.

Bình tỳ bà Chu Đậu. Theo các nhà nghiên cứu, dòng gốm Chu Đậu có thể đã được hình thành và phát triển trong khoảng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18. Ông Đặng Huyền Thông, xã Minh Tân được coi là ông tổ của dòng gốm này. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng bà Bùi Thị Hý cũng là một tổ nghề.

Đĩa gốm Chu Đậu có hình kỳ lân. Nổi tiếng vì màu men và họa tiết độc đáo, gốm Chu Đậu được xuất khẩu rộng rãi từ cuối thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 17. Bằng chứng của điều này là sự hiện diện của vô số hiện vật gốm Chu Đậu trong các di chỉ khảo cổ học và các con tàu đắm ở Nhật Bản và Đông Nam Á.

Hộp gốm Chu Đậu hình con cua. Sự phát triển rực rỡ gốm Chu Đậu có thể xuất phát từ sự bế quan tỏa cảng của nhà Minh bên Trung Hoa, khiến các thương buôn nước ngoài tìm nguồn gốm thay thế ở Việt Nam – mảnh đất nằm ở vị trí thuận lợi trên tuyến đường giao lưu thương mại quốc tế.

Chén Chu Đậu hình vẹt. Từ đỉnh cao của sự huy hoàng, khoảng thế kỷ 18, gốm Chu Đậu bỗng chốc lụi tàn như chưa từng tồn tại. Nhiều cách lý giải khác nhau đã được đưa ra, như tình cảnh loạn lạc thời chiến tranh Lê-Mạc và sự mở cửa trở lại của Trung Hoa vào cuối thời Minh khiến việc sản xuất dòng gốm này bị ngừng trệ.

Lọ đựng nước rửa bút hình các con vật của dòng gốm Chu Đậu. Sau một thời kỳ dài bị lãng quên, đến thế kỷ 20, người ta lại nhắc đến gốm Chu Đậu nhờ một chuyện tình cờ. Đó là khi ông Makoto Anabuki – cán bộ ngoại giao Nhật Bản – tìm hiểu về xuất xứ chiếc bình gốm lạ tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ấm Chu Đậu hình chim. Năm 1997, việc khảo sát và khai quật con tàu đắm ở Cù lao Chàm (Quảng Nam) trở thành dấu mốc quan trọng cho sự hồi sinh của gốm Chu Đậu. Đó là cuộc khai quật tốn tiền nhất từ trước đến nay (hơn 6 triệu USD), kéo dài trong bốn năm, huy động 40 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước…

Bát gốm Chu Đậu chứa mảnh tàu đắm. Số lượng hiện vật tìm được từ tàu đắm Cù Lao Chàm lên tới hơn 240.000 trong đó có rất nhiều bát, đĩa, hộp, lọ, bình, ang gốm Chu Đậu, còn nguyên vẹn. Lúc này, thế giới phong phú của gốm Chu Đậu đã được mở ra trước mắt người đương đại.

Binh gốm Chu Đậu vẽ thiên nga, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Gần 1.000 tuyệt tác độc bản của dòng gốm Chu Đậu được ghi nhận, khiến hậu thế không khỏi trầm trồ. Tiêu biểu nhất trong đó là chiếc bình gốm hoa lam vẽ hình bốn con thiên nga đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Hộp gốm Chu Đậu có hình kỳ lân. Sau mấy trăm năm mờ nhạt, đến những năm 2000, các lò gốm Chu Đậu đã sôi động trở lại. Ngay sau lô sản phẩm đầu tiên xuất lò vào năm 2003, gốm Chu Đậu đã trở lại thị trường trong nước và được xúc tiến xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Đĩa gốm Chu Đậu chân cao. Đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã trở thành một thị trường tiêu thụ gốm Chu Đậu ổn định. Tiếp đến là thị trường Nga, Nhật Bản cũng như một số thị trường mới. Có thể nói, gốm Chu Đậu đã quay trở lại một cách khó tin từ tro tàn của lịch sử…

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,