⠀
Chùm ảnh: Góc nhìn lạ về thảm họa hạn hán ở Australia
Đợt hạn hán tồi tệ không chỉ khiến nông dân Australia mất vụ mùa mà còn phải chật vật tìm cách nuôi sống gia súc. Nhiều người lo lắng khi vẫn chưa có dấu hiệu của những trận mưa.
Nhìn từ trên cao, mảnh đất cằn cỗi dưới cái nắng gay gắt tại Australia trông giống như họa tiết trong những bức tranh trường phái trừu tượng.
Tuy nhiên, đối với nông dân Ash Whitney, cảnh tượng này không có gì là đẹp mà chỉ đẫm nước mắt và mồ hôi. Ông phải chật vật chặt từng nhánh cây khô để nuôi gia súc trong mùa hạn hán tồi tệ nhất lịch sử.
“Tôi đã sống ở đây cả đời và có vẻ như đợt khô hạn này sẽ kéo dài lâu”, Whitney nói. Mảnh đất màu mỡ ông sở hữu gần thị trấn Gunnedah, phía đông bắc bang New South Wales, giờ trở nên khô cằn. Lượng mưa trung bình tại đây thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua.
Hạn hán đang hoành hành tại phía đông Australia. Nông dân Tom Wollaston, 70 tuổi, lo ngại về tương lai của thế hệ sau. “Tôi dường như không thể làm gì khác ngoài công việc nuôi gia súc để tiếp tục sống. Nhưng có vẻ hạn hán luôn đi trước một bước”, Wollaston nói. Trong khi đó, vợ ông cho hay: “Tôi thấy hạn hán giống như ung thư. Nó ăn mòn bạn và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn, khô cằn hơn, khiến cuộc sống trở nên tồi tệ”.
May McKeown, 79 tuổi, và con trai Jimmie sống gần thị trấn Walgett, phía tây bắc New South Wales. Hai mẹ con đều lo lắng về tương lai bởi khu vực này gần như không có hạt mưa nào từ năm 2010. Trong ảnh, một chiếc xe điện cũ bị bỏ lại trên mảnh đất của bà McKeown. Đây là một trong những khu vực hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hạn hán.
Trong những tháng gần đây, nông trại của McKeown chỉ kiếm được vài đồng thu nhập ít ỏi. Bà chia sẻ rằng nhà sẽ hết rơm trong vài tháng tới. Khi đó, giá rơm tăng cao có thể sẽ đẩy gia đình vào tình trạng tài chính tồi tệ nhất từ trước đến nay. “Cụ của tôi định cư ở vùng này từ năm 1901 và chưa bao giờ phải đưa gia súc đi khỏi trang trại, nhưng giờ chúng tôi phải di dời chúng đến gần khu nhà ở hơn để có thể dễ dàng chăm nom”.
Nông dân Australia đối mặt với nguồn cung thức ăn gia súc khan hiếm và buộc phải đến các bang khác để mua. Thậm chí, người bán còn đẩy giá lên ngất ngưởng vì nhiều người sẵn sàng mua với giá cao. Sally Downie, bang New South Wales, kể rằng bà phải trả 350 USD/tấn thóc. “Quá đắt!”, Downie cảm thán. Trong ảnh, cối xay gió và tấm thu năng lượng mặt trời nằm giữa vùng đất cằn cỗi phía đông thị trấn Gunnedah.
Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Australia, nhiều khu vực tại nước này ghi nhận mùa hè và mùa thu vừa qua là một trong những đợt nắng nóng, khô hạn nhất trong lịch sử. Trong ảnh, cây đứng trơ trọi gần một máng nước.
Một phần tư sản lượng nông nghiệp của Australia có xuất xứ từ New South Wales. Tới nay, chính quyền bang đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ AUD (hơn 740 triệu USD) cho nông dân. Gói trợ cấp gần đây nhất, với số tiền 500 triệu AUD (khoảng 370 triệu USD), được chính phủ thông báo vào ngày 30/7. Trong ảnh, đàn cừu đi tìm thức ăn trong đất khô.
Bộ Công nghiệp Cơ bản cho biết tình trạng hạn hán ảnh hưởng tới hơn 95% bang New South Wales và chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong lúc đó, theo ABC News, Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne thông báo chính quyền bang có thể yêu cầu quân đội hỗ trợ vận chuyển đồ cứu trợ tới các nông trại. Trong ảnh, vùng bình nguyên trơ trọi tại bang New South Wales.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN /REUTERS
Tags: Australia, Thiên tai, Thảm họa