⠀
Chùm ảnh: Geisha Nhật Bản vất vả giữ nghề trong đại dịch COVID-19
Cũng như nhiều ngành nghệ thuật truyền thống khác, văn hóa geisha của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy vậy, vẫn có đó những người quyết tâm duy trì nét văn hóa này.
Bà Ikuko, 80 tuổi, đã làm geisha từ trong hơn 50 năm. Bà là lãnh đạo Liên đoàn Geisha quận Akasaka, Tokyo. Theo bà Ikuko, năm 1964, quận Akasaka có khoảng 400 geisha. Giờ đây, số geisha còn hoạt động chỉ là 21.
Các geisha làm tóc và trang điểm trước khi bắt đầu công việc. Geisha là biểu tượng đại diện cho nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Họ có thể chơi đàn, múa, hát hay thực hiện nghi lễ trà đạo. Ngoài ra, các geisha thành thạo nghệ thuật trò chuyện một cách dí dỏm, tế nhị.
Hai geisha Mayu và Maki cúi chào Ikuko trước khi tham gia một bữa tiệc, tháng 6/2020. Trước kia, chỉ những người có mối quan hệ cá nhân – thường là nam giới giàu có – có thể xem geisha biểu diễn. Giờ đây, du khách nước ngoài, gia đình và nhóm bạn đã trở thành các khách hàng quan trọng.
Một geisha biểu diễn tại thành phố Hachioji tháng 10/2020. “Geisha từng là ngành nghề kinh doanh phát đạt, là một phần của cuộc sống. Tuy vậy, giờ đây geisha chỉ còn là một văn hóa cần được bảo tồn”, giáo sư Hisafumi Iwashita, chuyên gia về văn hóa geisha tại Đại học Kokugakuin, nói.
Bà Ikoku cùng các geisha Maki, Mayu và Koiku biểu diễn trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đại dịch khiến nhiều bữa tiệc bị hủy bỏ, qua đó tác động nặng nề đến sinh kế của geisha. “Chúng tôi đang cố gắng tồn tại”, bà Ikoku nói. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tập luyện để sẵn sàng biểu diễn bất cứ khi nào”.
“Điều đáng sợ nhất là chúng tôi không biết khi nào mọi thứ kết thúc”, Koiku lo ngại về ảnh hưởng của COVID-19 tới nghề nghiệp của bản thân. “Nếu tình hình tiếp tục như vậy trong thời gian dài, tôi không biết chúng tôi sẽ trụ lại được bao lâu”.
Maki, Mayu, Koiku và Ikuko đeo khẩu trang khi di chuyển từ lớp tập múa đến nhà hàng. “Ngày nào tôi cũng lo lắng. Kiếm đủ tiền sống qua ngày là một thách thức lớn. Tuy vậy, một thách thức khác là giúp đỡ các nghệ nhân để bảo tồn nét văn hóa này”, Mayu nói.
Thu nhập của geisha phụ thuộc vào khách, do đó, khi lượng khách hàng sụt giảm, tiền lương của họ bị ảnh hưởng. Đại dịch COVID-19 cũng khiến geisha gặp khó khăn khi nói chuyện với khách. Các geisha phải sử dụng quạt chống giọt bắn và giữ khoảng cách 2 m khi múa.
Shota Asada, chủ sở hữu nhà hàng nơi Ikuko, Mayu và Koiku biểu diễn, lo ngại sự “già hóa” trong nhóm khách hàng. “Đại dịch gần như chấm dứt việc kinh doanh của tôi”, ông nói. “Tôi mong thế hệ trẻ – những người khoảng 30, 40 tuổi – hứng thú với văn hóa geisha”.
Fiona Graham, geisha người da trắng đầu tiên được công nhận tại Nhật Bản, lạc quan hơn. “Văn hóa Geisha đã thoái trào trong 100 năm qua. Để so sánh, nhạc cổ điển cũng thoái trào trong 100 năm qua. Những tôi không nghĩ nhạc cổ điển sẽ biến mất”, cô nói.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / CNN / REUTERS
Tags: Nhật Bản, Văn hóa Nhật Bản, Dịch bệnh COVID-19